Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Viết tiếp vụ “công chứng” ngoài trụ sở tại Nghệ An: Bản di chúc nhiều dấu hiệu được dàn dựng

Dù đã 95 tuổi, bị hạn chế về thể chất và không biết ký nhưng cụ Văn Thị Truật (phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò, Nghệ An) vẫn được cho là người soạn thảo di chúc với nhiều thuật ngữ pháp lý, rồi nhờ luật sư (LS) đánh máy bản di chúc để công chứng viên ký xác nhận…

 

 Nhà đất nêu trong di chúc, được tòa chia cho nguyên đơn.

Cùng với nhiều sai phạm khác trong quá trình công chứng thì chuỗi sự việc trên bị bị đơn trong vụ tranh chấp thừa kế cho là vô lý, có dấu hiệu dàn dựng.

Lập di chúc một nơi, ký công chứng một nẻo

Như PLVN đã thông tin, vào tháng 5/2018, các bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Tùng (cùng trú TX Cửa Lò, Nghệ An) có đơn khởi kiện với ông Nguyễn Kiên Cường (trú tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò) yêu cầu chia thừa kế theo di chúc của cụ Văn Thị Truật (mẹ đẻ nguyên đơn và bị đơn) lập ngày 10/7/2017.

Xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ kiện, TAND TX Cửa Lò và TAND tỉnh Nghệ An đều chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế theo di chúc của cụ Truật; tạm giao 192m2 đất tại thửa 127, tờ bản đồ số 10, phường Nghi Thủy cho các nguyên đơn.

Tuy nhiên, ngay trong quá trình xét xử và sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Cường đã liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo cho rằng việc lập, công chứng bản di chúc của mẹ ông có nhiều sai phạm, có dấu hiệu tạo dựng di chúc, không đúng với ý chí của cụ Truật.

Một số sai phạm, mâu thuẫn trong thủ tục lập di chúc, công chứng đã được KSV của VKSND tỉnh Nghệ An chỉ rõ ngay tại phiên tòa như: Trường hợp cụ Truật không đọc bản di chúc thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký trước mặt công chứng viên (CCV). CCV chứng nhận bản di chúc trước người lập di chúc và người làm chứng.

Tuy nhiên, theo lời trình bày của bà Trần Thị Thúy (Cty Luật Hợp danh Thái Bình Dương, được cho là người đánh máy bản di chúc hộ cụ Truật và được CCV coi là người làm chứng khi cụ Truật điểm chỉ) thì bà Thúy không ký vào di chúc.

 

 


Hơn nữa, CCV Nguyễn Văn Thỏa cũng không chứng thực vào bản di chúc tại thời điểm cụ Truật điểm chỉ vào di chúc. Theo lời chứng thì ông Thỏa ghi lời chứng sau khi cụ Truật lập di chúc 1 ngày, tại trụ sở VPCC chứ không phải tại nhà bà Sen (nơi được coi là cụ Truật lập di chúc).
Vì vậy, KSV cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ Truật được lập đúng quy định là không chính xác.

Người làm chứng có "nhiều vai”

Trong đơn thư đề nghị giám đốc thẩm vụ án, ông Cường còn chỉ ra một số điều vô lý khác. Đơn cử, thời điểm năm 2017, cụ Truật đã 95 tuổi, bị đau ốm liên miên, không thể ký và không còn minh mẫn nhưng vẫn được Tòa sơ thẩm và phúc thẩm thừa nhận lời khai của bà Thúy rằng: “Vào ngày 10/7/2017, tôi đến tại nhà bà Sen gặp bà Truật thì bà Truật có trực tiếp nhờ tôi đánh máy lại di chúc theo nội dung mà bà Truật đã soạn sẵn và đọc tôi nghe… Nội dung di chúc do chính bà Truật soạn thảo và đọc cho tôi đánh máy lại theo yêu cầu của bà”.

Nhưng kỳ lạ ở chỗ, trong bản di chúc, cụ Truật đều gọi chồng và các con là “ông, bà” và nêu rõ số chứng minh thư (ngày cấp) của 3 người con; nêu rõ “số hiệu mảnh bản đồ gốc là 082599-3b tọa lạc tại khối 10 phường Nghi Thủy” và tính toán, xác định diện tích đất chính xác đến từng cm2…

Thậm chí, trong di chúc, cụ Truật còn tự xác định phần tài sản riêng của mình gồm 1/2 diện tích 483,3m2 =241,65m2 đất và phần đất được hưởng thừa kế từ chồng là “2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật (người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc)”…

Với những thuật ngữ pháp lý (thừa kế theo pháp luật; suất di sản thừa kế; người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc…) như trên, ông Cường cho rằng, bản di chúc không phải do cụ Truật tự soạn ra mà phải được viết bởi một người có trình độ luật nhất định hoặc LS. Bản di chúc “cao siêu” bất thường này có có dấu hiệu tạo dựng lộ liễu và không thể hiện đúng ý nguyện của cụ Truật.

Ông Cường nghi vấn: “Nếu bảo mẹ tôi tự soạn được di chúc thì tại sao CCV không ghi lời chứng luôn mà lại phải bày ra việc đánh máy lại làm gì? Nếu mẹ tôi đã soạn được di chúc thì tại sao không yêu cầu cụ ký vào bản di chúc, thay vì điểm chỉ? Bà Thúy được CCV coi là nhân chứng, tại sao không ký vào bản di chúc trước mặt CCV?

Bà Thúy có vai trò gì trong sự việc này khi vừa là người đánh máy, vừa là người gọi điện mời CCV đến nhà bà Sen, vừa là nhân chứng trong việc cụ Truật lập di chúc? Và bất ngờ hơn là LS cùng Cty với bà Thúy lại được nguyên đơn mời làm người bảo vệ quyền và lợi ích trước tòa, yêu cầu Tòa chia thừa kế theo đúng bản di chúc mà bà Thúy đã đánh máy.

LS và CCV rõ ràng đều có thù lao theo công việc. Vậy bà Thúy, ông Thỏa và LS của nguyên đơn có ràng buộc gì về vật chất trong vụ việc này hay không? Liệu bà Thúy có “đánh máy” và mời CCV miễn phí cho cụ Truật?”.

Đáng nói hơn, chỉ 7 ngày sau khi HĐXX phúc thẩm ra bản án thừa nhận bản di chúc của cụ Truật, thì Sở Tư pháp Nghệ An đã có Thông báo kết quả giải quyết tố cáo đối với CCV Nguyễn Văn Thỏa, trong đó chỉ ra ít nhất 4 sai phạm trong việc công chứng di chúc cho cụ Truật.

Trước diễn biến này, LS Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) cho rằng, cùng với các chứng cứ khác thì Kết luận giải quyết tố cáo trên là chứng cứ quan trọng để TAND cấp cao tại Hà Nội cũng như VKSND cùng cấp xem xét kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ kiện này.

 

Theo LS Tuấn, theo quy định, trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt CCV.

Như vậy, có thể thấy rằng, bản di chúc của cụ Truật là không hợp pháp vì không có người làm chứng. Bà Thúy cho dù có chứng kiến sự việc nhưng không ký vào bản di chúc trước mặt CCV thì cũng không thể coi là nhân chứng trong việc cụ Truật lập di chúc.

Ở đây, cần phải nhìn nhận vai trò của bà Thúy chỉ là nhân chứng trong vụ án chứ không phải là nhân chứng hợp pháp trong việc cụ Truật lập di chúc.

Tác giả: K.Lâm

Nguồn tin: baophapluat.vn