Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhân viên ngân hàng "trong mơ": Hưởng lương hơn 30 triệu đồng/tháng mùa dịch Covid-19

Là một trong những ngân hàng chi trả thu nhập cao nhất cho nhân viên, Vietcombank chủ trương không cắt giảm lương của nhân viên vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nếu cắt giảm sẽ giảm lương của lãnh đạo.


Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 mới công bố của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) cho thấy, , trong kỳ nhà băng này đã chi tới 4.308 tỷ đồng chi phí cho nhân viên, tăng nhẹ so với mức 4.275 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi lương và phu cấp 3.959 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại ngày 30/6, số lượng nhân viên của Vietcombank đã chính thức vượt con số 20.000 người (20.115 nhân viên). So với hồi cuối năm 2019, số lượng nhân viên của Vietcombank đã tăng 1.166 nhân viên. Cuối năm 2019, ngân hàng có 18.948 nhân viên.

 Mỗi nhân viên Vietcombank bình quân đem về 93 triệu đồng lợi nhuận/tháng

Tính bình quân, lương và phụ cấp của nhân viên Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2020 ước khoảng 33,8 triệu đồng, giảm gần 2 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện ngân hàng nằm trong nhóm chi trả thu nhập cao cho cán bộ nhân viên, là một trong các ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất.

Trước câu hỏi của cổ đông liệu ngân hàng có cắt giảm chi phí nhân viên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không, ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank khẳng định ngân hàng cố gắng kiểm soát để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới hoạt động của Vietcombank và chủ trương là không cắt giảm lương của người lao động, nếu cắt giảm thì sẽ giảm của lãnh đạo.

Được biết, Vietcombank dự kiến tăng 12% nhân sự trong năm 2020 này. Chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm lương năm 2020 dự kiến là 37%, cao hơn so với mức 27% năm 2019.

Trước đó, trong năm 2019, Vietcombank cũng đặt mục tiêu tăng nhân sự không quá 12% nhưng thực tế chỉ tăng 10,1%.

Sau 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 11.000 tỷ đồng. Như vậy, với mức lợi nhuận này, bình quân mỗi nhân viên của Vietcombank làm ra 93 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng, gấp khoảng 2,7 lần lương và phụ cấp bình quân.

Về kết quả kinh doanh, nhìn chung, hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong quý II và 6 tháng đầu năm hầu như xấp xỉ cùng kỳ.

Tính riêng trong quý II, thu nhập lãi thuần của Vietcombank thậm chí giảm 6% so với cùng kỳ, chỉ còn 8,077 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng 7% lên mức 1,156 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đem về khoản lãi tăng đến 78% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 33 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác lại giảm 63% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 286 tỷ đồng.

Trong quý II này, chi phí hoạt động của Vietcombank giảm 23% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 1,856 tỷ đồng. Kết quả làm cho lợi nhuận trước và lãi ròng trong quý đạt 5,759 tỷ đồng và 4,610 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, “nồi cơm chính” lãi thuần của Vietcombank hầu như không tăng trưởng khi chỉ đem về 17,111 tỷ đồng, đồng thời hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 6% với số lãi 2,283 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 84 tỷ đồng do chi phí mua bán chứng khoán kinh doanh gấp 3.6 lần kỳ trước. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 31%.

Chi phí hoạt động giảm nhẹ 5% (8,028 tỷ đồng) và chi phí dự phòng rủi ro tin dụng tăng 21% (4,009 tỷ đồng). Do đó, lợi nhuận trước thuế và lãi ròng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 10,982 tỷ đồng và gần 8,788 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối tháng 6 ở mức 1,185 triệu tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Cho vay khách hàng trước dự phòng hơn 770.744 tỷ đồng, tăng 5%.

Cuối tháng 6, nợ xấu của ngân hàng là 6.433 tỷ đồng đồng, tăng 630 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%.

Đáng chú ý, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng khá mạnh, lần lượt tăng 58% và 56% lên 1.086 tỷ đồng và 919 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng gấp 3 lần so với đầu năm lên hơn 7.700 tỷ đồng.

Tác giả: Mai Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn