Cần xem lại thiết kế và giám sát thi công trên tuyến quốc lộ 48E tỉnh Nghệ An
- 08:59 01-09-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quy mô gói thầu
Năm 2018, Sở Giao thông vận tải Nghệ An có tờ trình số 4108/TTr-SGTVT.BQLDAVNS kèm theo hồ sơ gửi Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, xin gần 14,5 tỷ đồng (làm tròn số) từ nguồn “Quỹ bảo trì đường bộ” để sửa chữa nền, mặt đường, gia cố lề, hệ thống thoát nước và an toàn giao thông trên các đoạn Km193+850 - Km201+500 quốc lộ 48E (nối QL7A với QL7B qua các xã Bảo Thành, Long Thành và Tăng Thành thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Theo quyết định phê duyệt số 5548/QĐ-TCĐBVN ngày 28/12/2018 của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, gói thầu này có nội dung và quy mô thực hiện là: “Sửa chữa mặt đường cũ bằng kết cấu đá dăm láng nhựa và bê tông nhựa” cho tổng chiều dài 8,335km.
Công ty cổ phần thiết kế và xây dựng NANO là đơn vị được chọn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật của gói thầu với tổng mức đầu tư gần 14,5 tỷ đồng |
Sửa chữa nền, mặt đường: Trên cơ sở mặt đường cũ, đá dăm láng nhựa, đào bỏ lớp kết cấu hư hỏng, lu lèn nền đường, phủ lại bằng lớp đá dăm nước dày 15cm, láng nhựa với mật độ 1,8kg/m2 cho 2.007m2. Sau khi sửa chữa cục bộ, sẽ tưới nhu tương dính bám với tiêu chuẩn 0,8kg/m2. Tạo mui luyện bằng bê tông nhựa C19MR dày trung bình 2cm với tổng diện tích 13.913m2. Đối với mặt đường cũ là đá dăm láng nhựa bị hư hỏng rạn nứt chân chim, mai rùa, tiến hành bù vênh phục hồi mui luyện kết hợp tôn tang cường lớp đá dăm nước dày trung bình 12cm, sau đó láng nhựa, tưới nhũ tương dính bám, thảm mặt đường bằng bê tông nhựa dày 5cm cho khoảng 3.491m2. Đối với các vị trí sình lún cao su: Đào bỏ lớp kết cấu hư hỏng (dày khoảng 60cm), đổ đất nền mới dày 30cm, đổ đá dăm nước dày 15cm, lánh nhựa 3 lớp.
Tại các đoạn lề đường có rãnh dọc bằng kết cấu từ trên xuống, đổ bê tông xi măng M250 dày 18cm, lót 1 lớp nilong chống mất nước, cấp phối đá dăm loại 1 dày 10cm. Các đoạn còn lại đắp bằng đất lu lèn đạt độ chặt theo quy định kỹ thuật.
Với kiểu thi công như thế này có đúng yêu cầu kỹ thuật được nêu trong hồ sơ thiết kế được duyệt? |
Sửa chữa nút giao với QL7B và vuốt nối với đường ngang, đường dân sinh. Phần việc này được mô tả cụ thể trong quyết định theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật với tổng diện tích khoảng 1.846m2 gồm: đất nền, đá dăm nước, láng nhựa, tưới nhũ tương dính bám, thảm bê tông nhựa.
Các đoạn qua khu đông dân cư: Xây dựng rãnh kín chịu lực kết hợp bó vỉa bằng bê tông cốt thép với chiều rộng 0,5m và chiều sâu 0,5m. Đáy rãnh dày 15cm, thành rãnh dày 12cm, có cát lót đệm, có nắp là tấm đan liền khối dày 10cm. Bó vỉa cao 13cm. Khoảng 30 đến 40m có 1 hố thoát nước từ lòng đường vào rãnh. Tổng chiều dài rãnh thoát nước theo hồ sơ thiết kế là 276m.
Sau khi hoàn thành phần đường, rãnh thoát nước, tiến hành sơn tim đường, bổ sung mắt phản quang cọc tiêu, cọc H và cọc Km theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tổng mức đầu tư nêu trên, gồm: Chi phí xây dựng chiếm hơn 11,86 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án là 250,275 triệu đồng, chi phí tư vấn đầu tư là 808,543 triệu đồng, còn lại là chi phí dự phòng và chi phí khác.
Gói thầu được thực hiện “đấu thầu qua mạng” vào ngày 11/6/2020. Trúng thầu là liên danh giữa Công ty cổ phần Xây lắp Giang Sơn và Công ty TNHH Xây dựng - thương mại Thắng Mạnh với “giá trọn gói” là 12,205 tỷ đồng. Thời gian thực hiện gói thầu được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả chọn thầu số 567/QĐ-SGTVT của Sở Giao thông vận tải Nghệ An ngày 29/6/2020 là 120 ngày, kể từ ngày nhà thầu được ký hợp đồng.
Phải chăng, do nhà thầu không bóc lớp kết cấu mặt đường đã bị hỏng theo yêu cầu được nêu trong hồ sơ thiết kế nên mặt đường sau khi hoàn công, cao hơn lối vào các nhà dân? Nếu không có rãnh thoát nước, những cơn mưa đổ xuống, hậu quả sẽ thế nào? |
Những bất cập cần khắc phục
Sau khi liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Giang Sơn và Công ty TNHH Xây dựng - thương mại Thắng Mạnh được Sở Giao thông vận tải Nghệ An ký hợp đồng (01/7/2020), gói thầu được tách ra làm 2 phần và 2 công ty nêu trên thực hiện độc lập 2 doạn trên tuyến. Công ty cổ phần Xây lắp Giang Sơn thực hiện các phần việc đoạn từ tuyến 48E phía nối QL7A với tổng trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng - thương mại Thắng Mạnh thực hiện đoạn còn lại với tổng chi phí khoảng 5 tỷ đồng.
Tại phần đường do Công ty cổ phần Xây lắp Giang Sơn thi công, trong quá trình thực hiện, người dân qua lại trên tuyến này cho biết: Phần đầu của tuyến, không rõ do thiết kế chưa tính hết các “tình huống” hay thi công bớt xén, mặt đường mới cao hơn mặt đường cũ. Đặc biệt, rãnh thoát nước không có hố tiêu nước cho phía nhà dân. Do vậy, người dân đã tự ý đục thủng các tấm bê tông cốt thép để đấu nối các ông nhựa dẫn nước từ nhà họ vào rãnh thoát nước.
Mặt đường cao hơn mặt sân và cổng vào nhà dân nên nếu mưa lớn, với khoảng cách miệng hố đã được thi công, rất dễ xảy ra hiện tượng: nước từ ngoài đường chảy tràn vào nhà dân. Toàn tuyến dài 8,335km nhưng chỉ thấy đoạn đầu tuyến thuộc khu dân cư xã Bảo Thành là có rãnh thoát nước, các đoạn còn lại đi qua khu dân cư xã Long Thành và xã Tăng Thành không thấy nhà thầu thi công rãnh thoát nước 2 bên quốc lộ.
Mặt đường cao hơn mặt sân và lối vào nhà dân tại đoạn tuyến qua khu dân cư xã Bảo Thành |
Ở phần đường do Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thắng Mạnh, đoạn đi qua xóm Văn Trai 2 xã Long Thành, nhà thầu này đã đổ đất 2 bên lề đường… cao hơn mặt đường. Đặc biệt, đoạn qua khu dân cư, phần đất 2 bên lề đường cao hơn lối vào nhà dân nên người dân phản ứng bằng cách “góp không được thì xúc đổ đi chỗ khác”. Khi thi công, nhà thầu không có phương án phân luồng giao thông nên gây phiền hà cho người qua lại trên tuyến.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã 3 lần về tìm hiểu và trực tiếp chứng kiến 2 nhà thầu nói trên thi công trên tuyến. Tuy nhiên, cả 3 lần, phóng viên không thấy kỹ sư của đơn vị tư vấn giám sát có mặt tại công trường mà chỉ có “cai thầu” và công nhân trên tuyến. Sự vắng mặt của cán bộ kỹ thuật của đơn vị tư vấn giám sát tại công trường có đúng với trách nhiệm được giao hay không khi trong tổng mức vốn đầu tư từ tiền ngân sách trên đã có khoản chi phí không nhỏ cho công việc này?
Do không có lỗ thoát nước từ trong nhà dân ra mương thoát nước, người dân đã tự ý đục thủng các tấm bê tông để lắp thêm các ông nhựa |
Hiện nay, gói thầu đang được liên danh thực hiện các phần việc cuối cùng, người dân ở trên tuyến mong rằng, những bất cập về ránh thoát nước, về yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình được điều chỉnh và giám sát chặt chẽ.
Tác giả: Khánh Sơn - Trung Hiếu
Nguồn tin: nguoixaydung.com.vn