Vụ cán bộ lãnh đạo thi lại công chức: Có góc khuất trong công tác cán bộ?
- 09:39 02-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông tin 17 cán bộ, công chức phải thi tuyển lại công chức, trong đó đa số là lãnh đạo các sở, ngành của địa phương như lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh… xảy ra tại Ninh Bình. Những người phải thi tuyển lại công chức tức họ chưa phải là công chức nhưng không hiểu sao vẫn được ngồi ghế lãnh đạo các sở, ngành và hiện tại vẫn đang lãnh đạo, chỉ đạo những người đã là công chức chính thức. Thực tế khó hiểu này phản ánh điều gì? Lỗi và trách nhiệm trong sự việc này cần được nhìn nhận như thế nào và cần làm gì để khắc phục tình trạng không phải là cá biệt này?
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. |
PV: Thông tin 17 cán bộ lãnh đạo của tỉnh Ninh Bình phải thi lại công chức, theo ông, đây có phải là chuyện bất thường?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc sai phạm trong thi tuyển công chức đã xảy ra trong nhiều năm, ở nhiều nơi, nên vụ việc ở Ninh Bình cũng không phải là cá biệt.
PV: Sự việc này không phải là cá biệt, bởi vào năm 2008, tỉnh An Giang cũng có trường hợp lãnh đạo phải thi lại công chức. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Như tôi đã nói, sai phạm trong thi tuyển công chức như ở Ninh Bình đã xảy ra trong nhiều năm và ở nhiều nơi do cách hiểu còn khác nhau trong khi triển khai các quy định của pháp luật hoặc việc thực hiện các quy định chưa nghiêm túc.
PV: Việc những người chưa phải là công chức nhưng vẫn được ngồi ghế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những người đã là công chức chính thức, theo ông việc này gây nên những tác động tiêu cực như thế nào trong nền công vụ?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Vụ việc ở Ninh Bình, chúng tôi xem lại thì thấy rằng, địa phương này đã tổ chức tuyển dụng nhưng họ tuyển dụng theo phương thức xét tuyển theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong năm 2011, 2012, cùng với chính sách thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao nên họ tổ chức xét tuyển đối với một số trường hợp.
Đúng ra là họ có xét tuyển, nhưng việc tuyển dụng theo quyết định, chính sách của HĐND tỉnh Ninh Bình là trái với pháp luật, cụ thể là Luật công chức năm 2008, những đối tượng này không phải là đối tượng xét tuyển mà phải thi tuyển. Rà soát lại pháp luật thấy rằng, họ sai phương thức tuyển dụng, cho nên những người không phải là công chức thì phải bắt buộc thi lại.
Quy định của pháp luật về tuyển dụng cán bộ công chức đã có những hướng dẫn rất chi tiết, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tiễn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.
PV: Sự việc xảy ra ở Ninh Bình chắc chắn cần được xác minh thêm. Theo ông, nói đến lỗi và trách nhiệm trong sự việc như thế này cần dựa trên nguyên tắc nào để phân định?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tất cả phải dựa trên pháp luật. Luật cán bộ công chức, kể cả Luật công chức năm 2008 và gần đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 cũng đều quy định rất rõ từ đối tượng cũng như phương thức tuyển dụng thế nào, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình ra sao. Vấn đề là các cơ quan tham mưu, cơ quan quyết định tuyển dụng là UBND các tỉnh, thành cũng như các bộ ngành phải nắm vững các quy định của pháp luật để thực hiện cho tốt.
PV: Hiện tượng công chức “non” nhưng được ngồi ghế lãnh đạo là sai Luật cán bộ công chức, do đó cần phải chấn chỉnh ngay. Có ý kiến đề nghị, những cán bộ công chức trên cần phải trải qua một kỳ thi đặc biệt, nếu không đạt thì cần phải thu hồi quyết định? Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Những sai phạm đó cần phải được chấn chỉnh. Vừa rồi, vào tháng 3/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 71-KL/TW về xử lý sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo thông báo kết luận số 43 của Bộ Chính trị năm 2017. Theo đó phải chấn chỉnh lại các sai phạm trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức thời gian vừa qua theo hướng những đối tượng phải thi tuyển thì dứt khoát phải thi tuyển lại. Nếu thi tuyển mà không đạt yêu cầu thì phải thu hồi lại quyết định tuyển dụng trước đó.
PV: Quy định về tuyển dụng công chức và bổ nhiệm lãnh đạo hiện nay cần phải thay đổi thế nào để đủ sự rõ ràng và không còn khoảng trống, không còn việc đổ lỗi cho quy trình, quy định, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Các quy định từ Luật cán bộ công chức cho đến Nghị định 24 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, các hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức, viên chức năm 2019 cũng đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn để tham gia thi tuyển, tuyển dụng, phương thức tuyển dụng.
Trong tuyển dụng có thi tuyển và xét tuyển, đối tượng nào được thi tuyển và đối tượng nào được xét tuyển cũng đã quy định rõ. Rồi quy trình từ việc thành lập Hội đồng thi, phương thức thi, nội dung thi như thế nào, ai là người ra quyết định đều đã được quy định rõ trong Luật, nghị định, thông tư.
Trong quá trình thực hiện còn vấn đề gì nữa thì cần được bổ sung, sửa đổi nhưng nếu thực hiện theo các quy định pháp luật hiện nay cũng đã rất đầy đủ và rõ ràng. Vấn đề đặt ra là chúng ta hiểu và thực hiện như thế nào là vấn đề cần phải bàn. Chính vì vậy, vừa qua Bộ Nội vụ đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, từ đó phát hiện ra nhiều tồn tại và yêu cầu cấp có thẩm quyền phải giải quyết xử lý.
Ban Bí thư cũng đã ban hành Kết luận 71 kiên quyết đến hết năm 2020 phải giải quyết xong tất cả những tồn đọng.
PV: Để không còn những lãnh đạo chưa phải là công chức, theo ông cần phải lưu tâm những giải pháp quan trọng nào khác?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi, vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật cán bộ công chức, các thông tư. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan tham mưu phải thấm nhuần, hiểu rõ các văn bản quy phạm pháp luật đó và thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ không xảy ra sai phạm.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Tác giả: Đình Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV