Trúc Nhi, Diệu Nhi cười đùa tỉnh táo
- 10:04 29-07-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tối 28/7, cho biết, ngày thứ 12 hậu phẫu, Trúc Nhi và Diệu Nhi chỉ cần hỗ trợ hô hấp thông thường, ăn sữa tốt, lanh lợi, thoải mái cười đùa.
Trúc Nhi (bên trái) và Diệu Nhi tỉnh táo, biết cười đùa, giận dỗi khi ba mẹ tới thăm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Giai đoạn hậu phẫu, Diệu Nhi ổn định hơn, hết sốt và cai máy thở trước. Hôm nay, bé đã không sốt tròn một tuần, thở oxy qua ống thông mũi, với nồng độ oxy thấp. Bé dễ chịu và hợp tác tốt vật lý trị liệu.
Tầng sinh môn của Diệu Nhi và các vết thương ở phần bụng, hông đã khá khô ráo, kết quả cấy vi sinh đều âm tính. Diệu Nhi không cần phải nuôi dinh dưỡng qua tĩnh mạch nữa mà được uống sữa thông thường đủ nhu cầu. Mỗi ngày em uống 6-8 cữ sữa, từ 100-120ml một lần.
Còn Trúc Nhi, các bác sĩ rút ống nội khí quản sáng 28/7, em được hỗ trợ thở máy không xâm lấn. Vùng bụng của Trúc Nhi đã tạm ổn, tầng sinh môn thấm dịch ít hơn, và vết thương ở khung chậu khá khô.
Bé dung nạp tốt lượng sữa tập ăn, tiêu hóa ổn. Mỗi cữ sữa, bé uống được 20-40 ml. Sau cai thở máy, Trúc Nhi rất tỉnh táo và hoạt bát.
Trước đó, hai bé đã được tháo bột chân dần dần, quá trình này diễn ra thuận lợi. Bàn chân và ngón chân các bé cử động thoải mái hơn sau những ngày đầu hậu phẫu.
Hoàng Diệu Nhi và chị gái Hoàng Trúc Nhi là cặp chị em song sinh 13 tháng tuổi đặc biệt nhất Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Hai bé được phát hiện dị tật bẩm sinh, dính liền vùng bụng chậu ở tuần thai thứ 16. Vùng bụng chậu dính tương đối phức tạp, thông nối nhiều mạch máu, chung một số bộ phận, vị trí các cơ quan bất thường. Cha mẹ hai bé rất sốc khi đón nhận tin nhưng quyết tâm giữ để hai con có cơ hội chào đời.
Các bé có đầu, cổ, tứ chi đầy đủ nhưng chỉ có một dây rốn. Toàn phần bụng chậu dính liền, theo tư thế "mặt đối mặt" kiểu Ischiopagus Tetrapus, chỉ chiếm 6% trong các cặp sinh đôi dính liền trên thế giới. Trường hợp này giống cặp song sinh Nguyễn Đức - Nguyễn Việt, ca mổ tách dính song sinh đầu tiên ở Việt Nam năm 1988.
Hai chị em được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lên phương án đón, điều trị bệnh lý và nuôi dưỡng sau sinh bài bản. 13 tháng tuổi, các điều kiện sức khỏe phù hợp, 93 nhân viên y tế đã tham gia mổ tách dính cho hai em.
Ngày 15/7, trong 13 giờ, mỗi bé trải qua bốn ca đại phẫu liên tiếp, tách dính, tạo hình đường tiêu hóa, đường tiết niệu, khung xương chậu và tầng sinh môn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cuộc mổ dài này là "điều kỳ diệu", chính thức mang lại cuộc đời độc lập, bình thường cho hai bé gái. Bà hy vọng các em trưởng thành khỏe mạnh, đóng góp cho xã hội.