Tuyển thủ Việt Nam và cái “bẫy” phía sau ánh hào quang
- 14:54 06-09-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trung vệ Quế Ngọc Hải |
Sự việc tuyển thủ Việt Nam quế Ngọc Hải mặc áo cờ đỏ sao vàng ngược, tham gia clip quảng cáo cho một tựa games có sử dụng nhiều hình ảnh bản quyền của đội tuyển Việt Nam gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Dù Hải đã lên tiếng xin lỗi công khai và gỡ đoạn clip trên khỏi trang facebook cá nhân, hình ảnh của anh trong mắt người hâm mộ chắc chắn bị ảnh hưởng.
Với chàng trai xứ Nghệ, đây là một bài học đắt giá, nó cũng mang tính cảnh báo cho các tuyển thủ Việt Nam, những người đang được bao trùm bởi ánh hào quang sau thành công suốt hai năm qua.
Trước Ngọc Hải, Tiến Linh từng bị CLB chủ quản B.Bình Dương nhắc nhở vì tự ý gia nhập một CLB bóng đá phong trào mà không xin phép.
Điểm chung của Tiến Linh và Ngọc Hải là đều không có ý thức chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp luôn có những nguyên tắc mà cầu thủ buộc phải tuân theo nếu muốn tồn tại.
Ánh hào quang từ những thành công của đội tuyển giúp các tuyển thủ trở thành sao sao, được săn đón và có tầm ảnh hưởng lớn. Không ngoa khi cho rằng, nhiều cầu thủ đã đổi đời nhờ lên tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo.
Nhưng ánh hào quang cũng giống như chiếc “bẫy” có thể khiến cầu thủ bị “sập” vào tình thế bất lợi cho bản thân. Ngọc Hải hay Tiến Linh là ví dụ nhãn tiền.
Thực tế, nếu không có những chiến thắng cùng đội tuyển, Ngọc Hải, Tiến Linh đương nhiên chẳng thể trở thành gương mặt hot. Nhưng cũng bởi thiếu ý thức về sự chuyên nghiệp, cầu thủ không phân biệt được cái gì làm được, cái gì không làm được.
Ở đây, cũng cần nhắc tới vai trò của người quản lý hoặc CLB. Nếu có sự giám sát chặt chẽ hơn, định hướng tốt hơn, Hải và Linh có lẽ đã không mắc sai lầm.
Nhìn rộng ra, hai sự việc trên cũng phản ánh chính xác, đầy đủ bản chất nền bóng đá Việt Nam, một sự chuyên nghiệp nửa vời.
Ở các nước bóng đá phát triển, không bao giờ xảy ra tình trạng tuyển thủ quốc gia đem hình ảnh đội tuyển vào clip quảng cáo mà chưa xin phép. Càng không có chuyện gia nhập đội bóng khác mà chưa được CLB chủ quản cho phép.
Sự chuyên nghiệp phải hình thành từ điều nhỏ nhất, đó chính là ý thức của cầu thủ. Mà ý thức của cầu thủ phải được rèn rũa từ khi mới đến với trái bóng.
Thế mới đấy, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nếu thực sự muốn chuyên nghiệp.
Tác giả: Thái Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông