Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tụt hậu như hệ thống cảng biển Nghệ An

Hệ thống cảng biển Nghệ An được hình thành và phát triển sớm so với các tỉnh Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, so với những người ‘láng giềng’ như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, hệ thống cảng biển Nghệ An đang tụt hậu so với hai địa phương này.

 Hàng hóa cập bến tại cảng Cửa Lò - Nghệ An

Tầm nhìn quy hoạch

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, cảng biển Nghệ An là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). 

Hệ thống cảng biển Nghệ An bao gồm khu bến cảng tổng hợp quốc gia Cửa Lò và khu bến cảng chuyên dụng Đông Hồi.

Tại quyết đinh phê duyệt số 3699/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2017 của Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và sau năm 2030, cảng Cửa Lò bao gồm 34 bến. Trong đó, khu bến cảng phía Nam có 8 bến tổng hợp, container và 1 bến chuyên dùng, du lịch; tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 tấn giảm tải.

Khu bến cảng chuyên dùng xăng dầu có 3 bến, 1 bến cho tàu đến 50.000 tấn cách bờ khoảng 1,6 km; 2 bến xuất cho tàu đến 5.000 tấn. Bến cảng tại phía Bắc Cửa Lò gồm 11 bến hàng tổng hợp, công ten nơ 30.000 - 50.000 tấn và 1 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 tấn kết hợp khai thác tiếp nhận tàu khách du lịch. Bến cảng chuyên dùng (xi măng, clinker, than, phụ gia...) gồm 3 bến cách bờ khoảng 1,8 km cho tàu có trọng tải 70.000 -100.000 tấn và 7 bến liền bờ cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn.

Trong lúc đó bến cảng Đông Hồi với chức năng là cảng chuyên dụng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, vật liệu xây dựng trong KCN Đông Hồi và vùng lân cận được quy hoạch 19 bến, quy mô tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT. 

Thực trạng bất cập

Theo ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, việc quy hoạch và xây dựng Cảng biển Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An và các địa phương lân cận. Nhu cầu hệ thống cảng biển tại Nghệ An hiện đang là “nút thắt” trong xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh với những bất cập ngày càng bộc lộ; vì vậy, cần có những điều chỉnh để mở “nút thắt”.

Theo quy hoạch, cảng Cửa Lò gồm 34 bến, tuy nhiên đến nay chỉ mới 5 bến đi vào hoạt động, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu vân chuyển hàng hóa.

Đối với 4 bến tổng hợp do Công ty cổ phần cảng Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư, vùng nước trước bến thường xuyên bị bồi lắng, hiện chỉ còn sâu 6,1m so với 7,2m theo thiết kế, vì vậy hạn chế các tàu có trọng tải từ 15.000 DWT đến 25.000 DWT giảm tải ra vào.

Tại bến số 5, do Công ty TNHH Cảng Cửa Lò (trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) làm chủ đầu tư có khả năng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải 30.000 DW. Tuy nhiên thực tế hạ tầng giao thông luồng lạch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu so với thiết kế.

Ngoài ra, bến cảng xăng dầu DKC nằm tại phía Bắc Khu bến Cảng Cửa Lò, thuộc địa bàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc do Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức làm chủ đầu tư, với chức năng là bến cảng chuyên dùng phục vụ xuất nhập khẩu xăng dầu cho tàu từ 10.000 tấn - 49.000 tấn dù đã đi vào hoạt động từ 2/2019 nhưng hệ thống giao thông đường bộ nối đường D4 với kho cảng DKC để phục vụ công tác vận chuyển vẫn chưa hoàn thành.

 Cảng biển Vissai dài 2000m vươn ra biển, có thể tiếp nhận phục vụ cho tàu 70.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa

Điểm sáng lớn nhất tai cụm cảng biển Cửa Lò là cảng biển quốc tế Vissai. Theo quy hoạch cảng biển Quốc tế Vissai có 5 bến. Hiện chủ đầu tư là Công ty CP xi măng Sông Lam đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 bến. Trong đó khu bến chuyên dùng số 1 cho tàu 30.000 tấn và khu bến số 2 có thể đón tàu lên đến 70.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa.

Được biết, hiện Nghệ An đã đề xuất Bộ GTVT, Cục hàng hải Việt Nam triển khai giai đoạn 2 Dự án nâng cấp luồng vào cảng xuống Cửa Lò xuống -8,5 đến -9m để cho các tàu có trọng tải đến 30.000DWT có thể ra vào thuận lợi và tiếp tục triển khai nghiên cứu cải tạo luồng cho tàu 50.000 DWT ra vào trong tương lai.

Đối với khu bến cảng Đông Hồi, UBND tỉnh Nghệ An giao Ban quản lý KKT Đông Nam triển khai công tác lập quy hoạch cảng biển Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó sẽ chuyển công năng khu bến cảng chuyên dùng Đông Hồi thành khu bến cảng tổng hợp có bến cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho các khu công nghiệp và vùng Bắc, Tây Bắc Nghệ An và phụ cận.

Tác giả: SỸ TÂN

Nguồn tin: nhadautu.vn