Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thương cảnh người mẹ khờ đơn thân, đứa con trai không biết bố mình là ai

Sinh ra Huân không biết bố là ai, lại mắc chứng động kinh từ nhỏ nên bao năm qua đứa trẻ đáng thương này cùng người mẹ khờ khạo của em, sống lay lắt trong căn nhà sàn rách nát.

Trên đoạn đường từ trụ sở UBND xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên về xóm Bản Cái, ông Nguyễn Quang Chuyền - Trưởng xóm Bản Cái tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh vô cùng éo le của mẹ con chị Nguyễn Thị Ngát.

 Cậu bé này (em Nguyễn Quốc Huân, SN 2004) bị mắc chứng động kinh từ lúc 1 tuổi

Nhà chị Ngát là hộ nghèo nhiều năm nay. Đứa con trai 16 tuổi của chị không may bị bệnh tâm thần từ nhỏ, cứ vài ngày thằng bé lại lên cơn động kinh. Nhiều lần bà con hàng xóm thấy cháu nó giãy giụa ngoài đường thì đưa về nhà.

Chị Ngát thì khờ khạo, chậm chạp nên cuộc sống của 2 mẹ con vẫn phải nhờ cậy bố mẹ. Nhưng 2 cụ cũng đã ngoài 70 rồi, sức khỏe yếu nên dù có thương con, thương cháu lắm thì 2 cụ cũng lực bất tòng tâm. Giờ 2 cụ chỉ mong có thể gửi cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nào đó, thì 2 cụ mới đỡ lo…”, ông Chuyền cho biết.

Con đường ngoằn ngoèo men theo bờ suối đưa chúng tôi đến một căn nhà sàn cũ nằm nép mình bên bìa rừng phòng hộ. Nhìn căn nhà mà mọi thứ từ cột, kèo, sàn nhà,… đều đã cũ mục, chỉ cần một trận mưa có thể ngôi nhà không thể trụ vững.

 Đã có lần Huân chết hụt vì lên cơn động kinh rồi ngã xuống suối

Ngồi thẫn thờ bên khung cửa sổ mốc thếch, gương mặt chị Nguyễn Thị Ngát (SN 1965) không giấu được vẻ bồn chồn, lo lắng. Có lẽ nhận thấy được cảm xúc của chúng tôi lúc này, bà Nguyễn Thị Giao, (73 tuổi, mẹ chị Ngát) cho biết:

“Đêm qua mưa lớn lũ suối, mà thằng bé đi đâu từ sáng chưa thấy về, chúng tôi lo lắm. Bây giờ đang nhờ người đi tìm nó. Sợ mẹ nó nghĩ quẩn, nên tôi với ông nhà tôi phải sang trông chừng…”.

 

 

 Căn nhà sàn của mẹ con chị Ngát đã quá cũ nát, năm 2019 bà con trong xóm phải xúm vào lợp lại phần mái lá mục nát

Nhìn khuôn mặt đờ đẫn của cô con gái, bà Giao không khỏi đau lòng. Đưa vạt áo lên chấm những giọt nước mắt vừa rỉ ra nơi khóe mắt, bà Giao kể:

Vốn ngờ nghệch, chậm chạp nên tuổi thanh xuân của chị Ngát cứ thế trôi đi mà không có người đàn ông nào để ý đến. Năm chị Ngát 39 tuổi, bà Giao thấy bụng con gái cứ lớn dần sau nhiều ngày chăn trâu trên rừng trở về. Vừa giận vừa mừng, bà Giao tự nhủ, “thôi thì cũng coi như trời ban cho nó đứa con, để nó còn có chỗ trông cậy về sau…”.

Nhưng, số phận thật trớ trêu, ngày chị Ngát trở dạ sinh bé Nguyễn Quốc Huân (năm 2004) trời bất ngờ nổi mưa giông. Những cơn mưa rừng như trút nước xuống suốt dọc đường chị Ngát lên bệnh viện sinh con, như dự báo một cuộc đời đầy giông tố đang chờ đợi đứa trẻ ở phía trước.

 Gương mặt đờ đẫn, thất thần của người mẹ, khi đứa con trai mang bệnh tâm thần không có ở nhà

“Ngay từ lúc sinh ra, thằng bé đã phải nằm lồng kính vì khó thở, dù cháu nó đủ tháng đủ ngày. Về nhà được vài hôm, thì tôi lại phải đưa cháu vào viện vì viêm phổi. Hết viêm phổi lại tiêu chảy. Mấy tháng đầu đời của cháu nó, cứ hết ra viện được vài hôm rồi lại vào viện vì không chứng này thì bệnh nọ.

Những ngày ấy, chúng tôi đã ngỡ không giữ được cháu nó, nhưng trời thương cháu tôi vẫn được làm người. Cứ tưởng thằng bé cứ thế khỏe mạnh mà lớn lên, nhưng không ai ngờ sau đó cháu nó lại phát bệnh oái ăm…”, bà Giao nghẹn ngào nói.

Khi bé Huân được 1 tuổi, thỉnh thoảng bà Giao thấy cháu tự dưng ngã lăn ra, cứ ngỡ cháu đang tập đi nên ngã. Về sau thấy mỗi lần bé ngã lại giãy giụa rồi sùi cả bọt mồm, bọt mép. Lo sợ, ông bà lại đưa Huân đi bệnh viện. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, thì bác sĩ cho biết Huân mắc chứng động kinh.

 Bữa ăn chỉ có nước mắm với bát canh rau rừng lõng bõng của 2 mẹ con chị Ngát

Kể từ đó, cuộc sống của mẹ con Huân là những chuỗi ngày nhọc nhằn và sự lo lắng luôn thường trực của ông bà ngoại. Bởi, mỗi khi không thấy đứa cháu bệnh tật ở nhà, là mọi người lại tá hỏa đi tìm, vì Huân có thể lên cơn động kinh bất cứ lúc nào. Đã có lần Huân lên cơn ngã xuống suối, may có người làng nhìn thấy nên em thoát chết trong gang tấc.

Những năm trước, dù khờ khạo, chậm chạp nhưng ai thuê gì thì chị Ngát còn sức để làm. Thời gian gần đây, sức yếu chị Ngát không làm gì được nữa. Năm 2018 có đoàn từ thiện về xã khám bệnh miễn phí, thì thấy chị Ngát bị bướu cổ đa nhân. Nhưng không có tiền chữa trị, hiện mỗi khi ăn cơm hay uống nước chị Ngát thường bị vướng nghẹn ở cổ.

Không có thu nhập nào khác ngoài khoản tiền trợ cấp xã hội 810 ngàn đồng/tháng của 2 mẹ con, nên bao năm qua mẹ con người phụ nữ tội nghiệp này luôn sống lay lắt trong đói nghèo, cơ cực.

 Ông bà ngoại ngày càng già yếu, người mẹ thì khờ khạo, lo sợ có điều không hay xảy đến với đứa cháu, bà Giao mong muốn gửi Huân vào một Trung tâm Bảo trợ xã hội

Đã quá trưa sang chiều, sau gần nửa ngày bồn chồn lo lắng cho tính mạng đứa trẻ, cuối cùng mọi người cũng thở phào nhẹ nhõm khi Huân được một người hàng xóm đưa về nhà.

Vừa dỗ dành đứa cháu tội nghiệp ăn từng thìa cơm chỉ với nước mắm và canh rau rừng lõng bõng. Lại hướng ánh mắt cầu khẩn về phía chúng tôi, giọng bà Giao như van nài: “Vợ chồng tôi đã già yếu rồi, mẹ nó thì ngốc nghếch như thế. Mong các bác, các cô thương cháu nó với”.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Ngát.

Xóm Bản Cái, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

ĐT 0976394365 ( số của ông Thơm là bố đẻ chị Ngát)