Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khó xác định video nhảm nhí trên mạng

Video nội dung giật gân, không lành mạnh lan tràn ngày càng nhiều trên mạng xã hội, nhưng chưa có tiêu chí để xác định nội dung nào là nhảm nhí.

Mới đây, một người làm YouTube tại Bắc Giang có tên Nguyễn Văn Hưng, đã bị xử phạt hai lần trong chưa đầy một tháng vì đăng các video có nội dung xấu lên YouTube. Những video này được đánh giá là "không phù hợp với thuần phong mỹ tục", có thể tạo hình ảnh xấu về địa phương, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cố súy hành vi ăn cắp. Hưng bị phạt tổng số tiền 17,5 triệu đồng và phải xóa video.

 Nguyễn Văn Hưng bị yêu cầu xóa video và nộp phạt.

Tuy nhiên, ngoài tài khoản của Hưng, trên các nền tảng YouTube, Facebook..., vẫn còn tràn lan video nội dung tương tự, được cho là nhảm nhí, giật gân, gây nhiều tác hại cho xã hội. Thủ tướng mới đây đã giao Bộ TT&TT, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan yêu cầu xử lý hiện trạng trên.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết thời quan qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn video xấu. Số lượng nội dung không lành mạnh đã giảm nhiều so với những năm trước đây, nhưng "cứ quét sạch lại có rác mới". Theo ông Phúc, việc xử lý các nội dung như vậy là một bài toán khó trong điều kiện tự do thông tin xuyên biên giới.

"Cơ quan quản lý đã yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đồng thời thiết lập kênh hợp tác có hiệu quả. Nhưng có nhiều vấn đề các bên còn có cách nhìn khác nhau, chẳng hạn thế nào là văn hoá nhảm, thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, các cơ quan quản lý sẽ phải tăng cường giám sát, nhưng do đây là các nền tảng quốc tế nên cần sự phối hợp của người dùng cũng như bộ phận quản lý của các nền tảng này.

Thực tế, các nền tảng mạng xã hội chưa có quy ước về "video nhảm". Nguyễn Phi Thắng, một chuyên gia về YouTube đang làm việc cho một mạng lưới đa kênh (Multi-channel Network - MCN) lớn tại TP HCM, cho biết anh rất kỳ vọng mạng xã hội có thể giảm video nhảm nhí, phảm cảm. Tuy nhiên, anh cho rằng rất khó xác định tiêu chí thế nào là video là nhảm nhí.

YouTube có các nguyên tắc cộng đồng áp dụng cho toàn bộ video được đăng tải, như cấm các nội dung khỏa thân hoặc khiêu dâm, gây hại hoặc nguy hiểm, bạo lực, kích động thù địch, quấy rối, spam, lừa đảo hoặc đe dọa, vi phạm bản quyền... Nhưng với các nội dụng "nhảm nhí, giật gân nhằm câu view", các MCN thường phải đánh giá thủ công và dựa vào kinh nghiệm. Ngoài ra, có trường hợp, nội dung nhảm nhí với người này nhưng lại là bình thường với người khác.

Theo ông Phúc, Bộ TT&TT đã xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu truyền thông số quốc gia, để tìm hiểu thông tin tiêu cực trên không gian mạng và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Bộ cũng hợp tác với các công ty công nghệ quốc tế để yêu cầu xử lý các thông tin ảnh hưởng tới cộng đồng. Một số kênh, như của Khá "Bảnh", Hưng Vlog..., đều bị xử lý nhờ sự phối hợp của cơ quan chức năng và các nền tảng.

Theo các chuyên gia, trước khi có các chính sách ngăn chặn video nội dung xấu, người dùng có thể tự tạo "lá chắn" cho mình bằng cách report video đó để YouTube xử lý, hoặc báo cáo cho cơ quan chức năng tại địa phương. Ngoài ra, mạng xã hội video này gợi ý nội dung theo sở thích và thói quen. Người dùng duy trì thói quen xem video từ những kênh lành mạnh thì các video phản cảm sẽ dần không có người xem và biến mất.

Hiện nay, các mạng xã hội chia sẻ video đang phát triển mạnh tại Việt Nam cả ở nhu cầu xem và sáng tạo nội dung. Thống kê của YouTube cho thấy, Việt Nam có 350 kênh video với trên 1 triệu lượt đăng ký. YouTube cũng là nền tảng có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam và là nơi sản sinh ra nhiều trào lưu xấu.

Khi Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều người làm YouTube đã quay video "giả nhiễm corona" để câu view. Các video này sau đó biến mất khỏi nền tảng vì bị đánh giá là "tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và gây khó khăn cho việc chống dịch". Trước đó, nhiều kênh YouTube trong nước cũng bị lên án vì các hành vi như đổ trứng vào người khác, phá hàng nghìn ống hút, cốc nhựa, đập phá, đốt xe hoặc đánh người... để câu kéo lượt xem.

Người dùng trong nước hiện cũng sử dụng một số mạng xã hội chia sẻ video khác, như TikTok, Facebook Watch, Instagram IGTV.