Bầu Đệ đòi bỏ giải và những câu chuyện cười ra nước mắt của V-League
- 14:27 11-08-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghiệp dư lãnh lương cao
Nhiều năm trước, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh bảo rằng bóng đá Việt Nam không phải chuyên nghiệp, chỉ là “nghiệp dư lãnh lương cao”. Quả đúng là sau những 20 năm được gắn mác chuyên, nhiều người làm bóng đá vẫn chưa chuyên, vẫn hành xử đúng kiểu tuỳ hứng.
Ông bầu Nguyễn Văn Đệ là trường hợp mới nhất nói sẽ bỏ giải, sau đó chỉ 1 ngày lại rút, giống tính chất gây áp lực với đơn vị tổ chức và đơn vị điều hành bóng đá nội, hơn là suy nghĩ nghiêm túc.
Tiếc rằng những nhà tổ chức giải và những điều hành bóng đá nội cứ tạo điều kiện, hoặc họ kém uy quá nên cứ để các CLB gây áp lực mãi. Tiếc rằng sự thiếu nghiêm túc vừa nêu không chỉ xuất hiện ở riêng trường hợp của bầu Đệ, mà từng xuất hiện khá nhiều trong khoảng thời gian 20 năm được gắn mác chuyên nghiệp của giải vô địch bóng đá quốc gia.
Bầu Trường và bầu Thuỵ, 2 ông bầu ồn ào nhất bóng đá Việt Nam vài năm trước |
Năm 2014, bất mãn với việc một nhóm cầu thủ của mình có tiêu cực tại AFC Cup, ông chủ của CLB V.Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường đi đến một quyết định cũng tiêu cực không kém là giải tán đội bóng.
Điều hài hước hơn nữa nằm ở chỗ quyền chủ tịch VFF khi đó là ông Lê Hùng Dũng ban đầu còn ủng hộ quyết định của bầu Trường, tuyên bố sẽ “bảo lưu” suất đá V-League cho V.Ninh Bình, bất cứ khi nào bầu Trường muối chơi lại. Sau đó, biết là mình… hớ, VFF của ông Dũng và VPF mới thuyết phục bầu Trường đừng giải tán đội, nhưng đã muộn!
Trước đó chỉ 1 năm, không đồng ý với quyết định trừ điểm từ phía VFF, do có những “biểu hiện bất thường” trong trận đấu trên sân của Kiên Giang tại V-League, XM Xuân Thành Sài Gòn tuyên bố “xù” giải đấu, giải thể luôn đội bóng.
Từ trước nữa, XM Xuân Thành Sài Gòn luôn là một trong những đội bóng ồn ào nhất bóng đá nội. Họ cứ đòi nghỉ rồi lại đá, đá ít lâu lại đòi nghỉ, cho đến khi nghỉ luôn vào thời điểm đã nêu ở trên, sau khi ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ đã cảm thấy… chán.
1 năm trước khi XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ bóng đá, một đội bóng khác cũng đóng quân tại TPHCM là Navibank Sài Gòn cũng giải thể, vì hết tiền và vì những dự án mà họ nhắm vào với ý định đổi chác từ bóng đá không thành hiện thực.
“Tại anh hay tại ả?”
Lật lại toàn bộ hoạt động hình thành của CLB Navibank Sài Gòn, người ta mới chợt nhận ra rằng chuyện đội này giải tán là chuyện trước sau gì cũng đến. Họ gần như không có lịch sử, được chuyển giao suất đá V-League từ đội bóng đá Quân khu 4, chuyển thẳng “hộ khẩu” từ thành Vinh vào TPHCM, tồn tại chỉ được 3 năm với biết bao ồn ào rồi đoạt tuyệt với bóng đá.
Còn nhiều, nhiều nữa những vụ bỏ giải, giải thể đội bóng rồi đột ngột biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, như HP Hà Nội năm 2011, Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn năm 2009…
Vấn đề là với bóng đá Việt Nam, các đội bóng dù gắn mác chuyên nghiệp nhưng thay tên đổi chủ rất dễ, kiếm suất thi đấu tại V-League không khó, và cũng chẳng ở đâu tồn tại hiện trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” như tại V-League, nhưng mãi không giải quyết được. Thậm chí những nhà điều hành giải lẫn những nhà điều hành bóng đá nội còn nới lỏng quy định, để các ông bầu và nhiều CLB có thể lách luật.
Bầu Đệ không ít lần khiến VFF và VPF "lên ruột" |
Ví dụ như đội mới nhất đòi giải, sau đó lại xin không bỏ là Thanh Hoá, cùng 3 đội nữa gồm Hải Phòng, SL Nghệ An và Nam Định lẽ ra không đủ tiêu chuẩn dự V-League 2020, do không đáp ứng được các tiêu chí mà AFC đưa ra để hoạt động như một CLB bóng đá chuyên nghiệp.
Nhưng trước khi mùa giải năm nay khởi tranh, thay vì “siết” để các CLB đấy vào khuôn, vào khổ, VFF và VPF lại “nới”, đặc cách cho 4 đội này dự V-League. Kết quả thì đã biết, tức CLB bóng đá Thanh Hoá đòi bỏ để yêu sách với VFF và VPF, với công văn đòi giải được ký bởi bầu Đệ, đòi bỏ giải năm nay rồi ung dung tuyên bố chờ V-League năm sau sẽ đá lại.
Cũng không phải lần đầu bầu Đệ khiến bóng đá nội lao đao. Vài năm trước ông Đệ từng khiến VPF và giải V-League dậy sóng vì những phát biểu và những tuyên bố tương tự. Nhưng gần như không có bất cứ bài học kinh nghiệm nào được các nhà tổ chức và những nhà điều hành bóng đá nội rút ra.
Giải đấu vẫn tồn tại theo dạng chuộng số lượng hơn chất lượng, bất chấp hàng loạt khuyến cáo cần “tinh” hơn cần “đa”. Mà số lượng các đội càng nhiều, thì sự phụ thuộc vào các ông bầu càng lớn, trong khi không phải ông bầu bóng đá nào đến với bóng đá cũng vô tư, theo kiểu vì yêu mà đến, không phải ông bầu bóng đá nào cũng… chung thuỷ với bóng đá!
Tác giả: Thiện Nhân
Nguồn tin: Báo Dân trí