Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiếp bài “Vì sao hàng trăm mét khối gỗ quý nằm “dầm mưa, dãi nắng” ở vùng biên?”: Liệu có “tiền hậu bất nhất”?

Trước những “rắc rối” trong việc giải quyết số phận của gần 400m3 gỗ quý được cho là trôi từ bên Lào về Nghệ An do mưa lũ từ năm 2018. Mới đây, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý. Mặt khác, cũng đề nghị hủy bỏ Quyết định số 4638/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân số gỗ nêu trên.

Trước đó, ngày 05/6/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 3488/UBND-KT về việc xử lý kiến nghị của Doanh nghiệp. Trong văn bản trên, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.

Đoàn kiểm tra nêu trên do lãnh đạo Sở Tài chính làm trưởng đoàn, thành viên đoàn gồm đại diện các Sở, nhành: Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cùng UBND các huyện Kỳ Sơn và Tương Dương để kiểm tra, xác minh làm rõ kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Thành Quang tại Công văn ngày 22/4/2020.

 Số gỗ quý đang tập kết tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn

Ngày 18/6/2020 Sở Tài chính Nghệ An ban hành Quyết định số 106/QĐ-STC về việc thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xác minh làm rõ kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Thành Quang gồm đại diện các Sở, ngành nêu trên.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế số lâm sản do lũ cuốn trôi tại huyện Tương Dương và Kỳ Sơn theo kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Thành Quang. Sau đợt kiểm tra thực tế đoàn đã có báo cáo và đề xuất hướng xử lý bằng biên bản họp đoàn liên ngành ngày 16/7/2020.

Trên cơ sở báo cáo số 673/KL-ĐLN ngày 01/11/2018 của đoàn liên ngành theo quyết định số 4532/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc kiểm tra rừng khu vực biên giới và xử lý thiệt hại gỗ do mưa lũ gây ra; kết quả kiểm tra thực tế của đoàn liên ngành theo Quyết định số 106/QĐ-STC ngày 18/6/2020 của Sở Tài chính đã kết luận toàn bộ số lượng gỗ của Công ty giữa hồ sơ lý lịch gỗ và thực tế gỗ đều phù hợp và theo kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Thành Quang tại Công văn số 09/CVNTQ ngày 19/7/2020.

 Văn bản Sở Tài chính xin UBND tỉnh Nghệ An Quyết định xác nhận quyền sở hữu toàn dân gần 400m3 gỗ quý hồi cuối năm 209

Qua đó, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh Nghệ An với một số nội dung như sau. Thứ nhất, hủy bỏ Quyết định số 4638/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm 394,594m3 gỗ các loại. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ về thủ tục kê khai nộp thuế để cho Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Thành Quang hoàn tất thủ tục về số gỗ đã được thu gom, trục vớt nói trên theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn tất thủ tục xử lý số gỗ thu gom, trục vớt nói trên theo đúng quy định cua pháp luật đề nghị UBND tỉnh giao cho Bộ chỉ huy BP tỉnh, Chi cục kiểm lâm, Cục Hải quan kiểm tra, giám sát quá trình vận chuyển số gỗ trên, không để cho doanh nghiệp trà trộn gỗ rừng tự nhiên trong nước và thẩm lậu gỗ từ Lào vào kinh doanh, buôn bán trái phép.

Như Báo TN&MT ngày 12/02/2020 đã có bài phản ánh, liên quan đến số gỗ nói trên, ngày 05/11/2019, ông Trần Việt Dũng – Phó giám đốc Sở Tài chính Nghệ An đã ký Công văn số 3865/STC.QLG&CS đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xác nhận toàn bộ gần 400m3 gỗ quý các loại đang được tập kết ở một số xã biên giới tiếp giáp Lào, trị giá ước lượng khoảng hơn 2,1 tỷ đồng thuộc quyền sở hữu toàn dân. Theo Công văn này, Sở Tài chính cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm ban hành văn bản để đơn vị này có cơ sở triển khai các bước tiếp theo đối với số lô gỗ nói trên.

 Văn bản mới nhất của Sở Tài chính Nghệ An  trình UBND tỉnh Nghệ An hủy bỏ Quyết định số 4638/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm 394,594m3 gỗ các loại

Về nguồn gốc số gỗ nói trên, trước đó các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện số gỗ này nằm rải rác dọc sông, suối ở các các xã như Mỹ Lý, Keng Đu thuộc huyện Kỳ Sơn và xã Nhôn Mai thuộc huyện Tương Dương. Số gỗ trên được cho là do mưa lũ trôi dạt từ phía nước bạn Lào sang từ giữa năm 2018?

Đến ngày 11/11/2019, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là lâm sản với khối lượng khoảng gần 400m3 gỗ do mưa lũ cuốn trôi đã được trục vớt trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và Tương Dương sau cơn bão số 3, số 4 vào thời điểm tháng 7 và tháng 8/2018.

Theo đó, toàn bộ số gỗ này đã ra thành phẩm dạng lóng, thanh thuộc các chủng loại Đinh Hương, số còn lại gồm Săng vì, Pơ Mu, Sa Mu… được tập kết dọc một số xã biên giới thuộc 2 huyện nói trên. Được biết, đây là những loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao.

Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An cũng giao cho Sở Tài chính tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ vào các quy định hiện hành để xác định giá khởi điểm bán đấu giá đối với tài sản được xác lập sở hữu toàn dân đối với toàn bộ gần 400m3 gỗ. Tuy nhiên, sau đó phát sinh nhiều vấn đề khúc mắc, trong đó phải kể đến kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Thành Quang nên việc bán đấu giá số gỗ nêu trên không thành và sự việc kéo dài cho đến nay.

 "Số phận" của gần 400m3 gỗ quý sau nhiều năm vẫn chưa thể định đoạt

Có thể nói rằng, việc UBND tỉnh Nghệ An trước đó đã ra Quyết định số 4638/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm 394,594m3 gỗ các loại nhưng sau một thời gian thì nay Sở Tài chính Nghệ An lại có văn bản kiến nghị hủy bỏ Quyết định số 4638/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An khiến cho dư luận khá bất ngờ và khó hiểu. 

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Phạm Tuân

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường