Hiệu phó mở tiệc ma túy, Phó Sở gọi giáo viên là...“thằng”
- 08:47 21-09-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Dương Xuân Kiểm- Hiệu phó trường Tiểu học và THCS xã An Thắng bị bắt quả tang dùng ma túy ngay tại phòng làm việc. |
Vào khoảng 22h ngày 17/9, Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) bắt quả tang ông Dương Xuân Kiểm (SN 1968, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS xã An Thắng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại phòng làm việc.
Tại thời điểm kiểm tra, ngoài ông Kiểm còn 3 người khác cũng đang sử dụng ma túy gồm: Lý Nguyên Bảo (SN 1973, giáo viên của Trường Tiểu học và THCS xã An Thắng), Mồng Văn Duy (SN 1988, trú thôn Nà Bản); Mã Văn Đới (thôn Nặm Vằn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm).
Theo thông tin lãnh đạo UBND huyện Pác Nặm cung cấp, trước đây, Trường Tiểu học và THCS An Thắng khuyết chức Hiệu trưởng, ông Dương Xuân Kiểm từng được xem xét giữ chức vụ này nhưng không đủ điều kiện. “Ông Kiểm không đủ điều kiện về bằng cấp, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu như trình độ từ đại học trở lên hoặc lý luận chính trị chưa đạt”- vị lãnh đạo huyện cho biết.
Trước nay, đã từng có những vụ việc giáo viên bị bắt quả tang vì sử dụng ma túy, sự việc cũng gây chấn động dư luận xã hội. Tuy nhiên, việc hiệu phó cùng với giáo viên “mở tiệc” ma túy và sử dụng ngay trong phòng làm việc tại nhà trường thì đây là lần đầu tiên.
Bởi không ai ngờ, những người thuộc diện có “vai vế”, chức vụ trong ngành giáo dục mà còn sa đà vào làm bạn với “nàng tiên nâu” thì lấy đâu ra tấm gương để cho cấp dưới và học trò noi theo? Một thầy hiệu phó mà còn tham gia vào sử dụng ma túy tập thể cùng với giáo viên và những người khác ngay trong phòng làm việc thì đúng là sự việc này đã vượt quá giới hạn của đạo đức và luật pháp.
Một vụ việc khác cũng gây chú ý, đó là việc ông Nguyễn Văn Thuyết (42 tuổi, ngụ phường 1, TP Bạc Liêu) là giáo viên 1 trường THPT đã làm đơn kiện ông D.H.T. là Phó giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu ra tòa vì đã gọi mình là “thằng”.
Theo ông Thuyết, trong một lần trao đổi với các phóng viên báo chí, ông T. liên tục gọi ông Thuyết là "thằng Thuyết". Một tờ báo sau đó đăng nội dung này và ông Thuyết xin được ghi âm của cuộc trao đổi giữa ông T. với phóng viên.
Trong ghi âm, ông T. còn nói ông Thuyết học đại học hệ tại chức. Tuy nhiên, thực tế ông Thuyết có bằng đại học chính quy. Từ nội dung trên, ông Thuyết yêu cầu tòa án buộc ông T. công khai xin lỗi, cải chính thông tin trên báo. Thầy giáo này còn yêu cầu vị phó giám đốc Sở bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần do danh dự, uy tín bị xâm phạm với số tiền tương đương 2 tháng lương cơ sở là 2.780.000 đồng.
Vụ việc này đã được ra tòa xét xử, tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn vì ông T.- bị đơn vắng mặt tại phiên tòa.
Một vị giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ nhưng khi phát ngôn với báo chí lại gọi cấp dưới của mình là “thằng”. Điều này thể hiện lối ứng xử thiếu chuẩn mực. Ngay trong môi trường giáo dục mà người lãnh đạo lại thiếu tôn trọng đồng nghiệp cấp dưới của mình như vậy, thử hỏi nền nếp văn hóa của môi trường đó có còn không?
Một môi trường vốn được coi là chuẩn mực, nơi gìn giữ những “khuôn vàng thước ngọc” mà ứng xử với nhau như vậy sao?