Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tranh cãi đề thi Giáo dục công dân, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét kỹ lưỡng

Liên quan đến phản ánh đề thi bộ môn Giáo dục công dân, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có câu hỏi chưa chính xác, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết Bộ sẽ cùng Hội đồng ra đề thi sẽ xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nội dung câu hỏi này nằm ở phần kiến thức SGK Giáo dục công dân lớp 12 hiện hành.

 Tranh cãi đề thi Giáo dục công dân có câu hỏi gây tranh cãi.

Trả lời Tiền phong, ông Bùi Quốc Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn (TP HCM) cho rằng, đề 310, câu 117 môn Giáo dục công dân của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có nội hàm rộng, không phù hợp với học sinh trung học. Cụ thể, bình đẳng trong kinh doanh theo Luật kinh doanh khác so với đề ra.

Ông Tuấn phân tích, trong đề, chúng ta thấy chị X và Y đã không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật kinh doanh, trên cùng một địa phương. Khi cả X và Y đã vi phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh phải xử lý ngang nhau nhưng ở đây, ông cán bộ B xử lý không công bằng, chỉ xử ý 1 người. Nên khi đặt câu hỏi và đưa ra 4 đáp án A, B, C,D cho thí sinh như vậy khó đánh giá đầy đủ hết các ý.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng nói thêm, trong tình huống đề nêu ra, nếu có vi phạm về quyền bình đẳng trong kinh doanh ở đây chỉ có thể là ông cán bộ B, bởi vì người này trực tiếp xâm phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh giữa hai người là: X, Y khi chỉ xử phạt một người, bỏ qua cho người còn lại. “Riêng Ông C là vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác. Vì thế, tôi cho rằng, đề thi đưa ra 4 đán án như trên là không ổn”, ông Tuấn nói.

Chiều 10/8, tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trả lời câu hỏi PV về phản ánh đề thi Giáo dục công dân có câu hỏi chưa chính xác, ông cho biết Bộ sẽ cùng Hội đồng ra đề thi sẽ xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên việc này cần có thời gian vì tính chất bảo mật của đề thi tốt nghiệp THPT, những người làm đề phải kết thúc kỳ thi mới được ra ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Trinh, về cơ bản nội dung câu hỏi này nằm ở phần kiến thức của bài 4 trang 38 của SGK Giáo dục công dân lớp 12 hiện hành.

Như Tiền phong đã đưa tin, sáng 10/8, thí sinh hoàn thành bài thi KHXH với 3 môn Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Kết thúc bài thi, một số giáo viên, giảng viên Luật cho rằng câu hỏi 117, mã đề 310, các đáp án đưa ra không thuyết phục, khó lựa chọn đáp án đúng.

Cụ thể, câu 117, mã đề 310 ra như sau: “Trên cùng một địa bàn, khách sạn của chị X và khách sạn của chị Y đều chưa trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống cháy nổ theo quy định. Trong một lần kiểm tra, phát hiện sự việc trên nhưng ông B là cán bộ có thẩm quyền lập biên bản xử phạt chị X mà bỏ qua lỗi của chị Y vì chị Y là em họ của ông. Biết chuyện, em trai chị X là anh C làm nghề tự do đã bịa đặt việc chị Y sử dụng chất cấm để chế biến thức ăn khiến lượng khách hàng của chị Y giảm sút. Những ai sau đây vi phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh?

A. Chị Y, chị X và anh C

B. Chị Y, ông B và anh C

C. Chị X, chị Y và ông B

D. Chị X, ông B và anh C”.

Nội dung của đề đang gây tranh cãi về các đáp án đưa ra không ổn, thí sinh khó lựa chọn đáp án đúng.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong