Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
- 06:18 14-08-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Đoàn lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng nguyên Tổng Bí thư đầu tiên. Đoàn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu”. Hai sĩ quan trong lễ phục trắng trang trọng đặt vòng hoa trước linh cữu nguyên Tổng Bí thư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đại diện đoàn lên thắp nén hương trên hương án. Đoàn lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương cúi đầu mặc niệm trước linh cữu nguyên Tổng Bí thư và bước thành hàng, đi quanh linh cữu để tiễn biệt ông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng dừng bước, chia sẻ mất mát với tang quyến. Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cũng dừng lại bàn ghi sổ tang tỏ lòng thương tiếc ông.
Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị vào viếng. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chạm tay vào linh cữu tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. |
|
Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn bước vào hội trường nhà tang lễ quốc gia, vào viếng nguyên Tổng Bí thư. Tham gia đoàn viếng có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đông đủ các Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ.
Các thành viên trong đoàn Chính phủ cùng chạm tay vào linh cữu, cúi đầu và chắp tay vái chào tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
|
Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn với gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội và nhân dân. Noi gương đồng chí, chúng tôi tay nắm chặt tay, ra sức phấn đấu xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh. Xin vĩnh biệt người người anh, người đồng chí kính mến. Mong anh an nghỉ nơi cao xanh!”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cẩn trọng chỉnh lại vòng hoa trước khi cùng đoàn Chính phủ vào viếng. (Ảnh: Sơn Tùng) |
|
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư. Cùng đi với Chủ tịch Quốc hội có các Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội đứng ở hàng sau, cùng cúi đầu trong phút mặc niệm.
|
Xúc động ghi sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đồng chí là một người cộng sản chân chính đã cống hiến cả đời cho đất nước. Đồng chí là một tướng lĩnh quân đội, một nhà lãnh đạo đã có cả một đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc…”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi lời tiễn biệt. |
Đoàn Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư với vòng hoa mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Khả Phiêu”. Tham gia đoàn có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chánh Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cùng các lãnh đạo, cán bộ thuộc Văn phòng Chủ tịch nước.
|
Đoàn UB Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Mặt trận Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư. Cùng đoàn có nguyên Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Phạm Thế Duyệt, Phó Chủ tịch Mặt trận Hầu A Lềnh…
|
Đoàn Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Lương Cường – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị quân đội nhân dân làm trưởng đoàn vào viếng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh – nguyên Bộ trưởng Quốc phòng… gửi vòng hoa kính viếng.
Đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội do Bí Thư Thành ủy Vương Đình Huệ dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ dâng hương vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. |
Bí thư Hà Nội ghi sổ tang tiễn biệt người lãnh đạo Đảng trong nhiệm kỳ khóa VIII. |
Trong trí nhớ của đồng bào, đồng chí, hình ảnh nguyên Tổng Bí thư là một người lãnh đạo lăn lộn trong thực tiễn, gắn bó chặt chẽ, gần gũi với nhân dân, cùng chèo chống để Việt Nam vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế. Trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, nguyên Tổng Bí thư đã chỉ đạo thực hiện 2 sự kiện quan trọng là ký Hiệp định phân định biên giới trên bộ và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Dấu ấn khác nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để lại là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần thứ 2). Ngay sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông đã bắt tay vào công cuộc chỉnh đốn Đảng, đề ra các nguyên tắc như làm trong sạch Đảng từ trên xuống, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và tự phê bình, nghiêm khắc xử lý mọi vi phạm của cán bộ, Đảng viên, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… |
|
Từ Hội trường Thống nhất TPHCM, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành mời đoàn Ban thường vụ Thành ủy TPHCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư. Tham gia đoàn viếng có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và đông đảo các lãnh đạo, cán bộ thuộc Văn phòng Thành ủy.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang. |
Tiếp sau đó, đoàn các cơ quan Trung ương Đảng tại phía Nam, các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UB Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư.
|
Tại quê hương Thanh Hóa, Đoàn đại biểu do Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa do ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá làm trưởng đoàn vào viếng Nguyên Tổng Bí thư Lê khả Phiêu.
|
Đoàn đại biểu quân khu IV do Trung tướng nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh quân khu làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
|
Đúng 8h, Ban Tổ chức lễ tang trân trọng giới thiệu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang điều hành lễ viếng.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, nguyên Tổng Bí thư mất đi là tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Tổng Bí thư đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân, huy chương cao quý. Để tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư, lễ tang ông được tổ chức với nghi thức Quốc tang.
Phó Thủ tướng đọc lại danh sách 36 thành viên Ban Lễ tang nguyên Tổng Bí thư, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Đứng hàng đầu trong đoàn lãnh đạo chuẩn bị vào viếng nguyên Tổng Bí thư là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thanh Mẫn. Đứng ở hàng tiếp sau có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…
|
Từ sáng sớm nay 14/8, công tác chuẩn bị tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã sẵn sàng.
Tại Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, các lực lượng đã sẵn sàng cho lễ viếng nguyên Tổng Bí thư. Tang lễ nguyên Tổng Bí thư diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, cả nước đang nỗ lực chống dịch Covid-19 nên lễ viếng cũng được tổ chức với quy định chặt chẽ. Mỗi đoàn viếng không quá 8 người, giữ khoảng cách an toàn, người đến viếng không bắt tay, chào hỏi gần.
Các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, phân luồng, hướng dẫn trước Nhà tang lễ quốc gia. |
Lễ Quốc tang diễn ra thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng nên công tác an toàn phòng chống dịch được ưu tiên hàng đầu. (Ảnh: Sơn Tùng) |
Lễ Quốc tang tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM. (Ảnh: Phạm Nguyễn) |
Hình ảnh ghi nhận tại Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá (Ảnh: Nguyễn Thùy) |
Lễ Quốc tang được trang bị máy tầm soát thân nhiệt của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế. |
Trời Hà Nội sáng nay có mưa nhỏ. Trong ảnh: Lực lượng làm nhiệm vụ tại ngã 4 Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông (Ảnh: Vũ Đức Anh) |
Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, từ 14/8/2020. |
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần hồi 2 giờ 52 phút, ngày 7/8/2020 vừa qua (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi, sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Ông là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, của đất nước trong nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Cả đời ông đã nỗ lực hoạt động, cống hiến cho cách mạng, đi qua các cuộc kháng chiến cứu nước, trinh chiến khắp các chiến trường cho tới ngày đất nước độc lập, thống nhất cho tới thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế sau chiến tranh.
Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1947, vào Đảng năm 1949, ông trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; làm Tổng Bí thư khóa VIII, Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Để tỏ lòng tưởng nhớ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người dân cả nước tổ chức tang lễ, đưa tiễn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ với nghi thức cao nhất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ban Lễ tang còn có đầy đủ tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng khác đại diện các cơ quan, ban ngành.
Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và bắt đầu từ 8 giờ sáng nay, ngày 14/8, lễ viếng ông chính thức diễn ra tại đây. Lễ viếng kéo dài tới 12h ngày 15/8.
Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đồng thời được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá (quê hương ông) để người dân cả nước có thể tới thắp hương, phúng viếng, từ biệt ông.
Tường thuật: Phương Thảo - Quang Phong
Ảnh: Sơn Tùng - Vũ Đức Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí