Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cựu Thanh niên xung phong hy sinh 52 năm chưa được công nhận liệt sỹ.

Sau hơn 52 năm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, nhưng đến nay chị Hoàng Thị Tâm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ, vì Chủ tịch Hội TNXP huyện không hiểu và làm sai chính sách của Đảng và Nhà nước

Tham gia lực lượng Thanh niên xung phong năm 1965, chị Hoàng Thị Tâm, hy sinh năm 1968 trong khi phục vụ chiến đấu. Tên của chị được ghi là Liệt sỹ trong sổ vàng truyền thống của Lực lượng TNXP; chị có tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh để mọi người tưởng niệm. Thế nhưng, đến nay sau hơn 52 năm hy sinh, chị vẫn chưa được công nhận liệt sỹ.

Truyền thống một gia đình có Bảng gia đình vẻ vang

Cụ Hoàng Phạm Hợi (mất năm 1991), nguyên là cán bộ lãnh đạo địa phương và vợ là cụ Nguyễn Thị Huê, (mất năm 2004), có 4 người con gồm 3 trai, 1 gái. Người con trai đầu Hoàng Phạm Sâm, sinh năm 1941 đi bộ đội chống Mỹ sau phục viên về quê mất năm 2005. Người con thứ hai là Hoàng Thị Tâm, tham gia Thanh niên xung phong năm 1965, hy sinh năm 1968. Người con thứ 3 là Hoàng Phạm Tỵ, sinh năm 1952, năm 1970 tham gia bộ đội chống Mỹ hiện phục viên đang sinh sống tại quê. Người con thứ 4 là Hoàng Phạm Hòa, sinh năm 1957, tham gia lực lượng Công an nhân dân đến năm 1985 thì xuất ngũ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gia vợ chồng cụ Hợi đã có 4/4 người con tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ghi nhận những đóng góp cho cách mạng, cụ Hoàng Phạm Hợi được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, gia đình ông bà được thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì, được Chủ tịch nước thưởng Bảng gia đình vẻ vang.

Ông Tỵ và ông Hòa kể về người chị gái của mình Hoàng Thị Tâm. Mặc dù có anh trai đang tại ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhưng năm 1965 vừa tròn 18 tuổi, chị chúng tôi vẫn viết đơn xung phong lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Chị được biên chế vào Đội 85, đại đội 203 thuộc lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An. Tháng 6/1968 trong một lần mở đường, chị bị bị thương do bom Mỹ đánh và được đơn vị chuyển đến Bệnh viện đường sắt đóng tại xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa điều trị. Do vết thương quá nặng ngày 11/6/1968 chị Tâm đã hy sinh và được an táng tại nghĩa địa Mã Pheo, xã Đồng Lợi. Sau khi chị hy sinh, đơn vị báo tử về cho gia đình. Tuy nhiên do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chiến tranh loạn lạc, bố mẹ chúng tôi đã già yếu, còn ba anh em chúng tôi đang tại ngũ nên việc tìm kiếm chị Tâm có phần sao nhãng. Đặc biệt năm 1978, trận lũ lụt lịch sử đã làm ngập và cuốn trôi nhiều nhà ở xã Thanh Văn. Nhà chúng tôi tuy không bị trôi nhưng nước lũ ngập lút mái, làm hư hòng nhiều giấy tờ quan trọng trọng trong đó có giấy báo tử của liệt sĩ Hoàng Thị Tâm, chị gái chúng tôi.

Rạng danh sử sách - Ảm đạm ngoài đời.

Đến năm 2014, khu nghĩa địa chôn cất các liệt sỹ Thanh niên xung phong ở nghĩa địa Mã Pheo được các gia đình dần dần cất bốc hết, duy nhất chỉ còn lại một ngôi mộ cỏ mọc um tùm, lâu ngày không có ai thăm viếng. Trước mộ là tấm bia đá có ngôi sao vàng và dòng chữ … Hoàng Thị Tâm, 1947, xã Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An.. Với trách nhiệm với người đã khuất, UBND xã Đồng Lợi, đã liên lạc về UBND xã Thanh Văn nhờ thông báo cho gia đình biết. Thân nhân của liệt sĩ đã ra Thanh Hóa, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội Cựu TNXP xã, Ban chính sách, UBND xã Đồng Lợi đã họp các nhân chứng và xác nhận như sau: " Mộ liệt sỹ Hoàng Thị Tâm, Sinh năm 1947, quê quán, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Là TNXP đường sắt phía Nam, bị bom Mỹ khi làm nhiệm vụ. Bị thương nặng về điều trị tại Bệnh viện đường sắt đóng tại xã Đồng Lợi. Đã từ trần ngày 11/6/1968 được đơn vị và bệnh viện đường sắt tổ chức khâm liệm và chôn tại nghĩa địa Mã Pheo xã Đồng Lợi từ năm 1968 đến nay gia đình mới tìm được mà lâu nay chưa có ai tìm đến". Thương chị nằm một mình lãnh lẽo ngoài đồng, ông Hòa, ông Tỵ rất muốn đưa chị về quê, nhưng hai ông vẫn hy vọng một ngày không xa chị Tâm sẽ được công nhận liêt sỹ, khi đó gia đình sẽ long trọng đưa chị về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã. Ngoài bia mộ ở xã Đồng Lợi ghi rõ tên liệt sĩ Hoàng Thị Thị Tâm thì trong cuốn sách "Thanh niên xung phong Nghệ An- Những mốc son chói lọi"; phần " Danh sách Liệt sỹ TNXP Nghệ An'' có 373 liệt sỹ, có tên Liệt sỹ Hoàng Thị Tâm đứng hàng thứ 60 trong danh sách. Tại khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, tên liệt sỹ Hoàng Thị Tâm cũng có trong nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ.

