Doanh nhân Phạm Phú Quốc giàu cỡ nào?
- 13:40 27-08-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu Quốc hội (đoàn TP.HCM) Phạm Phú Quốc. Ảnh: SGGP. |
Al Jazeera, một hãng thông tấn lớn và có sức ảnh hưởng ở Trung Đông vừa công bố một loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến 2019. Được biết mức giá để mua quyền công dân tại Síp được Al Jazeera nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng).
Theo tài liệu của được công bố, "Hồ sơ Cyprus", bao gồm 1.471 đơn đăng ký, có tên của 2.544 người nhận được hộ chiếu Cyprus từ 2017 đến cuối năm 2019. Trong đó, Al Jazeera đã nêu đích danh đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ ông là bà Nguyễn Phan Diệu Phương.
Ông Phạm Phú Quốc có học vị Tiến sỹ kinh tế, là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội TP. HCM.
Năm 1998, ông Phạm Phú Quốc bắt đầu công tác tại Tổng Công ty Bến Thành với vị trí trưởng phòng điều hành tour của Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist. Sau đó, ông Quốc lần lượt trải qua nhiều vị trí quản lý khác trong tổng công ty. Đến tháng 2/2014, ông Quốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Bến Thành và nắm giữ cương vị này tới tháng 9/2015.
Trong khoảng thời gian gắn bó hơn 1,5 năm với Tổng Công ty Bến Thành, ông Quốc còn làm Chủ tịch HĐQT tại CTCP TMDV Bến Thành (TSC), Công ty TNHH LD KS Plaza, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội; Thành viên HĐTV tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Là người đứng đầu tại nhiều doanh nghiệp thành viên, ông Quốc cũng có thu nhập cao nhất trong số các lãnh đạo tại Tổng Công ty Bến Thành. Chỉ riêng trong năm 2015, tổng thù lao và lợi ích khác dành cho ông Phạm Phú Quốc tại tổng công ty này là 969 triệu đồng.
Rời Tổng Công ty Bến Thành, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP. HCM bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách HĐTV kiêm Tổng Giám đốc HFIC, quyết định bổ nhiệm có thời hạn 5 năm. Dưới sự điều hành của ông Quốc, lợi nhuận sau thuế của HIFC năm 2016 và 2017 cũng đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó lợi nhuận trước thuế 2016 đạt 1.186 tỷ đồng.
Đến tháng 12/2019, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã điều động ông Phạm Phú Quốc về làm TGĐ Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) với thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
Về chế độ tiền lương, tiền thưởng của IPC, trong năm 2018, lương bình quân của 12 người trong ban lãnh đạo IPC ở mức 53,6 triệu đồng/người/tháng. Còn đối với năm 2019, lương của Ban lãnh đạo IPC (theo kế hoạch) ở mức 54,47 triệu đồng. Như vậy, nếu ước tính theo con số này mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), nơi ông Phạm Phú Quốc làm Tổng giám đốc trong năm 2018 và 2019 đều trên 600 triệu đồng.
Còn bà Nguyễn Phan Diệu Phương (SN 1969) chính là chủ của CTCP du lịch Mặt trời buổi sáng. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2005, trụ sở chính đặt tại số 404 Hoàng Diệu, phường 5, quận 4 TP.HCM.
Công ty này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành nội địa với số vốn ban đầu ở mức 4,5 tỷ đồng. Đến tháng 4/2017, công ty tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật tại đây là bà Phương.
Bên cạnh đó, bà Diệu Phương còn là cổ đông sáng lập của Công ty TNHH thương mại du lịch Mặt trời buổi sáng. Công ty này được thành lập vào tháng 9/2000 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 15 tỷ đồng và được biết đến là chủ đầu tư dự án khu du lịch Mặt trời buổi sáng (khu A) tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau nhiều thay đổi, Công ty TNHH thương mại du lịch Mặt trời buổi sáng do vợ ông Phạm Phú Quốc là cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Hồ Việt Capital.
Ngoài ra, ông Phạm Phú Quốc còn từng chia sẻ với truyền thông rằng, con trai ông cũng là doanh nhân, học tập và làm việc tại Anh từ năm 2013.
Tác giả: Nhật Huỳnh
Nguồn tin: nhadautu.vn