Những món lẩu có tên gọi lạ ở Việt Nam
- 08:51 10-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lẩu là một trong những món ăn được yêu thích. Từ Nam ra Bắc, mỗi vùng miền sở hữu những đặc trưng khác nhau. Trong đó, bên cạnh những món lẩu quen thuộc như riêu cua bắp bò, gà lá é, mắm... một số đặc sản có tên gọi, hương vị đều khác lạ, hấp dẫn thực khách.
Lẩu cá lạp xạp
Lẩu lạp xạp hay còn gọi lẩu thuyền chài là đặc sản nức tiếng của Quảng Ninh. Lạp xạp (hay lạp sạp, lạp chạp, lạp tạp) là tiếng địa phương, mang nghĩa gần giống thập cẩm. Người dân miền biển gọi cá lạp xạp ý chỉ mớ cá nhỏ, có thể lẫn tôm, cua và nhiều loại hải sản khác họ vừa đánh bắt lên bờ.
Nồi lẩu lạp xạp thường gồm cá, mực, tôm, ghẹ, hành lá, dứa, cà chua... Loại rau đi kèm thường là mồng tơi. Cá được chọn theo mùa như cá bò, cá ót, cá gầu, cá dìa, cá hối, cá mú, cá cháp, cá ong… và phải tươi ngon nhất.
Để tạo độ chua thanh cho nước lẩu, ngoài dứa, cà chua, người dân địa phương thường cho thêm bứa khô. Đây là loại quả có vị chua, mùi thơm dễ chịu, thường được dùng để nấu canh chua, cá kho.
|
Để món ăn thêm đa dạng hương vị, một số nơi còn cho thêm chả cá ót vào lẩu. Ảnh: Keomut925. |
Lẩu thả
Lẩu thả là món ăn quen thuộc của người dân miền biển Phan Thiết (Bình Thuận). Để làm món lẩu này, người vào bếp phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu tới chế biến, trình bày, cách thưởng thức. Cách bài trí phải bắt mắt, có đủ màu đỏ, vàng, trắng, xanh, đen.
Phần rau phải có hoa chuối thái nhỏ, dưa chuột và xoài xanh thái miếng. Các nguyên liệu khách gồm thịt ba chỉ luộc, trứng rán thái sợi, bánh đa bẻ nhỏ, cá ướp, bún... Các nguyên liệu sau khi sơ chế thường được đặt trong bẹ hoa chuối, xếp thành vòng tròn, ở giữa là đĩa cá mai ướp.
Khi thưởng thức, bạn dùng bánh tráng cuốn cá mai với các nguyên liệu khác và chấm vào nước sốt đậu phộng. Cách thứ hai là thưởng thức như các món lẩu thông thường. Thực khách sẽ cho những nguyên liệu vào nồi nước dùng đang sôi và thưởng thức.
|
Lẩu thả đúng chuẩn phải đảm bảo 5 hương vị cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Ảnh: Tructhanhjourney, trangkitty01. |
Lẩu hột vịt lộn
Món ăn này thông thường được luộc chín, ăn kèm bột canh, rau răm và vài lát gừng. Tuy nhiên, tới miền Tây, du khách còn được thưởng thức thêm đặc sản lẩu hột vịt lộn ít người biết tới.
Hột vịt lộn, thịt bò, nước cốt dừa, me tươi, các loại nấm và rau xanh là nguyên liệu chính để chế biến. Trong đó, nổi bật nhất trong nồi lẩu là chục quả trứng vịt lộn. Loại rau thường dùng là cải ngọt và xà lách.
|
Nồi lẩu hột vịt lộn mang hương vị chua cay đặc trưng. Ảnh: Kitaleekt, Ty Ty. |
Lẩu tả pí lù
Tả pí lù là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa. Theo đó, họ sẽ cho tất cả loại thịt, rau vào một nồi nước dùng để thưởng thức vào mùa đông. Khi du nhập vào Việt Nam, tả pí lù được biến tấu đơn giản hơn, trở thành đặc sản hấp dẫn của vùng Nam Bộ.
Phần nước dùng được làm từ giấm pha chút đường nấu sôi. Các loại thịt trong nồi lẩu thường chưa đến 10 món, gồm ếch, chim cút, gà, tôm, mực, bò, lòng thập cẩm, cá viên. Nguyên liệu khác là xà lách, cải thảo, cải thìa, nấm bào ngư, nấm kim châm, đậu phụ...
Khi thưởng thức, thực khách sẽ nhúng các loại thịt vào nước lẩu. Thịt chín sẽ được vớt ra, cuốn cùng các loại rau trong bánh tráng sau đó chấm với nước mắm và thưởng thức.
Tả pí lù ngọt thanh là món lẩu phù hợp với những người không ưa vị cay. Ảnh: Thienchoco.cat. |