Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bài thuốc cấp cứu ngộ độc lá ngón ở miền Tây Nghệ An

Đại úy Lê Anh Đức, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ đã cùng đồng đội nghiên cứu ra bài thuốc chống ngộ độc lá ngón hiệu quả từ kiến thức được học và các kinh nghiệm dân gian.

 Quân y Đồn biên phòng Tri Lễ cấp cứu nạn nhân ngộ độc lá ngón.

Miền Tây Nghệ An hầu như năm nào cũng có người ăn lá ngón tự tử. Nhiều người đã mất đi mạng sống vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Những năm gần đây, tình trạng này cũng chưa có dấu hiệu giảm đi. Những người tìm đến lá ngón còn “trẻ hóa” khiến nhiều cái chết đau lòng xảy ra.

Theo thống kê của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn xảy ra 15 vụ tự tử bằng lá ngón, trong đó cứu được 9 người, tử vong 6 người. Xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn từ cuối năm 2019 đến nay có 15 người tự tử bằng lá ngón, cứu được 10 người, tử vong 5 người. Con số này phần nào nói lên vấn nạn sử dụng lá ngón để “giải thoát” khỏi các mâu thuẫn.

Không chỉ Quế Phong, các ngành chức năng 2 huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn của Nghệ An nhiều năm nay cũng chưa hết lo lắng vì tình trạng người dân dùng lá ngón tự tử.

Trước thực trạng đáng buồn trên, lực lượng quân y Đồn biên phòng Tri Lễ bằng bài thuốc dân gian của mình đã cứu sống được nhiều người. Đại úy Lê Anh Đức, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ đã cùng đồng đội nghiên cứu ra bài thuốc chống ngộ độc lá ngón hiệu quả từ kiến thức được học và các kinh nghiệm dân gian.

Với các cây thuốc có sẵn trên núi rừng, anh cùng đồng đội đã dùng thân cây chuối đập dập vắt lấy nước kết hợp nước giã từ cây rau má tươi. Sau đó, thả 1-2 con nhái sống vào hỗn hợp nước này tầm 1-2 phút rồi vớt nhái ra trước khi cho bệnh nhân uống.

Theo bác sĩ Đức, người ngộ độc lá ngón phải sử dụng hoàn toàn nước được lấy từ thân cây chuối và rau má tươi, tuyệt đối không sử dụng thêm nước lạnh hay nước sôi bởi khi có nước, chất độc sẽ ngấm nhanh hơn vào nội tạng của người bệnh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được sử dụng thêm thuốc Tây để điều trị.

Theo nghiên cứu của các chiến sỹ quân y, trong nước thân cây chuối hoặc nước rau má tươi có chất ức chế chất độc của lá ngón. Khi đổ hỗn hợp nước này vào dạ dày bệnh nhân phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn ra hết.

Con nhái sống được dùng để lấy chất tanh, kích thích cho bệnh nhân nôn ra hết những thứ trong dạ dày. Trường hợp không tự nôn được, phải dùng tay hoặc thiết bị y tế để rửa ruột, dạ dày cho người bệnh.

Việc cứu sống bệnh nhân tùy thuộc vào việc chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể hay chưa. Quan trọng nhất là loại bỏ được chất độc trong cơ thể bệnh nhân càng sớm càng tốt. Với bài thuốc cấp cứu ngộ độc lá ngón, bác sĩ Lê Anh Đức đã cứu trị kịp thời cho trên 20 người từ năm 2016 đến nay.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đã phổ biến cho các đồn biên phòng trong tỉnh. Nhiều đơn vị đã dùng bài thuốc này để cấp cứu, điều trị thành công cho nhiều người bị ngộ độc lá ngón... Từ đầu năm 2020 đến nay quân y của đồn đã cứu sống được 4 người từ bài thuốc này.