Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cổng trường đổ, đè lộ xương chân học sinh: Thiếu tiền?

Cánh cổng sắt tại trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ đổ sập, đè lên chân một em học sinh 8 tuổi khiến phần xương lộ ra.

Hết tiền tu sửa...

Sáng ngày 4/10/2020, chị Nguyễn Thị Phương, mẹ cháu Đinh Đan L. (học sinh lớp 3C Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), cho biết sau khi được băng bó, khâu lại vết thương do cổng trường đổ sập đè lên, hiện gia đình đã đưa cháu L. về nhà chăm sóc.

Các bác sĩ cho biết L. bị mẻ, rạn xương. Một phần thanh sắt đâm vào chân làm lộ phần xương, phải khâu nhiều mũi.

Theo thông tin từ gia đình cháu L., vào giờ ra chơi chiều 2/10, trong lúc đứng gần cánh cổng sắt của nhà trường thì bất ngờ cánh cổng sắt đổ sập đè lên phần chân của cháu L.. khiến cháu bị thương.

 Bé Đinh Đan L. bị cửa đè lên người, thanh sắt đâp thủng chân.

Cánh cổng tại Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ cơ sở 2 là loại cửa đẩy cao gần 2m và được làm bằng sắt rất nặng. Trước năm học mới, nhà trường đã tu sửa hệ thống tường bao, cổng phía trước.

Ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hưng Nguyên - cho biết sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đến thăm hỏi động viên cháu sớm ổn định sức khỏe, tâm lý.

“Cánh cửa tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ được làm từ lâu nên xuống cấp. Vì xã và nhà trường không có tiền nên sửa chỗ này lại hỏng chỗ khác. Chúng tôi đang cùng chính quyền địa phương rà soát, tìm nguồn khắc phục những cơ sở vật chất không còn đảm bảo an toàn” - ông Thụ nói thêm.

Trước đó, khoảng 8h45 sáng 11/9, trong giờ ra chơi, bảo vệ Trường tiểu học Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An mở cổng trường để đưa chậu cây cảnh vào trong trường.

Lúc này, em N.H.L. (11 tuổi, học sinh lớp 5C) chạy ra ngoài chơi ở khu vực tường rào trước cổng trường thì bất ngờ bức tường đổ sập, đè tử vong.

Hàng trăm tỷ xây phòng học vẫn có vấn đề

Theo thông tin từ báo Nghệ An, chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017 - 2020 ở Nghệ An có 86 công trình được xây mới với kinh phí gần 270 tỷ đồng.

Mỗi điểm trường với 5 phòng có kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Trung bình, để xây dựng một phòng học tốn gần 650 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều trường học vừa xây xong đã vấp phải phản ứng dữ dội từ địa phương và nhà trường về chất lượng.

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, hơn 1 năm trước, một điểm trường mầm non với một phòng học có kinh phí gần 800 triệu đồng được xây trên địa bàn nhưng tới nay vẫn chưa thể bàn giao vì nhiều hạng mục không đạt chất lượng, không thể chấp nhận được.

“Sở Xây dựng lên nghiệm thu đã không chấp thuận, yêu cầu sửa chữa. Địa phương cũng đề nghị khắc phục nhiều hạng mục. Cho đến bây giờ, những hạng mục đó đã khắc phục xong, nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng, chưa dám nhận bàn giao” - bà Hiền nói.

 Nhiều phòng học ở Nghệ An dù mới xây dựng với kinh phí gần 1 tỷ đồng/phòng nhưng đã xuất hiện vết nứt.

Trong khi đó, trên địa bàn xã Tam Quang đang có 60 em đang độ tuổi mầm non. Nhóm này đang được chia làm 3 nhóm, học ở 3 địa điểm khác nhau.

Nhóm thì thấp thỏm bám trụ ở điểm trường cũ, nhóm thì chạy đi học ké nhà văn hóa của bản. Mặc dù cạnh đó, điểm trường mầm non mới đã được xây dựng xong từ lâu.

Còn tại điểm chính ở bản Huồi Tố của Trường tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương) thì chưa bàn giao đã hỏng.

Đầu năm 2019, khối trường học 5 phòng trị giá hơn 2,7 tỷ đồng ở Huồi Tố được xây dựng xong. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, ngôi trường này đã xuất hiện những hư hỏng.


Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, điểm trường này đã bị sụt lún ngay giữa phòng học và hành lang, bong tróc nền gạch, xuất hiện các vết nứt ngang tại những bức tường...

Ông Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho biết, chính vì không đạt chất lượng nên đã hơn 1 năm thi công xong, công trình này vẫn chưa thể bàn giao.

Rút kinh nghiệm từ điểm trường Huồi Tố này, khi thi công tại điểm trường tiểu học Huồi Xá, nhà trường và địa phương đã chủ động giám sát chặt chẽ.

Theo bà Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, quá trình giám sát họ phát hiện đơn vị thi công đã dùng gạch không nung (gạch taplo) không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc được báo cáo lên huyện Tương Dương. Huyện sau đó đã cử người xuống đề nghị đình chỉ thi công.

Tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, hiệu trưởng Lê Tuyên Huấn cũng phát hiện các bức tường tại điểm trường bản Tùng Hốc xây gạch taplo chất lượng rất thấp, đập thử một số viên rất dễ vỡ.

"Chúng tôi có phản ánh nhưng sau đó họ vẫn xây dựng, không thấy đình chỉ thi công để thay gạch khác”, thầy Huấn nói.

Không chỉ dùng vật liệu không đạt chất lượng, các giáo viên còn phát hiện đơn vị thi công đã xây dựng không đúng kỹ thuật, khi xây dựng xong, hầu như điểm trường nào cũng có vấn đề.

Ông Lương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết, 3/5 phòng học mới xây trên địa bàn đã xuất hiện các vết nứt rộng, chạy dài hơn 1 mét. Các bức tường đã bị rấm, thấm nước nghiêm trọng.

Khi lớp mái tôn họ bắn lung tung, không trúng vào đường hoành phía dưới nên bị bung ra, đứng phía dưới còn nhìn thấy trời xanh. Vì thế mà mỗi lần mưa, nước mưa đổ xuống mái bê tông rồi thấm xuống phòng học.

Chính Nguyễn Đình Hùng - Phó phòng Quản lý dự án 2 (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An), thừa nhận một số công trình nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp đến nay vẫn chưa thể bàn giao được do tiến độ chậm và chất lượng chưa đạt yêu cầu.

“Qua phản ánh của địa phương và qua công tác kiểm tra thì có những tồn tại về chất lượng thi công và tiến độ. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công nghiêm túc khắc phục những hạng mục không đạt chất lượng”, ông Hùng nói.

Tác giả: Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Đất Việt