Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông lớn Vàng bạc đá quý Doji đang làm ăn thế nào?

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji vừa phát hành thành công 750 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng (3 năm). Đáng chú ý, đây có thể chỉ là lô trái phiếu đầu tiên mà Doji phát hành trong năm 2020. Vậy ông lớn vàng bạc đá quý Doji đang làm ăn thế nào?

Theo thông tin được công bố trên HNX, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (Doji) đã phát hành thành công 7,5 triệu trái phiếu vào ngày 31/7/2020, ngày đáo hạn là 31/7/2023.

Sau 12 tháng, tổ chức phát hành có quyền mua lại trái phiếu và người bán có nghĩa vụ bán lại toàn bộ trái phiếu. Sau 24 tháng, người sở hữu có quyền bán lại và tổ chức phát hành có nghĩa vụ mua lại toàn bộ trái phiếu theo các điều kiện trái phiếu.

Đáng chú ý, lô trái phiếu lần này của Doji được đổi tên từ DOJIBOND sang DOJI.L.20.23.001 nên rất có thể đây chỉ là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Doji trong năm 2020.

Doji đã được biết tới như một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nổi trội trong một vài năm trở lại đây. Tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/07/1994, TTD sớm tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế, vốn là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam.

Năm 2007, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại Doji. Cùng năm này Doji chính thức khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội vào ngày 30/6 - là một trong những trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

 Trụ sở chính hiện nay của Doji - Tòa nhà Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội

Năm 2009, Doji chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Từ thời điểm này, Doji bắt đầu mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực thay vì chỉ vàng bạc, đá quý. Doji mở rộng hệ thống chuỗi các trung tâm vàng bạc trang sức trên khắp cả nước và mở rộng đầu tư bất động sản, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, lấn sân sang lĩnh vực tài chính ngân hàng với việc tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank).

Theo giới thiệu của DOJI, đến thời điểm hiện tại Doji đang có 12 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con gồm: Công ty CP Thế Giới Kim Cương, Công ty TNHH Xây lắp và kỹ thuật Phúc Thịnh, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Doji, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Tam Đảo, Công ty CP DojiLand Hạ Long, Công ty CP Ngoại thương và phát triển đầu tư địa ốc Châu Lục, Công ty TNHH BĐS Blue Star, Công ty TNHH Đầu tư BĐS DojiLand, Công ty CP VBĐQ SJC Hà Nội, Công ty CP VBĐQ SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty CP Đá quý và Vàng Yên Bái.

Doji còn có 5 công ty liên kết góp vốn gồm Ngân hàng TMCP Tiên phong, Công ty CP Diana Unicharm, Công ty CP Đầu tư phát triển N&G, Công ty Đầu tư và Khoáng sản Yên Bái, Công ty CP Bamboo Capital. Hiện Doji có 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm kinh doanh, cửa hàng trên toàn quốc.

Hai thương vụ lớn gần đây của Doji được giới truyền thông hết sức chú ý là việc hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Thế giới Kim cương - một công ty có chuỗi trên 100 cửa hàng, trung tâm bán hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên cả nước vào cuối tháng 4/2020. Thương vụ thâu tóm này được cho là do Doji muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh của sang mảng bán lẻ trang sức.

Tiếp theo thương vụ thoái vốn khỏi Bamboo Capital (BCG) - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 3/12/2019 Doji đã bán ra gần 4 triệu cổ phiếu BCG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,8 triệu đơn vị (tương đương 10% vốn) xuống gần 6,9 triệu cổ phần, tương đương 6,39% vốn. Tiếp đó, ngày 8/1/2020, Doji bán gần 2,7 triệu cổ phần BCG làm giảm tỷ lệ sở hữu xuống hơn 4 triệu cổ phiếu (3,92% vốn) và không còn là cổ đông lớn của BCG. Đây có thể là một trong những động thái cho thấy ông chủ Doji đã không còn hứng thú với BCG hoặc không còn hứng thú với năng lượng tái tạo.

Theo giới thiệu của Doji, cho đến cuối tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là 5.000 tỷ đồng và tổng tài sản là 12.680 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu của Doji đã tăng mạnh, lên gần gấp đôi so với cách đây chỉ hơn 1 năm (khoảng cuối tháng 6/2019 vốn chủ sở hữu của Doji khoảng 2.558 tỷ đồng).

Mảng kinh doanh cốt lõi là vàng bạc đá quý của Doji tăng trưởng ổn định và dần vượt xa doanh thu của SJC, PNJ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Năm 2019, trong khi doanh thu của Doji đạt mức gần 90.000 tỷ đồng thì doanh thu của 2 nhà vàng lớn là SJC và Doji chỉ đạt lần lượt là 23.100 tỷ đồng (mức thu cao nhất của SJC trong 6 năm trở lại đây) và 17.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu xét về tỷ suất lợi nhuận thì Doji lại có phần kém cạnh so với 2 nhà vàng còn lại. Dù doanh thu lớn nhất nhưng biên lợi nhuận gộp của Doji lại thấp nhất trong 3 nhà vàng. Biên lợi nhuận gộp của Doji chỉ đạt từ 0,4-0,5% nên dù doanh thu đạt 90.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 150 tỷ đồng. Trong khi đó SJC có biên lợi nhuận gộp từ 0,7-0,8%, lợi nhuận sau thuế SJC năm 2019 đạt 52,5 tỷ đồng. PNJ có một kết quả kinh doanh khác biệt hoàn toàn với 2 doanh nghiệp còn lại với biên lợi nhuận đạt 20,4% vào năm 2019. Với 17.000 tỷ doanh thu, PNJ đạt gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm 2014, Doji bắt đầu tham gia vào lĩnh vực Bbt động sản. Trong lĩnh vực này, Doji cũng đang dần tạo dựng tên tuổi với nhiều dự án nổi bật nằm ngay tại vị trí trung tâm các thành phố lớn như: Tòa nhà Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 18.883 m2 đang được Doji sử dụng làm trụ sở chính; tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội), tòa nhà Ruby Tower (số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM); Dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77 ha, tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng; Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng.

Được biết, trong tháng 7/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu. Dự án có tổng diện tích khoảng 29,86 ha, tổng mức đầu tư 4.750 tỷ đồng. Hai nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án gồm BCG và liên danh của Doji với hai công ty thành viên là Doji Land và Công ty Đầu tư Bất động sản Blue Star.

Tác giả: Nguyễn Thoan

Nguồn tin: nhadautu.vn