Cứ cười tươi và tận hưởng bóng đá, Quyến nhé!
- 14:00 03-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Văn Quyến theo nghiệp huấn luyện viên. Ảnh: Thanh Xuân |
Chuyện của “truyền nhân của Văn Quyến”...
U.17 Sông Lam Nghệ An lên ngôi vô địch VCK U.17 Quốc gia - Next Media 2020 trước sự ngưỡng mộ của khán giả và đánh giá cao từ những người làm chuyên môn. Ít người biết rằng, trước khi bước vào giải đấu quan trọng này, ban huấn luyện của đội xứ Nghệ đã loại một trong những cầu thủ tốt nhất, tài năng và triển vọng. Được xem là “truyền nhân của Quyến “Béo”, Cái Văn Quỳ sở hữu bảng thành tích ấn tượng. Tiền đạo sinh năm 2004 từng được huấn luyện viên Đinh Thế Nam đánh giá là “nhân tố chủ chốt của bóng đá Việt Nam trong 10 năm tới”. Quỳ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của câu lạc bộ SLNA, cậu bé 16 tuổi từng là thành viên của lứa U.15 SLNA vô địch giải U.11, U.13 và U..15 Quốc gia nhưng lại bị loại ở U.17 vì vi phạm kỷ luật trong sinh hoạt và tập luyện.
Theo thầy Quyến kể lại, lãnh đạo SLNA và ban huấn luyện đội đã họp bàn rồi “nghĩ nát óc” rồi cuối cùng thống nhất chấp nhận điều đó, vì cần làm trong sạch môi trường bóng đá trẻ, cũng vì quyết định này mà U.17 SLNA đá giải vừa rồi không có tiền đạo đích thực nào. Để khắc phục khó khăn, đội phải thay đổi cả hệ thống chiến thuật, lối chơi khi không còn tiền đạo quan trọng nhất Văn Quỳ, bằng cách quay sang sử dụng những cầu thủ có khả năng chơi linh hoạt ở các vị trí tấn công.
Đó là quyết định của tập thể, cho thấy sự quyết tâm, đồng lòng khi làm bóng đá trẻ. Sông Lam không thiếu tài năng và có quá nhiều bài học. Và ở SLNA cũng như U.17 SLNA, chính Văn Quyến là tấm gương...
Và Văn Quyến của bây giờ
Quá khứ phản ánh hiện tại. Không, quá khứ giờ chỉ là hoài niệm mà thôi. Sự cố năm xưa chắc có lẽ Quyến muốn nó sẽ chôn vùi mãi mãi. 15 năm đủ để con người ta có thể quên đi nhiều và có một khởi đầu mới.
Văn Quyến và hậu phương vững chắc. Ảnh: NVCC |
“Thằng Béo” năm nào đã trở lại với bóng đá, trong một vai trò một người thầy. Quyến theo nghiệp huấn luyện viên, bắt đầu mọi thứ từ con số 0 và cả những mặc cảm, ái ngại. Rất khó khăn, bởi cái tiếng và hình bóng mang tên Văn Quyến sau 20 năm gần như vẫn còn nguyên vẹn. Và Văn Quyến là một người thầy lâu nay tự thu mình để tránh mọi thứ.
Vượt lên tất cả, từ những động viên của gia đình, người thân, những đàn anh đi trước và đặc biệt là vợ và 2 cô con gái, Quyến từng bước “làm mới” chính mình. Năm 2018 với vai trò trợ lý cho huấn luyện luyện viên Phan Tiến Hoài của đội U.11 SLNA, vô địch U.11 Quốc gia.
Năm 2019, Quyến lại được chọn làm phó tướng cho đồng đội cũ là Phan Như Thuật ở đội U.15, bộ đôi Thuật - Quyến trên băng ghế huấn luyện đã đưa U.15 SLNA đoạt ngôi cao nhất giải U.15 Quốc gia. Và chức vô địch U.17 Quốc gia khi đánh bại U.17 Nutifood với tỉ số nghẹt thở 3-2, SLNA đã đăng quang sân chơi có tính chất bản lề với bóng đá trẻ này.
