Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ kiểm tra hồ sơ Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình: Có đảm bảo quy định của Bộ Chính trị?

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình vừa ra thông cáo báo chí liên quan đến thông tin hồ sơ của ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, sau khi báo chí đề cập đến những nghi vấn về bằng cấp của vị này.

Phải đối chiếu với quy định của Trung ương

Ngày 26/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ra thông cáo báo chí về sự việc. Trong đó, cơ quan này khẳng định có sửa đổi tiêu chuẩn cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; việc thay đổi phù hợp với quy định, thẩm quyền. Thông cáo báo chí cũng cho rằng, các cơ quan báo chí thông tin về việc này “chưa thật chính xác”, “một chiều, thiếu khách quan” và “không được hoan nghênh”.

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình không nói rõ về việc bằng cấp chuyên môn của ông Thận đáp ứng theo quy định, tiêu chí nào, nhất là các quy định, tiêu chí của Trung ương.

 Phần thông tin về tiểu sử của ông Nguyễn Khắc Thận cũng như các lãnh đạo khác của tỉnh Thái Bình được gỡ bỏ khỏi công thông tin điện tử

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng, cần phải xem lại hồ sơ của ông Thận, đối chiếu các quy định của Trung ương. “Tỉnh có quy định riêng về tiêu chuẩn cán bộ nhưng tiêu chuẩn này phải nằm trong quy định chung của Trung ương về công tác cán bộ. Như thế không phải để nhắm đến một cá nhân nào mà là để rút ra bài học trong công tác xây dựng Đảng” - ông Hùng nói.

Ngày 17/6, báo Tiền Phong thông tin việc ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình được bổ nhiệm “thần tốc”, nhiều lần thiếu bằng cấp. Năm 2014, khi ông Nguyễn Khắc Thận mới 40 tuổi, được bổ nhiệm là chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ (và cả đến nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) không có bằng đại học chính quy.

Trong khi đó, Nghị quyết 42 -NQ/TW (về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) được Bộ Chính trị ban hành ngày 30/4/2004 (hiện vẫn là một trong những văn bản quan trọng nhất được dẫn chiếu để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ) nêu rõ về nội dung này. Theo đó, ở phần quy định tiêu chuẩn chuyên môn đối cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên, Nghị quyết quy định: “đối với cán bộ dưới 45 tuổi thuộc diện quy hoạch chức danh chủ chốt thì phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung”.

Thực tế, nhiều địa phương đều phải đưa các cán bộ dưới 45 tuổi không có bằng đại học chính quy ra khỏi quy hoạch cán bộ cấp huyện trở lên, chưa thấy địa phương nào công bố công khai vượt rào quy định này. Đơn cử, năm 2017, tại Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, dù nhiều người không đồng tình nhưng Ban Tổ chức Tỉnh ủy các tỉnh này vẫn loại khỏi danh sách những người dưới 45 tuổi không có bằng đại học chính quy ra khỏi quy hoạch cán bộ cấp huyện, cấp sở, đúng theo Nghị quyết 42 -NQ/TW.

Lấy quy định của ngành kiểm sát áp dụng chung cho công tác cán bộ

Như Tiền Phong nêu, ông Thận tốt nghiệp cao đẳng Kiểm sát năm 1995, hoạt động trong ngành kiểm sát ở cấp huyện nhiều năm. Tháng 6/2014 ông Thận được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ khi mới 40 tuổi và không có bằng đại học chính quy.

Trong thông cáo báo chí của Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình nêu trên có đề cập về bằng cấp chuyên môn của ông Thận như sau: “Việc xem xét về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn và tiêu chuẩn ngạch công chức ở thời điểm đồng chí Nguyễn Khắc Thận được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ đã được Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và quyết định đúng thẩm quyền, khách quan, không trái với các quy định của Trung ương; căn cứ văn bản hướng dẫn của Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và phù hợp với thực tiễn của địa phương”.

Việc áp dụng văn bản hướng dẫn của Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như trên cho công tác tổ chức bộ máy chính quyền nói chung, không phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị, theo logic thông thường phải được xem xét, xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, thậm chí là Bộ Chính trị. Tuy nhiên, thông tin của Tiền Phong có được, việc xin ý kiến Trung ương trong trường hợp này không được thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Đại học Kiểm sát (nguyên là Trường Cao đẳng Kiểm sát, nơi ông Thận từng học) cho biết, sinh viên tốt nghiệp khi trường còn ở hệ cao đẳng học thêm các lớp để lấy bằng đại học, nhưng là bằng đại học tại chức. Lúc đó, theo hướng dẫn của ngành Kiểm sát, người có bằng đại học đó, dù là tại chức sẽ được nhận lương, quy hoạch bổ nhiệm trong ngành Kiểm sát như người có trình độ đại học. “Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là để các địa phương xử lý bố trí, bổ nhiệm cán bộ trong ngành như Viện trưởng hay Phó viện trưởng... Nếu bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo ngoài ngành Kiểm sát phải theo quy định của Nhà nước” - vị này cho hay.

Gỡ bỏ tiểu sử khỏi cổng thông tin điện tử

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành thông cáo báo chí, dù liên tục liên lạc với các đơn vị có trách nhiệm của Tỉnh ủy Thái Bình để có thông tin cụ thể hơn nhưng phóng viên đều không nhận được phản hồi. Trong khi đó, sau khi báo chí thông tin về trường hợp của ông Nguyễn Khắc Thận, phần thông tin công khai về tiểu sử, quá trình học tập công tác của ông Thận cũng như các lãnh đạo khác của UBND tỉnh Thái Bình trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình lập tức bị gỡ bỏ.

Tác giả: Long Vân

Nguồn tin: Báo Tiền phong