Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Xuất hiện một ngôi chùa dởm

Ngôi chùa xuất hiện ở thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Một số người dân gọi đây là “chùa Bà”. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập nói đây là “chùa Thông”.

 Phía ngoài ngôi chùa

Mới đây, chúng tôi tiếp cận thôn Tam Hợp (cũ), nay là thôn Tân Thành thuộc địa phận xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai để tìm hiểu dư luận nghi ngại về một ngôi chùa dỏm mới dựng lén lút ở đây.

Thôn Tân Thành nằm ven bờ biển, khuất sau những vùng rừng thông, cách UBND xã Quỳnh Lập chừng 4 km. Cạnh một khu nghĩa trang của dòng họ ở địa phương trên đồi thông có một ngôi chùa trông như chùa dã chiến.

 Trên sân ngôi chùa

Ngôi chùa nhỏ, diện tích khoảng 40 m2 nằm trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông. Mái chùa lợp tôn đỏ, xung quanh xây tường, trên tường thưng vách bằng tôn. Cửa chùa cũng bằng tôn, khoá kín. Liền nơi cửa chùa dựng một tấm bia bằng gỗ dán, đề chữ “Chú đại bi”. Dưới là dòng kinh phật: “Nam mô đại bi hội thương phật bồ tát (ba lần) thiên thủ thiên nhân vô ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni”. Cạnh tấm bia là tượng phật sơn vàng, toạ trên đế sen đúc bằng betong.

Cổng chùa cũng dã chiến bằng những thanh tre khô, khép lại. Theo lối cổng vào, thấy sân chùa bày biện lư hương, tượng phật mã trắng màu xi măng.

 Am nhỏ trên sân chùa

Một số người dân bán hàng quán ven biển kể ngôi chùa xuất hiện cách đây chừng 5 tháng. “Chùa có gốc tích bên Trung Quốc. Một ông chủ ở trong Nam ra cho dân ít tiền để làm chùa. Ngày rằm hàng tháng có mấy chục người dân địa phương ra đây thắp hương, cầu kinh, niệm phật”, một người dân cho hay.

Tại UBND xã Quỳnh Lập, chúng tôi trao đổi về xuất xứ ngôi chùa này với ông Nguyễn Văn Nho, chủ tịch xã. Lúc đầu ông Nho nói ở xã chỉ có một chủa Mộc Thông ở trong một khu đồi ở thôn Tân Minh thuộc vùng làng Đông Hồi, bên quốc lộ 48D. Chùa đã phế tích mấy chục năm nay. Ngoài ra không có chùa nào khác. Khi chúng tôi đưa hình ảnh “chùa Bà” ra thì ông Nho nói: “Đây là chùa Thông, ở thôn Tân Thành”.

 Tấm bia “Chú đại bi”

Trả lời về xuất xứ ngôi chùa này, ông Nho thú thật: “Giữa tâm dịch mùa Covid trước, một người tên Mẫn ở trong Nam đi cùng một người tên Tùng, công tác ở trong tỉnh ra đây đề xuất việc đầu tư xây dựng ngôi chùa. Chúng tôi nghĩ mục đích của hai người này là muốn lấy đất ven biển làm du lịch gì đó nên phân vân. Vì thế, hai người này xin làm việc với tập thể thường vụ đảng uỷ xã. Sau đó, họ lên gặp Bí thư thị uỷ Hoàng Mai Võ Văn Dũng. Vào khoảng tháng 3, họ làm lén lút trong đêm”.

Cũng theo ông Nho, năm 2018 UBND xã Quỳnh Lập đã một lần tháo dỡ ngôi chùa này do không có giấy phép và lí do dựng chùa cũng không rõ ràng. “Mới đây, một chức sắc trong Hội Phật giáo ở huyện Quỳnh Lưu cũng đề nghị chúng tôi nên dỡ bỏ ngôi chùa này vì nếu chùa thật thì phải có ý kiến của tổ chức Phật giáo các cấp và chính quyền các cấp”, ông Nho cho biết thêm.

 Cận cảnh ngôi chùa.

Cùng ngày, chúng tôi trao đổi tiếp với lãnh đạo thị uỷ Hoàng Mai về xuất xứ mờ ám của ngồi chùa này. Tân Bí thư thị uỷ Hoàng Mai Lê Trường Giang (vừa thay thế ông Võ Văn Dũng, đã chuyển công tác) lộ vẻ bất ngờ. Ông Giang nói: “Thường trực thị uỷ sẽ giao lãnh đạo xã Quỳnh Lập giải trình chân thực vụ việc. Nếu sai, nếu là chùa giả chúng tôi sẽ có hình thức xử lí theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả vì mục đích bảo vệ sự tôn nghiêm tín ngưỡng tôn giáo không chỉ riêng ở thị xã Hoàng Mai”.

Tác giả: Vũ Toàn

Nguồn tin: Báo Văn Hóa