Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủy điện Khe Thơi, dự án được đặc cách… vượt rào

Dự án Thủy điện Khe Thơi đang rậm rịch tái khởi động sau khi có quyết định chấp thuận, chuyển mục đích sử dụng hơn 19 ha rừng khu vực lòng hồ...

 Thêm một dự án thủy điện, mất thêm một khoảnh rừng tự nhiên. Người dân Nghệ an lo ngại sẽ tăng thêm hệ lụy từ mưa lũ. Ảnh: Việt Khánh.

Diện tích kể trên “vướng” vào Chỉ thị số 13, vốn dĩ không được phép động đến. Bởi không được động đến nên nhiều chủ đầu tư phải bỏ của chạy lấy người trước đó.

Kinh tế hơn sinh kế?

NNVN đã từng triển khai loạt bài phản ánh tình trạng quy hoạch thủy điện vô tội vạ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, điều này được chứng thực sau khi địa phương phải đón nhận trận thiệt hại kinh hoàng do thiên tai, kết hợp xả lũ vào cuối năm 2018.

Tình hình nghiêm trọng đến mức các cấp ngành, cơ quan chức năng liên quan và chính quyền phải ngồi lại với nhau. Theo cơ sở báo cáo đánh giá tác động toàn diện của các công trình, đặc biệt là dựa trên nguyện vọng của số đông đồng bào vùng cao, các bên đã đi đến thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư của 15 dự án thủy điện không khả thi, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai.

 Việc đưa các dự án thủy điện quy mô nhỏ như Khe Thơi vào quy hoạch từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Ảnh: Việt Khánh.

Cần biết rằng, để có đủ quỹ đất cho hơn 30 dự án (phân nửa đã đi vào hoạt động), toàn tỉnh Nghệ An đã bị hao hụt trên dưới 10.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Quỹ đất ít đi đồng nghĩa với cuộc sống của hàng ngàn người dân vùng cao, đặc biệt là các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông bị xáo trộn. Vì thế, vấn đề “giảm tải thủy điện” dù muộn nhưng thực sự cần thiết.

Lãnh đạo một huyện vùng cao xứ Nghệ bộc bạch, dự án thủy điện mọc lên địa phương mất nhiều hơn được. Bước đầu nhân dân có điện thắp sáng, điện sinh hoạt, có kinh phí (tiền hỗ trợ, đền bù) trang trải cuộc sống, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nâng cấp. Sâu xa là những hệ lụy tiềm tàng, hiện rõ hơn cả là mất đất sản xuất, mất niềm tin, nghiêm trọng nhất là mất bản sắc văn hóa.

Quyết liệt là vậy nhưng tình hình đang cho thấy dấu hiệu quay lại vết xe đổ, dự kiến trong tương lai gần khu vực sông Cả sẽ đón nhận thêm một thành viên mới – Thủy điện Khe Thơi.

 Bà con vùng cao Nghệ An phải chịu nhiều đắng cay, mất mát trước hậu quả mà các nhà máy thủy điện gây nên. Ảnh: Việt Khánh.

Động thái này khiến dư luận không khỏi bất an, câu hỏi xung quanh “ưu tiên sinh kế hay kinh tế” lại tiếp tục được hâm nóng.

Chuyển đổi hơn 19 ha rừng tự nhiên

Dự án Thủy điện Khe Thơi được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại Quyết định số 4175/QĐ-BCT ngày 13/5/2014; được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư số 27111000015 chứng nhận ngày 22/4/2010, thay đổi lần hai ngày 16/4/2018.

Tổng điện tích rừng ảnh hưởng thuộc khu vực lòng hồ cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng là 25,87 ha, bao gồm hơn 6 ha rừng trồng và 19,70 ha rừng tự nhiên.

UBND tỉnh Nghệ An ra Công văn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan. Ảnh: Việt Khánh. 

Qua theo dõi được biết, dự án này đã trải qua hàng loạt đời chủ, nguyên do chính dẫn đến tình trạng “đứt gánh giữa đường” xuất phát từ việc không tài nào chuyển đổi được phần diện tích khu vực lòng hồ do vướng vào Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tính cả Khe Thơi, riêng tại địa bàn huyện Con Cuông có đến 3 nhà máy thủy điện nằm trong quy hoạch tổng thể. Đến lúc này thủy điện Khe Choăng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các bước, trong khi đó hiệu quả của thủy điện Chi Khê không được như kế hoạch vạch ra, cơ bản chỉ đạt khoảng ½.

Được biết, trước khi được bàn giao cho Công ty CP Thủy điện Khe Thơi, công trình thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần 473, địa chỉ tại TP Vinh, Nghệ An.

Trở lại nội dung chính, xét đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An tại văn bản số 1045/TTr-UBND ngày 2/3/2020 về việc xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, cũng như trên cơ sở ý kiến của các Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Chính phủ đã đồng ý chủ trương: Chuyển 19,70 ha rừng tự nhiên sang mục đích khác để triển khai dự án thủy điện Khe Thơi.

Giao UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, rà soát nhu cầu thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng, qua đó đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo sử dụng rừng, đất tiết kiệm, có hiệu quả, không làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, không tham nhũng và gây khiếu kiện mất trật tự xã hội.

 Thủy điện Khe Thơi đã chuyển không ít Chủ đầu tư, trước khi về với Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long. Ảnh: Việt Khánh.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5160/UBND-NN yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND huyện Con Cuông và các đơn vị liên quan tham mưu theo đúng quy định hiện hành.

Ngược thời gian, năm 2018 cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã gửi Công văn đến Tổng cục Lâm nghiệp “làm rõ sự phù hợp của các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh” với tổng cộng 31 công trình, dự án thuộc lĩnh vực chủ đạo (quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội; công trình công cộng, an sinh xã hội).

Tổng diện tích đất rừng tự nhiên bị ảnh hưởng từ các dự án lên đến gần 9.900 ha, trong đó hơn 1.455 ha thuộc nhóm phải chuyển đổi sang mục đích khác, phần lòng hồ của thủy điện Khe Thơi nằm trong diện này.

Đề cập đến quy định tại Khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia…”. Nếu áp dụng đúng, tìm mỏi mắt cũng không viện dẫn được lý do “đặc cách” cho thủy điện Khe Thơi.

Xin được nói thêm, công suất thiết kế của thủy điện Khe Thơi chỉ đạt 12 MW, không thể đưa lên bàn cân với thủy điện Bản Vẽ (320 MW), Hủa Na (180 MW) hay Khe Bố (100 MW).

Mặc dù mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư đều có cái khó riêng. Nhưng quy định pháp luật là thượng tôn, việc ưu ái người này, xem nhẹ người kia sẽ tạo ra tiền lệ không đáng có.

Tổng quan quy hoạch thủy điện tại Nghệ An đã và đang để lại muôn vàn hệ lụy, sẽ là thất sách nếu lựa chọn cách thức lấy cái sai này để sửa chữa, bù đắp cho cái sai khác.