Về làng giữa Thủ đô xem thịt chuột là... đặc sản
- 16:32 23-08-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Săn chuột mùa nước lên ở xã Canh Nậu |
Không phải ai cũng dũng cảm để thưởng thức món thịt chuột. Tuy nhiên, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, từ người già đến trẻ nhỏ đều “mê” món đặc sản này. Người dân ở đây cho biết, thịt chuột ngon nhất trong các loại thịt, nếu có đủ thịt chuột thì ăn hàng ngày cũng không biết chán.
Săn chuột đồng mùa nước lên
Ngày 19/8, sau cơn mưa buổi sáng, PV Báo Giao thông có mặt tại cánh đồng của xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, theo chân 4 “thợ săn” chuột đi dọc các bờ ruộng cao. Chỉ vào một hang nhỏ, “thợ săn” Lê Văn Phúc cho hay hang này chắc chắn là hang chuột bởi lòng hang nhẵn, lối đi của chuột tạo thành đường mòn.
Lập tức, anh Phúc gọi mọi người tập trung đặt đó sắt chặn ở vị trí cuối hang, đường dốc xuống ruộng lúa, rồi đổ nước từ phía đầu hang trên bờ ruộng. Đổ chưa đầy 1 xô nước, thì có 2 chú chuột chạy thẳng vào đó sắt.
Anh Phúc cho hay, chuột đồng thường đi theo luồng, để bắt chuột có rất nhiều phương pháp như đi soi, bẫy, úp, đổ nước... “Nếu đặt bẫy thì thường phải đi buổi chiều, khi đã xác định được cánh đồng có luồng chuột chạy thì đặt các bẫy kẹp loại nhỏ đường kính 5 - 6cm, vành có răng cưa (kiểu bẫy thú) để kẹp được đúng vào chân con chuột. Đặt bẫy xong đến đêm khuya quay lại thu bẫy, bắt chuột”, anh Phúc kể.
Ông Đỗ Hữu Lại (55 tuổi), được coi như một “thợ săn chuột” bậc thầy ở xã Canh Nậu cho hay, nhờ theo bố đi bắt chuột từ khi còn nhỏ, nên giờ chỉ cần nhìn hang, ông có thể phán đoán đúng tới hơn 90% là có chuột hay không, có mấy con. “Cứ đi bắt lâu năm tự rút ra kinh nghiệm, chứ diễn giải khó lắm”, ông Lại nói.
Theo ông Lại, để đi săn chuột, chỉ cần chiếc cuốc, thuổng, vợt, vài bó rơm khô để hun hoặc không có rơm thì thay bằng xô nước đổ vào hang cho chuột chui ra. Nhưng trong các cách săn chuột, ông Lại vẫn thường làm nhất là dùng bẫy, những cái bẫy do ông tự thiết kế, tự làm. Sau khi rải bẫy, đến khuya quay lại thu bẫy, bắt được chuột, ông sẽ bẻ răng ngay, rồi cho vào những chiếc xiểng đan bằng tre. “Nhưng quan trọng nhất vẫn phải có một chú chó thật tinh khôn. Chó dùng để “săn” chuột phải đánh hơi cực giỏi để thợ săn có thể phát hiện vị trí của chuột”, ông Lại bật mí.
Chỉ sau nửa tiếng đi theo 4 “thợ săn chuột”, cùng vạch từng bụi cỏ tìm hang chuột rồi cuốc đất, đào hang, múc nước đổ vào hang cho chuột sặc nước để chạy ra chui vào rọ…, thành quả thu được đã là gần 5kg thịt chuột đồng. Ông Lại cho hay, vào vụ mùa, bình quân mỗi ngày ông đi bắt được từ 10 - 20kg chuột sống, sau khi làm thịt, vứt bỏ các bộ phận không sử dụng còn lại được khoảng 6 - 7kg thịt. “Sau khi làm lông, mổ bụng, thui vàng, mỗi cân thịt chuột cũng bán được 100 - 120 nghìn đồng”, ông Lại vui vẻ cho biết.
Món ăn khoái khẩu
Chuột đã vặt lông, thui rơm vàng ươm được bà Lý mang ra chợ Canh Nậu bán vào trưa 19/8 |
Sau khi mang chuột về, nhóm “thợ săn” nhanh chóng đun nước sôi, nhúng chuột vào làm lông rất nhanh, sau đó lấy rơm thui đều xung quanh để con chuột vàng lên. Mỗi thợ săn lấy một ít chuột cho bữa ăn gia đình trong ngày, còn lại chuyển ra chợ bán.
Anh Nguyễn Ngọc (SN 1981), một ”thợ săn” chuột cho hay, khi mang chuột đã mổ bụng, làm lông, thui vàng về, có thể chế biến thành các món như hấp lá chanh, rang giềng, quay, nấu giả cầy... “Với món nào cũng cần cho nước vào luộc qua chuột, nước sôi sủi bọt lên một lát rồi tắt bếp, ủ khoảng 15 phút, sau đó bỏ ra cho khô ráo nước rồi chế biến tiếp”, anh Ngọc nói.
“Chuột là món ăn khoái khẩu của người dân nơi đây, vì cái vị thơm ngon của chuột đồng nó khác hẳn với các loại thức ăn khác, ngay cả thịt gà, thịt chó cũng không thể bằng thịt chuột đồng được”, anh Phúc nói và cho hay, thịt chuột đồng thơm ngon, mềm nên không chỉ thanh niên hay trung niên mà người già, trẻ em đều ăn được.
Nghề săn chuột đồng đã có từ rất lâu. Việc này không những giúp người dân bảo vệ mùa màng, mà còn mang lại kinh tế cao. Thịt chuột không những là thức ăn đơn thuần mà nó còn được coi là món đặc sản của người dân tại xã Canh Nậu. Ông Nguyễn Trung Chi, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu |
Ông Nguyễn Hữu Thắng (50 tuổi, người Canh Nậu) cho hay, nhiều người nghe đến thịt chuột thì sợ, nhưng ở Canh Nậu, từ bé đã được làm quen với thịt chuột, với việc đi bắt chuột, nên chuột cũng như một món ăn bình thường, thậm chí là thân quen với người dân nơi đây. Những năm gần đây, chuột đồng Canh Nậu trở thành đặc sản, nhất là dân nhậu, dân thương lái về huyện Thạch Thất buôn bán gỗ, khi về đây đều thưởng thức món thịt quen thuộc của xã Canh Nậu.
Có mặt tại chợ của xã Canh Nậu, PV Báo Giao thông thấy rất nhiều mẹt chuột đồng được người dân làm lông, mổ bụng, thui vàng, bày bán. Bà Nguyễn Thị Lý (52 tuổi, ở xóm ao Thuyền, thôn 2, Canh Nậu) là người chuyên bán đặc sản thịt chuột ở chợ Canh Nậu cho hay, giá bán mỗi cân thịt chuột đã làm sạch thui vàng khoảng 100 - 120 nghìn đồng. “Thịt lợn đắt nên kéo theo các loại thịt tăng giá, nhưng giá thịt chuột thì vẫn vậy”, bà Lý nói và cho biết, nguồn chuột bán ở chợ của bà là do ở nhà chồng, con đi bắt, đồng thời thu mua thêm của các anh chị em trong họ.
Theo bà Lý, chuột bắt về buổi đêm thì sáng làm mang ra chợ bán cho bà con, còn đi bắt sáng, trưa về làm, thì chiều mang ra chợ. Thường thì chợ chiều sẽ có nhiều người dân đi bán thịt chuột, buổi sáng chỉ có các hộ bán chuyên nghiệp, thu gom về. Nhiều khách hàng quen của bà Lý là đầu bếp các nhà hàng đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Mỗi ngày, bà Lý bán được 40 - 50kg thịt chuột, số thịt chuột bà bán được trong một tháng lên đến cả tấn.
Vừa bán, bà Lý vừa hát câu ca làng truyền tụng: “Quanh năm bận rộn tứ bề/Có về vay nợ cũng gắng mà mua/Chuột đồng mõm ngắn bụng thon/Ướp sả rán giòn hấp với lá chanh”.
Tác giả: Văn Huế
Nguồn tin: Báo Giao thông