Thanh niên bị ong vò vẽ đốt tử vong: Sơ cứu thế nào tránh thiệt mạng?
- 11:19 06-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo thông tin ban đầu, khoảng chiều ngày 4/10, anh Lê Đình Hảo (23 tuổi) trú xóm Yên Hòa, xã Thanh Hòa, đi ăn tiệc trở về, ra vườn nhà để bắt ong, đang bắt thì bị ong vò vẽ đốt tử vong.
Mặc dù ngay sau khi bị ong đốt, người thân đã đưa anh Hảo đến trạm xá cấp cứu nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi.
Địa bàn xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương, Nghệ An vừa có một nam thanh niên bị ong vò vẽ đốt tử vong. Ảnh minh họa. |
Được biết, anh Lê Đình Hảo là con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em, hiện chưa lập gia đình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Hảo trở về quê nhà làm cán bộ đoàn thanh niên. Hiện anh là thôn đội trưởng thôn Yên Hòa, vừa tham gia tập huấn khóa sĩ quan dự bị tại địa phương.
Mấy năm nay, anh Hảo có lên núi bắt tổ ong vò vẽ về nuôi trong vườn để khi tổ ong lớn thì mang đi bán. Thời gian qua, cơ thể anh thường dị ứng khi ong đốt, sưng vù toàn thân và nôn mửa.
Sơ cứu khi bị ong đốt
Không hiếm trường hợp do bị ong đốt không xử lý kịp thời và đúng cách dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa.
Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất toan lỏng (axit). Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine.
Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích như vong vò vẽ, ong đất, do đó tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loại ong nào đốt.
Khi bị ong đốt, nạn nhân tuyệt đối phải nhanh chóng sơ cấp cứu và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Nạn nhân chỉ cần nhận dạng con ong đã đốt mình để cung cấp cho bác sĩ biết, tìm hướng điều trị hợp lý, không nên tự mình phán đoán rồi xem thường bệnh trạng mà dẫn đến những nguy cơ khó lường.
Khi bị ong đốt, nạn nhân tuyệt đối phải nhanh chóng sơ cấp cứu và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Ảnh minh họa. |
Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.
Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như sau:
Dùng các loại cây cỏ chà xát trên vết đốt. Các hoạt chất có trong cây khi gặp nọc ong (bản chất chính là những protein) sẽ tạo thành những “chất kết tủa”, từ đó giúp giải nọc độc.
Trước hết phải nhổ ngay kim chích (nếu có). Dùng củ, lá môn chà xát tại chỗ. Nếu bị ong vàng (ong nghệ) đốt, dùng đường đen hay giấm chua thoa ngay lên vết thương. Dùng bã trà còn ướt, bất kể nhiều hay ít, chà xát tại chỗ để giúp giảm đau. Cũng có thể lấy rau sam hay lá hẹ giã nhuyễn đắp tại chỗ, hoặc gừng tươi cắt lát chà xát vết thương. Đối với giống ong có độc thì lấy rau dền vò nát, xát vào vết đốt.
Khi bị ong đốt, dùng một vật nhọn như mũi dao, đầu kim... để khều kim chích ra.
Hoặc nhanh chóng dùng một trong các kinh nghiệm dân gian sau:
- Dùng vôi đã tôi bôi vào chỗ bị đốt.
- Hạt và lá quất hồng bì giã nhỏ nhuyễn, đắp lên vết đốt.
- Măng tre vòi (tươi non) xát vào vết đốt.
- Cắt một lát củ dáy dại xát vào vết đốt.
- Thuốc lào tẩm nước điếu (hoặc giã nát) chấm vào vết đốt.
- Lấy lá, dây, củ chìa vôi giã nhỏ, đắp vào vết đốt.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn tin: Báo Kiến thức