Một thoáng trầm tư Cửa Hội
- 14:59 22-09-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kỳ ảo bình minh Cửa Hội. Ảnh: Bạch Dương |
Thương cảng cổ miền Trung
"Không ai tắm hai lần trên một dòng sông", câu nói của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus chợt xuất hiện trong đầu tôi khi đứng trước cảnh sông nước mênh mang. Nhìn dòng Lam giang cuồn cuộn trôi, những ngọn sóng từ biển khơi trùng trùng điệp điệp gối lên nhau tràn vào bờ đủ để cảm nhận được sự vận động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ.
Cửa Hội, nơi dòng Lam đổ về biển Đông. Ảnh: Bạch Dương |
Thế kỷ 17, Cửa Hội từng là nơi chứng kiến nhiều tàu thuyền của Trung Quốc và Nhật Bản đi qua trước khi đến thương cảng Phục Lễ ở huyện Hưng Nguyên cách đó mấy chục cây số. Cảnh tàu thuyền tấp nập, nhộn nhịp như lúc xưa nay không còn, duy chỉ vẻ đẹp khiến lòng người mê mẩn của Cửa Hội là không khác gì nhiều so với trước đây.
Cửa Hội (Hội Thống), đúng như tên gọi của nó là nơi hội tụ của những con sông đổ về biển Đông. Một là sông Cả bắt nguồn từ hai nhánh Nậm Mộ (nam Kỳ Sơn), Nậm Nơm (bắc Kỳ Sơn). Cả hai nhánh sông này đến làng Cửa Rào ở xã Xá Lượng huyện Tương Dương hợp lưu với nhau đổ vào sông Lam. Hai là sông La bắt nguồn từ biên giới Việt Lào qua Thâm Nguyên giang, qua Ngàn Sâu, Linh Cảm theo dòng sông Lam về Cửa Hội. Những dòng suối âm thầm chảy về sông và dòng sông Lam vượt hàng nghìn ki lô mét đổ về biển lớn theo quy luật của dòng chảy "chúng thủy giai đông tẩu".
Mùa thu, bãi biển Cửa Hội bắt đầu thưa vắng khách. Khung cảnh tĩnh lặng, yên ả trả lại cho Cửa Hội vẻ đẹp nguyên sơ. Tôi đứng trên bãi biển tận hưởng những làn gió mát lạnh, phóng tầm mắt ngắm đảo Song Ngư xanh biếc sừng sững trấn giữ vùng biển. Đảo Ngư là một hòn đảo rất đẹp, tôi đã có dịp thưởng ngoạn cách đây vài năm. Núi non hùng vĩ, cây cối um tùm, chim hót vang rừng, những con khỉ mạnh dạn nô đùa với khách, bãi đá nhiều màu sắc thật đẹp mắt.
Đảo Song Ngư là một danh thắng từ xưa. Là nguồn cảm hứng vô tận cho các bậc tao nhân mặc khách phóng bút làm thơ. Tiến sĩ Bùi Dương Lịch (1757- 1827) trong bài thơ "Song Ngư hý thủy" có câu miêu tả vẻ đẹp của hòn Song Ngư: "Sơn tình hoạt bát thúy song song" (Dáng núi hoạt bát xanh biếc song song). Nhà vua Lê Thánh Tôn (1442- 1497) khi viết về "Đan Nhai hải môn" cũng đã miêu tả vẻ đẹp xanh biếc của hòn Song Ngư:
"Hy kỳ Tam toạ thanh u cảnh
Đoạn tịch Song Ngư thủy hý điêu"
Thâm nghiêm tam toạ thanh mà lặng
Thấp thoáng Song Ngư biếc lẫn xanh.
(Võ Hồng Huy phỏng dịch)
Danh sĩ Nguyễn Thiếp (1723-1804) lại thấy đảo Ngư như cánh buồm trong buổi tà dương: “Phong cao Ngư đảo tịch dương phàm”.
Không chỉ có đảo Song Ngư đứng trấn ở biển Cửa Hội, mà xa hơn còn có đảo Mắt cũng là một hòn đảo có phong cảnh đẹp. Những hôm thời tiết tốt đứng trên bãi biển Cửa Hội nhìn thấy đảo Mắt khá rõ nét. Hòn Mắt được nhắc đến trong sách "Nghệ An ký" của Bùi Dương Lịch: "Đó là một hòn đảo nhỏ, án ngữ một vùng cửa biển Đan Nhai".
Cửa Hội đẹp nhất khi bình minh và lúc hoàng hôn buông xuống. Vào những ngày tạnh ráo ít mây, khi mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước toàn cảnh Cửa Hội như một nữ thần khoác lên mình xiêm y lộng lẫy, rực rỡ sắc tím sắc hồng. Buổi chiều tà, Cửa Hội thay cho mình bộ cánh màu đỏ trông thật xinh đẹp, yêu kiều.
Có lẽ, chính bởi sắc đỏ của biển Cửa Hội vào buổi bình minh và hoàng hôn mà người xưa đã đặt tên cho Cửa Hội là Đan Nhai ("Đan" nghĩa là màu đỏ, "Nhai" nghĩa là bờ, bến). Cửa biển Đan Nhai và đảo Song Ngư là hai cảnh đẹp được nhắc đến trong "Nghi Xuân bát cảnh": "Đan Nhai quy phàm" (Buồm về cửa biển Đan Nhai) và "Song Ngư hý thủy" (Đôi cá đùa trong nước).
Lại nói về những tên gọi của Cửa Hội, Cửa Hội xưa có tên gọi là Đan Nhai, Đan Thai, Chu Nhai, Hội Thống (người dân vùng Cửa Hội bên Nghi Xuân- Hà Tĩnh vẫn quen gọi là Hội Thống). Những tên gọi của Cửa Hội trước đây được nhiều sử sách chép lại rất rõ cùng với những sựu kiện lịch sử đáng ghi nhớ của nước ta.
"Đại Việt sử ký toàn thư" (Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) có ghi chép rằng cửa biển Đan Thai (cũng là trấn Đan Thai để chống lại quân Lâm Ấp) là nơi Hoàng Hối Khanh, một vị thần nhà Hồ tự vẫn vì không chịu đầu hàng giặc Minh. Sách "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim chép trong lần đánh nhau thứ năm của Trịnh - Nguyễn đã hai lần nhắc đến Cửa Hội với tên gọi Chu Nhai và Hội Thống. Cửa Hội còn được dùng để gọi tên các xã ở phần cuối sông Lam trước khi đổ ra biển.
Nỗi niềm hoài cổ
Mê mẩn cảnh hoang sơ Cửa Hội. Ảnh: Bạch Dương |
Tôi lớn lên trên mảnh đất Cửa Hội nên có được may mắn thưởng lãm vẻ đẹp của Cửa Hội lúc còn hoang sơ. Lúc mà Cửa Hội chưa được khai thác để làm du lịch, chưa có khu nghỉ dưỡng cao cấp. Cửa Hội lúc bấy giờ có rừng phi lao xanh ngút ngàn, bãi cát với những đồi cát cao 3- 4 mét là nơi tụi nhỏ chúng tôi chơi đùa, những bãi cỏ lông chông, những bông hoa muống biển tím biếc trườn khắp nơi trên bãi cát, những bông cúc biển vàng như nắng mùa thu.
Tôi còn nhớ rất rõ “dòng sông” nhỏ chảy uốn quanh ở bìa rừng phi lao thông ra biển. Lũ trẻ con chúng tôi thường lội xuống đó để bắt cá. Con sông này chắc hẳn là kết quả của những lần bồi đắp và sụt lở tự nhiên của bãi biển mà thành. Trong ký ức trẻ thơ của tôi, giữa cồn cát nóng bỏng của mùa hè nắng khét thì việc xuất hiện một dòng sông nhỏ như vậy thật đẹp, thật nên thơ như những ốc đảo ở trên sa mạc.
Ở phía ngoài rừng phi lao còn có những loài thực vật hiếm gặp ở vùng đồng bằng, đó là những cây bắt kiến bắt ruồi. Những giờ học môn sinh học ngoại khóa lớp tôi thường được cô giáo đưa ra đây để quan sát quá trình cây bắt mồi. Thật là thú vị!
Cửa Hội bây giờ không còn rừng phòng hộ, thay vào đó là những khu nghỉ dưỡng, những công trình xây dựng, hoa muống biển và cúc biển ngày càng ít đi, dòng sông- ốc đảo nhỏ thơ mộng của tuổi thơ tôi và những loài cây bắt mồi đã hoàn toàn biến mất ...
Với nhiều người đó là sự khởi sắc của Cửa Hội, là cơ hội kinh doanh thu lại lợi nhuận cao. Nhưng với một kẻ hoài cổ, một kẻ yêu thích vẻ đẹp của tự nhiên, một kẻ tôn trọng bản thể của tự nhiên như tôi thì không khỏi giật mình luyến tiếc vì những đổi thay này!
Những tham vọng, những toan tính kinh tế sẽ làm cho Cửa Hội ngày càng mất đi vẻ đẹp tự nhiên của nó. Hàng loạt các dự án xây dựng nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí trên đảo Song Ngư đang được thi công. Hình dung ra viễn ảnh hòn Song Ngư bị xà xẻo bởi những máy xúc máy ủi, những tòa nhà mọc ngổn ngang, lộn xộn chiếm chỗ của cây cối xanh um, cảnh du khách xô bồ chen chúc nhau, vô số những rác thải quăng bừa bãi mà thấy hãi!
Bài học nhãn tiền cho việc xâm lấn tự nhiên để kinh doanh du lịch ở Việt Nam không phải là ít. Rồi năm năm, mười năm sau hòn Song Ngư sẽ chẳng còn là "đôi cá đùa trong nước" nữa mà chỉ là hai khối đá khô khan, vô hồn đứng ở biển Đan Nhai. Người ta chỉ biết cách làm thế nào để thu lại lợi nhuận thật nhanh mà không hề biết rằng để có được một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ tạo hóa đã phải mất hàng triệu năm để tạo ra nó.
Hoàng hôn bảng lảng dần phủ lấy không gian, màu đỏ của mặt trời, của những đám mây khiến mặt nước lấp lánh ánh hồng. Nhìn ráng chiều trên biển Đan Nhai mà bùi ngùi nhớ lại chuyện xưa. Năm 672, chàng trai trẻ 26 tuổi là Vương Bột sang thăm cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Hoan Châu (tên đất Nghệ An thời Đường) rồi bị chết đuối ở cửa biển Hội Thống.
Xác chàng trôi dạt về phía sông Lam được cha vớt lên chôn cất. Sau đó Vương Phúc Cơ vì đau buồn mà mất. Người dân Nghi Xuân vì mến trọng người tài, quý trọng công trạng của Vương Phúc Cơ với nhân dân nên lập đền thờ cúng hai cha con ông. Câu chuyện này được học giả Thái Doãn Hiểu viết rõ trong bài bút ký “Đền Phúc Vị huyền thoại và sự thật”. Không ngờ, cửa biển Cửa Hội lại là nơi một trong "Sơ Đường tứ kiệt" giã từ cõi tạm. Ngắm ráng chiều đỏ ối hôm nay mà nhớ đến ráng chiều trong thơ Vương Bột khi xưa:
"Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc"
(Cánh cò bay với ráng chiều
Sông thu cùng với trời thu một màu).
Bóng chiều đã xế, tôi trở gót ra về mà lòng mang nặng ưu tư. Như kẻ đa tình trong giây phút tiễn biệt người yêu chưa xa mà đã nhớ.
Vật đổi sao dời, bao cuộc hưng rồi phế, Cửa Hội vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn ngủi mấy năm nay lại không giữ nổi vẻ đẹp của tự nhiên ban tặng. Đã là quy luật của đổi thay, đành học người xưa mượn bút viết lên đây vài dòng bày tỏ nỗi lòng trăn trở.
Tác giả: BẠCH DƯƠNG
Nguồn tin: Báo Lao động