Nghệ An: Bất cập ở nhiều nhà máy gạch không có mỏ đất nguyên liệu
- 13:03 15-09-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là đơn vị được thành lập tương đối muộn so với nhiều nhà máy gạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, song nhà máy gạch ngói tuynel Thanh Ngọc sắp có được mỏ đất nguyện liệu. Đây có thể coi là “hàng hiếm” tại Nghệ An khi đơn vị này đang chờ các khâu cuối cùng để được dùng đất “chính ngạch”.
Ông Phan Văn Cường - Giám đốc nhà máy gạch ngói tuynel Thanh Ngọc, phấn khởi cho biết: “Hiện đấu giá xong xuôi rồi, bây giờ đang khoan thăm dò chuẩn bị cấp mỏ”.
|
Được biết, mỏ đất của nhà máy này được bổ sung quy hoạch từ năm 2015 với diện tích 13 ha tại xã Thanh Phong (Thanh Chương - Nghệ An). Năm 2017, đơn vị hoàn thiện đền bù, dự kiến cuối năm 2020, nhà máy chính thức có mỏ.
Thực tế nhà máy có mỏ hoặc sắp được cấp mỏ nguyên liệu là điều ít đơn vị sản xuất gạch ngói tại tỉnh Nghệ An có được. Với 27 đơn vị kinh doanh, sản xuất gạch ngói thì có đến hơn 20 đơn vị chưa có hoặc không có mỏ để sản xuất. Do đó, các đơn vị này đã và đang phải “ăn đất chui". (nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ)
Khai thác đất "lậu" diễn ra nhiều từ thực tế không có mỏ - ảnh chụp tại huyện Yên Thành |
Đơn cử như xí nghiệp gạch ngói Hưng Nguyên, một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng công nghệ lò tuynel vào năm 1994. Ông Lê Đức Trường - Giám đốc xí nghiệp cho biết: “Bình quân mỗi năm xí nghiệp sản xuất được khoảng 17-18 triệu viên. Trong khi đó, sản lượng tối đa hoạt động của chúng tôi có thể đạt từ 25-26 triệu viên/ năm. Nguyên nhân chính của thực tế này là việc nguyện liệu đầu vào không ổn định, từ chất lượng cho đến số lượng”.
Hay như tại nhà máy gạch ngói Quân đội 30/4 thực trạng chưa “tìm” ra mỏ đã diễn ra trong một thời gian dài. Với gần 150 lao động, nhà máy hiện có công suất lên tới 60 triệu viên/ năm song cũng chỉ hoạt động cầm chừng ở mức 80% công suất. Nguyên nhân chính được xác định vẫn là nguyên liệu.
Theo tìm hiểu, năm 2016 đơn vị này đã trình hồ sơ đến các Sở, ban ngành cũng như quân khu để về khảo sát mỏ tại xã Thanh Khai (Thanh Chương - Nghệ An) nhưng không được. Sau đó, đơn vị tiếp tục xin được khảo sát mỏ ở vùng được quy hoạch tại xã Ngọc Sơn cũng của huyện Thanh Chương song vẫn không thể làm mỏ do chất lượng đất không đạt. Đến thời điểm hiện tại, nhà máy này vẫn đang loay hoay tìm nguồn mỏ đất nguyên liệu.
Việc các nhà máy sản xuất không có nguyên liệu để sản xuất dẫn tới tình trạng các đơn vị này “ăn đất chui, đất lậu”, đất trôi nổi… Điều này được chính lãnh đạo các nhà máy thừa nhận khi trong tay chưa hề có mỏ chính thống để khai thác, phục vụ sản xuất.
Hệ lụy từ thực tế này là việc các đầu nậu “vận dụng” đủ cách khai thác đất trái phép, vô tội vạ để bán cho các nhà máy. Vô hình dung các nhà máy gạch tự mình phải “lách thuế”… Đi cùng với các hoạt động khai thác lậu đất là tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn…
Khai thác sai so với quy định tại một hồ đập ở huyện Yên Thành |
Một hình thức khác được các nhà máy biến thể để có được nguồn đất là lập dự án, xin chủ trương nạo vét, khai thác các hồ, đập. Nếu như hoạt động này có mang lại cho nhà nước một ít thuế “gọi là” thì đi kèm nó là không ít bất cập.
Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư - nhà máy gạch ngói sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cải tạo, tận thu đất tại các đập đều thi công sai quyết định cho phép. Đó là việc “vươn gàu” máy múc tối đa có thể để lấy đất, khiến các hồ đập mất an toàn khi nơi quá sâu nơi để cao cưỡng (vì không dùng làm nguyên liệu được - PV). Hay như việc cho phép các xe tải chở đất có tải trọng thấp (thường từ 5-7 tấn) để vận chuyển đất ra khỏi hồ, đập thì các đơn vị thi công toàn dùng các xe khủng với trong tải gấp vài ba lần…
Trước thực trạng “khát” đất nguyên liệu, hầu hết lãnh đạo các nhà máy sản xuất gạch ngói trên địa bàn Nghệ An đều cho rằng: các cấp chính quyền cần có cơ chế, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để các đơn vị an tâm sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm mang lại thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động.
Thực tế nhà máy gạch, ngói không có đất nguyện liệu sản xuất đã diễn ra khá lâu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần xem xét thực trạng này.
Tác giả: Văn Nam - Đức Phúc
Nguồn tin: Pháp Luật Plus