Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện về 'cò' cầu thủ ở Việt Nam: Những thương vụ 'cười ra nước mắt'

BĐVN chứng kiến rất nhiều thương vụ “cười ra nước mắt” với các “ông Tây” bởi vậy, mới có câu “thành bại tại ngoại binh”. Các tay “cò” góp một phần không nhỏ trong chuyện “thành- bại” ấy.

 

Có người được nể trọng vì uy tín và chất lượng, có người bị tẩy chay do quá nhiều mánh khóe nhưng cũng có những tay “cò” trở thành nạn nhân của chính cầu thủ mà họ giúp đỡ lúc cơ hàn.

“Cầu thủ của tôi ngon đấy. Anh phải chốt sớm, giờ đã có 3-4 đội đăng ký rồi. Không lấy thì tôi cho anh ta đến đội khác. Tôi vẫn ưu tiên cho anh. Nhớ gọi tôi sớm”, bằng ngôn ngữ tiếng Việt thành thục, cựu tiền đạo Achilefu (lúc này đã chuyển sang làm “cò” cầu thủ) gọi cho một HLV đang hành nghề tại V.League.

Với dân trong nghề, Achilefu “quái” như thế nào trên sân cỏ, đến khi chuyển sang làm “cò”, tiền đạo này cũng “quái” như vậy. Sự khác biệt của “Phu” so với những đồng nghiệp ngoại quốc là vốn tiếng Việt sành sỏi, anh có thể “tự làm tự ăn”, tức  theo mô hình khép kín: tìm nguồn cầu thủ, mang đến Việt Nam chào mời, thỏa thuận rồi ký hợp đồng. Tuy nhiên, chất lượng cầu thủ của “Phu” thì hết sức là… “hên xui”.

 Achilefu (hàng dưới, thứ 3 từ trái sang), từng là một tay “cò” ở có tiếng ở V.League

SLNA, Nam Định là đội bóng từng “dính” những lời đường mật của “Phu”. Cho đến khi ra sân kiểm tra giò cẳng tại Trung tâm Thành Long mới tá hỏa khi biết, “mặt hàng” của Achilefu dạt từ giải hạng Nhất Thái Lan và từng đến Việt Nam thử việc. 

Cũng như SLNA, trước đây, các đội bóng V.League rất chuộng những cầu thủ Phi châu. Achilefu và những tay cò có gốc gác tại lục địa đen ra sức khai phá mảnh đất màu mỡ này. Sau này, các đội bắt đầu chuyển đổi sang “săn” cầu thủ đến từ Nam Mỹ. Đã có những cuộc tranh giành thị phần nổ ra và những người trong nghề cho biết, phần thắng thường thuộc về những nhà môi giới có “dây” với các CLB. 

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng các đội bóng vì yếu tố “dây dợ” ấy mà bỏ qua chuyên môn. Rất nhiều thương vụ chuyển nhượng thành công mang đến cho CLB những thành tích thi đấu ấn tượng. Chẳng hạn như tiền đạo Claudecir của Quảng Nam. Mùa 2017, tiền đạo người Brazil đóng góp 12 bàn thắng và 3 pha kiến tạo, góp sức rất lớn giúp đội bóng xứ Quảng lên ngôi vô địch V.League. 

Thế nhưng, cái gì cũng có giá của nó. Sau 1 năm “lên đồng”, Claudecir bất ngờ dở chứng, không chịu quay lại. Nghe đồn, Claudecir dám mạo danh cả thư điện tử của FIFA đòi Quảng Nam thanh lý hợp đồng. Thấy bảo, khi chân sút Brazil “lòi đuôi cáo”, người ta mới phát hiện ra, kẻ “giật dây” anh này nổi loạn là người đại diện nhằm được chuyển đến một đội bóng mới, vốn trả nhiều tiền hơn. Sự cương quyết của Quảng Nam buộc Claudecir và người đại diện phải xuống nước. Kể từ đó, chân sút sinh năm 1989 này chỉ còn là cái bóng của chính mình, trước khi chuyển đến Hải Phòng xin tập nhờ và được ký hợp đồng.

 Nghe lời “cò”, Claudecir từng làm mình làm mẩy với Quảng Nam cách đây 2 năm

Trong số các đội V.League, HAGL bị xem là “dại cò” nhất. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên V.League 2015, khi HAGL lập “kỷ lục” về số lần thay ngoại binh khi có 5 cầu thủ đến đầu quân. Đáng chú ý, tiền đạo Mousa Sanogo được ký hợp đồng chỉ để chơi đúng 1 trận, đây là điều chưa từng xảy ra ở V.League. HAGL chỉ có thể tự trách mình bởi quy trình tuyển chọn ngoại binh có quá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, rõ ràng là các tay cò cũng có rất nhiều mánh khóe khiến “con mồi” sập bẫy.

Tuy vậy, không phải lúc nào “cò” cũng chủ động cuộc chơi. Có một kịch bản khác là các tay “cò” bị chính cầu thủ bỏ rơi. Số là sau khi có được những thành công, một số cầu thủ bèn quên luôn ân nhân đã giúp mình đổi đời tại Việt Nam. Kết cục là đôi bên từ chỗ “chung một chiến hào” nay quay sang kiện cáo, thậm chí đe dọa “xử đẹp” nhau, khiến làng cầu được một phen tha hồ bàn tán, đoán già đoán non xem ai là kẻ lật kèo?

Cầu thủ kiêm “cò” cầu thủ

Từ khi bóng đá Việt Nam cho phép sử dụng các ngoại binh, rất nhiều “ông Tây” đã đổi đời nhờ nghề tay trái là giới thiệu cầu thủ. Có thể kể ra đây những cái tên tiêu biểu là Achilefu, Mauricio Luis (ảnh, bên phải), Frank van Ejis, Buba Johnson hay Kavin… Điểm chung của những cầu thủ này là từng chơi rất hay, trở thành ngôi sao trong mỗi đợt chuyển nhượng. Từ kinh nghiệm của chính mình, họ nhận thấy, “thị trường” V.League rất béo bở và nhờ các mối quan hệ đưa cầu thủ ngoại quốc sang Việt Nam giới thiệu cho các CLB. Thông thường các ngoại binh nói trên đều giới thiệu các cầu thủ đồng hương sang Việt Nam và họ biết kết hợp với đội ngũ “săn đầu người” ở các CLB để thoả thuận về giá cả cũng như phương thức “chia lợi nhuận” từ những bản hợp đồng. HLV Phan Thanh Hùng từng nói các CLB ở Việt Nam có ít mối quan hệ với các “đầu” cung cấp ngoại binh từ nước sở tại nên đa phần chỉ biết trông chờ các “cò” đưa cầu thủ đến đại bản doanh nên nhờ thế rất nhiều “tay cò” đã phất lên nhờ nghề giới thiệu cầu thủ.

Dịch bệnh khiến “cò” méo mặt

Từ đầu mùa giải đến nay, số lượng cầu thủ ngoại mới đến Việt Nam thi đấu không nhiều ngoài trường hợp bộ đôi Jose Ortiz và Ariel Rodriguez. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuyến bay quốc tế bị hủy đã khiến cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở V.League gần như đóng băng. Chính điều này khiến cho giới “cò” cầu thủ ngoại binh ở V.League thực sự lao đao. Hồi cuối năm ngoái, theo ước tính có đến gần 50 cầu thủ được đưa sang Việt Nam thử việc nhưng không đạt chuyên môn nên họ phải “dạt” về các khu phố Tây ở TP.HCM ở nhờ hoặc sống nhờ nguồn “viện trợ” từ những người đại diện. Sắp tới, khi TTCN mở cửa, họ sẽ đưa số “Tây” đang bị mắc kẹt đến các đội xin thử việc nhưng cơ hội được ký hợp đồng là không nhiều.

Tác giả: Đam San

Nguồn tin: bongdaplus.vn