Nhiều giải pháp thu hút vốn FDI vào Nghệ An
- 09:53 01-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Dòng vốn FDI đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ với tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của Nghệ An. Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, như số lượng và quy mô dự án FDI còn ít, chưa có dự án mang tính động lực, mức độ kết nối, lan tỏa với đầu tư trong nước còn thấp…
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động FDI trong thời gian tới.
Cụ thể, một trong những giải pháp đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thành những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của KKT Đông Nam Nghệ An.
Ngoài ra, công tác quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chức năng, quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch khu nhà ở công nhân cũng được tỉnh chú trọng. Trong đó, Nghệ An đang nghiên cứu rà soát, sắp xếp lại phạm vi, ranh giới quy hoạch, sắp xếp, bố trí quỹ đất hợp lý, định hình lại các khu chức năng, khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh công tác quy hoạch, Nghệ An cần tập trung và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông, cảng biển, đô thị và các dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng thiết yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư.
Phối cảnh quy hoạch chi tiết cảng Đông Hồi giai đoạn sau năm 2020 |
Để phát huy hiệu quả thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, việc xây dựng kế hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương đảm bảo trình độ, năng lực làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài là rất cần thiét. Trong đó, cần có sự phối hợp 3 bên là doanh nghiệp, nhà trường (các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các cơ quan nhà nước để đào tạo các ngành, nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Song song với các nhiệm vụ trên, việc nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ và giám sát đầu tư của các cơ quan và cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài là điều Nghệ An cần đặc biệt quan tâm. Từ đó, kịp thời giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong các hoạt động cấp phép đầu tư, điều chỉnh đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ trong hoạt động quản lý đầu tư nước ngoài đủ mạnh, đủ năng lực, có cơ chế kiểm tra, phối hợp liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về cơ cấu đối tác, Nghệ An xác định, mục tiêu thu hút là các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn nắm công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, trong đó ưu tiên các dự án gắn với chuyển giao công nghệ, thân thiện môi trường. Trong ngắn hạn, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Nghệ An vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày, sản xuất thực phẩm... nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Về lâu dài, tỉnh sẽ nghiên cứu thu hút các dự án đầu tư mang tính động lực phát triển và có chuỗi giá trị gia tăng cao như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính; các ngành cơ khí trọng điểm, chế biến chế tạo công nghệ cao.
Đánh giá về thu hút FDI vào Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó chủ tịch hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài từng nhận xét: Vấn đề nằm ở chỗ, Nghệ An có cảng, nhưng lại thiếu nhà điều hành, quản lý về logistic nhằm giúp chính quyền đưa ra những ý tưởng táo bạo và mang tính đột phá. Để phát triển logistic, Nghệ An cần phải tổ chức được những khâu thiết yếu như: kho hải quan, đường giao thông, các dịch vụ hậu cần. Bên cạnh đó phải xác định tạo ra những mạng lưới kết nối trên hành lang kinh tế Đông Tây, dành lại “con đường tơ lụa” của Nghệ An với Lào và Đông Bắc Thái Lan. Con đường này đã bị bỏ quên trong mấy thập niên qua, bây giờ nên khơi thông lại. Từ đó, Nghệ An sẽ là trung tâm của logistic.