Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Đừng để những “cuộc chạy đua” làm ảnh hưởng tới phụ huynh, học sinh

Trước những phản ứng từ dư luận, từ phụ huynh tại tỉnh Nghệ An về chuyện mở tài khoản thẻ ngân hàng để nộp các khoản thu cho nhà trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện việc làm trái.

 

Lợi thì rõ, nhưng…

Trước hết, khẳng định rằng việc thực hiện chủ trương thanh toán không sử dụng tiền mặt thông qua các hệ thống ngân hàng với dịch vụ ngân hàng điện tử là hoàn toàn đúng đắn. Việc thanh toán này sẽ bảo đảm được sự nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, giảm những rủi ro, sai sót và cũng góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai đầu năm học mới tại nhiều trường trên địa bàn TP Vinh đã gây lên nhưng bức xúc từ phía phụ huynh, đó là câu chuyện của “bàn tay cơ hội”, “độc quyền” và “mánh thị phần lớn”…

Từ một chủ trương đúng đắn, việc thực hiện cơ bản được hướng dẫn, ban hành chi tiết từ cấp tỉnh, đến cấp Sở. Tuy nhiên nó đã đã bị một số trường học, thậm chí là lãnh đạo địa phương trực tiếp cố tình “bóp méo” nên mới có chuyện trường hướng dẫn mở thẻ theo ngân hàng mà nhà trường đưa ra, thông báo tới phụ huynh để được “ưu đãi” với khoản mở thẻ miễn phí, hỗ trợ nộp tiền thu của trường cũng miễn phí dịch vụ…

  Chủ trương, chính sách hướng tới việc không sử dụng tiền mặt thanh toán là đúng đắn (Ảnh minh họa internet)

Tất nhiên, nếu lãnh đạo ngành, cấp chính quyền sở tại không có những ý niệm, những chỉ đạo mang tính “ưu ái”, thì câu chuyện này sẽ không có sự ảnh hưởng tới “cảm xúc” của phụ huynh học sinh. Và chính những “chỉ đạo” mang tính “chung chung” nhưng “chính xác” này đã khiến nhiều trường học thành “công cụ” cho một số ngân hàng trong việc triển khai hoạt động, tăng khách hàng, tăng tài khoản giao dịch…và tất nhiên ai được lợi, ai thiệt thòi thì cũng rõ.

Như chuyện UBND TP Vinh có văn bản số 4838/UBND-TCKH về nội dung từ chối hỗ trợ, tiếp nhận tài trợ phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt đối với các các trường học trên địa bàn TP Vinh, của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An (gọi tắt Ngân hàng BIDV Nghệ An). Với lý do đã tiếp nhận gói hỗ trợ miễn phí phần mềm, chi phí tập huấn, hướng dẫn chuyển giao sử dụng phần mềm quản lý khoản thu do Cty CP MiSa cung cấp cho các trường học trên địa bàn từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An (Ngân hàng Vietcombank Nghệ An). Với việc làm này vô hình chung Ngân hàng Vietcombank Nghệ An trở thành “duy nhất” trong vấn đề cung cấp phần mềm quản lý thu cho các trường học tại TP Vinh như chỉ đạo. Và khi Ngân hàng BIDV tiếp tục đề xuất thì đương nhiên gói “hỗ trợ" này sẽ bị từ chối nhận là dễ hiểu.

Đó là chuyện của các “ông lớn” ngành ngân hàng trong bối cảnh thị phần, khách hàng…nhưng điều đáng nói, từ những hành động của các Ngân hàng, thì phụ huynh dường như cũng “không làm cũng phải làm”. Bởi theo lý giải của nhiều phụ huynh thì trường thông báo vậy lẽ không làm, rất ái ngại và nếu không làm khi chuyển khoản ở tài khoản khác vào thì sẽ bị thu một khoản phí giao dịch. Như vậy thì lại mất thêm một khoản tiền.

Nhiều người bày tỏ quan điểm rằng: Đâu phải ai cũng có thừa điều kiện để xem mấy đồng phí là “chuyện vặt”, có những gia đình khó khăn thì đó cũng là một khoản ít nhiều, một lần thì chớ, nhiều lần thành tiền lớn. Chưa nói tới việc các tài khoản đều bắt buộc phải có ít nhất trên 50 nghìn trong tài khoản phải thường trực...Một chính sách muốn có sự đồng thuận thì phải đúng và trúng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội địa phương. Nếu áp dụng điều này ở các huyện miền núi thì càng phải xem xét kỹ lưỡng hơn. Rõ ràng người dân có ý kiến, phê bình cũng như lên án phần nào cũng có cái lý. Và cụm từ “không bắt buộc” nghe rất quen tai nhưng rồi khiến phụ huynh lại phải lên tiếng.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo...quyết liệt!?

Khác với trường THTP Lê Viết Thuật như bài trước PL&DS thông tin, câu chuyện triển khai nộp khoản thu cho trường không sử dụng tiền mặt tại trường THCS Hà Huy Tập lại liên quan tới Ngân hàng Vietcombank. Thông báo tới phụ huynh thông qua tin nhắn điện thoại, zalo, nhà trường hướng dẫn chi tiết việc cài đặt và sử dụng ứng dụng nộp tiền qua ngân hàng điện tử của Ngân hàng Vietcombank. Với việc thanh toán này thì phụ huynh sẽ không mất khoản phí nào. Thông báo cũng nêu rõ, nếu thanh toán từ tài khoản khác sẽ phải mất một khoản phí 0,08%/món nộp.

Câu chuyện này cũng đã gây lên những bất bình trong phụ huynh học sinh. Về cơ bản họ đồng ý với chủ trương thanh toán không sử dụng tiền mặt. Nhưng cách triển khai “không áp đặt” nhưng lại “không làm không được” như thế khiến họ không hài lòng và cho rằng có sự áp đặt.

Về những nội dung có dấu hiệu làm lệch lạc với chủ trương từ trên xuống như thế, trước những phản ánh từ dư luận, phụ huynh. Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với vấn đề này. Tuy nhiên văn bản này cũng không nêu rõ rằng phụ huynh có được nộp trực tiếp tiền mặt như truyền thống nữa hay không.

Theo đo, nội dung văn bản số 1926/SGDĐT-KHTC ngày 22/9/2020 do ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở ký, nêu rõ những nội dung chỉ đạo, trong đó đáng chú ý là:

“2. Chủ động lựa chọn phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn phù hợp, thuận lợi cho nhà trường và cha mẹ học sinh, trong quá trình thực hiện, các cơ sở giáo dục hướng dẫn cụ thể…; 3. Không áp đặt việc cha mẹ học sinh phải mở tài khoản tín dụng tại tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán mà cơ sở giáo dục lựa chọn…; Sở GD sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm..” – Trích một phần nội dung chỉ đạo từ văn bản.

Văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện thanh toán trong lĩnh vực giáo dục tại Nghệ An không sử dụng tiền mặt cần có thêm thời gian, việc triển khai trước mắt phải trên tinh thần khuyến khích. Còn lại vẫn phải thực hiện thu tiền mặt nếu phụ huynh chưa có điều kiện tham gia tài khoản tín dụng thẻ, hoặc họ ngại mất phí dịch vụ vì khác ngân hàng giao dịch.

Việc chủ động, linh hoạt với phương châm và mục tiêu vì lợi ích xã hội, lợi ích nhân dân chắc chắn sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn, ủng hộ hơn từ phía người dân. Tránh việc cứ chỉ đạo như khoản tiền xã hội hóa giáo dục nhưng rồi năm nào cũng "khổ lắm, nói mãi" chẳng ai thấu.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: phapluatdansinh.phapluatxahoi.vn