Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


2,9 điểm vẫn đỗ lớp 10: Nên ‘dẹp bỏ’ các kì thi mang tính hình thức?

Trước việc điểm trúng tuyển lớp 10 thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 2,9 điểm cho 3 môn thi, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nên bỏ kỳ thi lớp 10 để giảm bớt áp lực không đáng có cho học sinh.

 

Điểm chuẩn chưa nói hết được nhiều điều

Năm nay, điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Thanh Hóa khiến nhiều người bất ngờ khi 55/88 trường có mức dưới 20 điểm.

Đặc biệt, có những trường điểm chuẩn nằm ở “đáy”, học sinh chỉ đạt trung bình dưới 1 điểm/môn vẫn trúng tuyển đó là trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh). Điểm Toán và Văn nhân hệ số 2. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển vào trường này.

Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, điểm trúng tuyển chưa nói hết được nhiều điều.

Theo thầy Hà, điểm chuẩn ở trường năm nay thấp vì có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là ở khâu ra đề, người ra đề chưa nắm bắt được nhu cầu, trình độ của học sinh.

Vậy với điểm chuẩn thấp có nên “vét” bằng được học sinh lên lớp không? Về vấn đề này, vị hiệu trưởng này cho rằng, các trường vẫn phải tuyển do nhu cầu của xã hội về công việc, việc các trường mở ra thì cũng phải có học sinh. Nhiệm vụ của các trường là đón tiếp học sinh và tiếp tục làm công tác giáo dục.

“Việc tiếp nhận các em có học lực thấp như vậy thì khiến các trường khó khăn hơn trong việc dạy và học, tiếp tục bồi dưỡng cho các em theo học”- ông Hà chia sẻ.

Vậy có nên bỏ kì thi vào lớp 10 hay không khi điểm chuẩn quá thấp?

Vị hiệu trưởng này cho rằng, điều này cần xem xét, phụ thuộc vào địa phương, theo từng địa phương. Có vùng, có địa phương đặc thù thì có thể xem xét nhưng có nơi thì phải giữ nguyên. Tất cả đều tùy từng tình hình thực tế.

“Vấn đề xét điều kiện tuyển vào các trường công lập tùy thuộc vào tính chất từng địa phương, điều kiện cung- cầu, điều kiện kinh tế. Nếu các trường ở các địa phương mà các trường ít có nhu cầu học không nhiều thì có thể xét tuyển”- ông Hà nêu quan điểm.

Việc chất lượng đầu vào do sự đầu tư các vùng miền, địa phương. Chất lượng thấp mà đổ hết cho nhà trường thì cũng không hợp lý.

“Nhiệm vụ của công tác phân luồng ở THCS cần có định hướng sớm cho các em học sinh dựa trên sự phù hợp. Cần biết đối tượng nào có thể học để nâng cao trình độ, đối tượng nào có thể vừa học vừa làm”- ông Hà nói.

Nên bỏ kỳ thi lớp 10 là phù hợp

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) cho rằng, chúng ta đang thực thi chính sách phổ cập giáo dục THCS và hướng tới phổ cập THPT. Ở nhiều quốc gia họ đã hướng tới phổ cập đại học thì kỳ thi vào các cấp không còn phù hợp nữa. Thêm vào đó nó càng đẩy mục đích của nền giáo dục chúng ta đi sai nguyên lý và sứ mệnh của hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta.

Ông Hiền cho rằng, thi cử chỉ là một trong những hình thức hay công cụ giúp đánh giá kiến thức của người học chưa hoàn toàn không phải là công cụ duy nhất hay chìa khoá vạn năng để đánh giá toàn diện phẩm chất và năng lực của người học.

Ông Hiền phân tích, chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học thì đánh giá người học chỉ dựa trên một công cụ kỳ thi thì không thể đáp ứng được cho định hướng giáo dục mới đó.

“Trước đây chúng ta đã từng có kỳ thi vào lớp 6 vào THCS, và chúng ta đã xoá bỏ được thì cớ gì khi chúng ta đang hướng tới phổ cập THPT lại không xoá bỏ kỳ thi vào lớp 10 một kỳ thi chỉ mang tính hình thức. Một kì thi có giúp gì nhiều trong việc phân loại và đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của người học.

“Nên bỏ kỳ thi lớp 10 là phù hợp và giảm bớt những áp lực không đáng có cho học sinh và hơn thế nữa nó phù hợp với định hướng phát triển nền giáo dục mới dựa trên phẩm chất và năng lực”- ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, hết lớp 9 các em có thể tự lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho mình dựa trên sự tư vấn của nhà trường và sự góp ý của phụ huynh . Các em có thể vào các trường nghề để đi theo những nghề mình yêu thích hoặc tiếp tục học văn hoá để theo con đường hoc thuật chứ như một số các quốc gia phát triển khác.

Tuy nhiên, một băn khoăn nhất hiện nay đối với bậc THCS của chúng ta hiện nay là thiếu đi một bộ phận định hướng nghề nghiệp chuyên nghiệp giúp các em có những định hình ban đầu về nghề nghiệp của mình sẻ chọn phù hợp với đam mê và năng lực của các em.

Ông Hiền cho rằng, cần hướng tới giải pháp tổng thể riêng đối vớt vùng cao chúng ta cần có hệ thống đánh giá riêng cho những đối tượng này để phù hợp với đặc điểm vùng và trình độ dân trí củng như điều kiện giáo dục.

“Không thể sử dụng một hệ thống đánh giá cho tất cả”- ông Hiền nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Hiền,  việc chúng ta cần làm hiện nay là tái cấu trúc lại hệ thống THPT theo định hướng đa nghành nghề như các quốc gia phát triển khác.

"Để thực hiện nó chúng ta nên chuyển các trường trung cấp nghề thành các trường Trung học nghề - trung học bách nghệ dưới sự quản lý của Bộ giáo dục để đảm bảo tính nhất quán trong chương trình đào tạo và thống nhất trong phân bổ nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước"- ông Hiền đề xuất.

Tác giả: ĐỖ HỢP

Nguồn tin: Báo Tiền phong