Ba năm làm phó cho các đội U, Quyến có 3 chức vô địch, U.11, U.15 và U.17. Và Quyến bây giờ đã khác xưa. Có lần bà xã kể: “Văn Quyến đã không còn như xưa nữa rồi, mọi thứ đều tích cực hơn. Có những ngày dù đội không tập trung hay dù có bận việc gì, ở bất cứ đâu cứ 21h00 đến 22h00 là lấy xe lên đội đảo qua các phòng để điểm danh xem học trò đã ngủ chưa hay đi chơi về chưa. Một ngày của Quyến bây giờ vội vã lắm, 5h30 đã thức dậy để lên đội làm công tác huấn luyện rồi”.
Những ai có mặt trên sân vận động PVF ở VCK U.17 vừa rồi chắc hẳn đều có thể thấy một Văn Quyến khác, nhiệt huyết và thoải mái thể hiện cảm xúc bản thân. Nhiều trận đấu, đôi lúc anh thay huấn luyện viên Lê Kỳ Phương đứng ra chỉ đạo, nhắc nhở các em các cháu. Có những trận giọng, anh khản đặc vì cố khích lệ tinh thần học trò trên sân.
Thay đổi của Văn Quyến, như một người bạn kể, ở những thứ bình thường, nhỏ nhặt nhất. Ví dụ một buổi tập bình thường của U.17 SLNA, Quyến là người đến sớm nhất, chuẩn bị từng quả bóng, xếp mắc cơ để chuẩn bị cho các bài.
Từ người thày, đàn anh đi trước, các cầu thủ trẻ của SLNA học được nhiều bài học bóng đá, cuộc sống để trưởng thành. Kể về người thầy của mình, Đinh Xuân Tiến bảo “thầy Quyến quá giỏi, ở thầy chúng em học được kinh nghiệm thi đấu, kỹ thuật và có nhiều thứ để bảo nhau phải noi theo”.
Làm bóng đá đã khó, làm bóng đá trẻ còn khó hơn gấp nhiều lần. Huấn luyện những đứa trẻ đang tuổi mới lớn đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi hay tập trung vào chuyên môn mà còn có sự thấu hiểu, quan tâm, tận tụy như người cha trong việc chăm sóc các con từng bữa ăn giấc ngủ.
Suốt hành trình dài tại VCK U.17 Quốc gia, ban huấn luyện U.17 SLNA vẫn cứ đau đáu trong lòng về sự thiếu thốn của các học trò. Như Quyến thay huấn luyện viên và lãnh đội chia sẻ thì “ở Hưng Yên nơi đội đóng quân tham dự giải, điều kiện cơ sở không được tốt. Lãnh đạo đội cũng quan tâm nhiều lắm nhưng ở đây xa thành phố quá, nơi ở thiếu đủ thứ như tivi, tủ lạnh hay máy giặt, các cháu cầu thủ có muốn giải trí sau ngày thi đấu cũng khó. Ăn uống cũng không được đầy đủ, nhìn sang những thứ mà U.17 PVF có là điều mà U.17 SLNA chúng tôi mơ cũng không có được”.
Sau bao năm, trải qua đủ thứ thăng trầm trong cuộc sống đã khiến Văn Quyến gai góc hơn nhưng cũng trưởng thành. Giờ đây Quyến đang được sống cùng bóng đá, với những giấc mơ của thời trai trẻ ngày nào và quan trọng nhất, có một “tổ ấm”, thứ tài sản vô giá luôn chờ anh trở về sau bao bộn bề. Phía trước còn có nhiều khó khăn như vợ Quyến nói “tiền chưa thấy đâu, vất vả nhưng cuộc sống khác, tích cực hơn, tôi cũng vui với anh Quyến”. Con đường trước mắt, dù có lắm to toan, cả những sóng gió nhưng suy cho cùng, cuối cùng thì Quyến cũng đã có những nụ cười trên sân…
“Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện nên lúc nào cũng sẵn sàng ý thức phải học hỏi. Sau mỗi giải đấu, tôi lại học được rất nhiều điều từ ban huấn luyện và đặc biệt là huấn luyện viên trưởng. Từng là một cầu thủ nên sau mỗi tình huống, buổi tập hay trận đấu, tôi thường ngồi nói chuyện với các cầu thủ trẻ, để cùng chia sẻ và phân tích những điều mà các em cần phát huy và khắc phục…”. Khi nói về mình, Quyến khiêm tốn. |
Tác giả: Thanh Xuân
Nguồn tin: Báo Lao Động