Rạng danh sử sách, lưu danh liệt sỹ trong nhà tưởng niệm… nhưng ngoài đời ngôi mộ Hoàng Thị Tâm nhỏ bé, nằm lẻ loi giữa đồng không mông quạnh và đến nay sau 52 năm hy sinh cái tên Liệt sỹ ngoài đời đối với người đã hy sinh vì nước còn xa xôi lắm, đau xót lắm.

 Ông Ty và ông Hòa là em của bà Hoàng Thị Tâm

Hành trình 6 năm tìm chân lý cho cựu TNXP.

Sau khi có được thông tin, được sự hướng dẫn nhiệt tình của Hội TNXP xã, Ban chính sách và UBND xã Thanh Văn, ông Hòa, ông Tỵ đã làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ cho chị Hoàng Thị Tâm. Hồ sơ làm 3 bộ sau khi có xác nhận của Hội đồng chính sách xã Thanh Văn, ông Hòa đã giửi hồ sơ cho ông Nguyễn Xuân Đạm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thanh Chương. Hồ sơ gửi năm 2014, đến năm 2016 thì ông Đạm yêu cầu bổ sung hồ sơ, ông Hòa đã bổ sung đầy đủ nhưng đến năm 2020 vẫn không thấy hồi âm.Do bức xúc vì phần mộ của chị Tâm nằm một mình lãnh lẽo ngoài đồng, UBND xã Đồng Lợi đôn đốc cất bốc để quy hoạch vì cả khu đất rộng nay chỉ còn một ngôi mộ nên ông Hòa thường xuyên lên hỏi chính quyền địa phương. Xã Thanh Văn đã nhiều lần lên gặp ông Đạm để biết hồ sơ vướng mắc chỗ nào để cùng nhau tháo gỡ nhưng lần nào ông Đạm cũng viện lý do này đến lý do khác.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch hội TNXP huyện Thanh Chương cho biết " Hiện tại Hội Cựu TNXP huyện Thanh Chương đang có 6 bộ hồ sơ Cựu TNXP đề nghị cấp trên xem xét công nhận Liệt sỹ TNXP thời kỳ chống Mỹ , tuy nhiên chỉ có 1 bộ hồ sơ của bà Tâm là có tên liệt sỹ trong sổ vàng truyền thống và trong nhà thờ liệt sỹ TNXP ở ngã ba Đồng Lộc. Theo ông Đạm, Chủ tịch hội trao đổi lại thì bộ hồ sơ của bà Tâm thiếu 2 điều kiện là: 1. Phải có người làm chứng khi đưa bà Tâm từ chỗ bị thương đến bệnh viện. 2, Phải có xác nhận của Bệnh viện đường sắt Thanh Hóa thời kỳ đó…”.

Việc trả lời của ông Đạm như trên là không đúng với chính sách người có công của Nhà nước đã ban hành tại Khoản 11, Điều 4, Thông tư số 05, ngày 15-5-2013, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Điều 3, Thông tư liên tịch số 28 ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, thì “Người hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước được ghi là liệt sĩ trong Bảng gia đình vẻ vang, lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên đã được thẩm định, xuất bản; người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước là đủ căn cứ xác nhận liệt sĩ”

 Tên liệt sĩ Hoàng Thị Tâm trong cuốn lịch sử TNXP tỉnh Nghệ An

Như vậy liệt sĩ Hoàng Thị Tâm đủ điều kiện để được suy tôn và công nhận là liệt sĩ. Gia đình ông Tỵ, ông Hòa nộp hồ sơ đến Hội Cựu TNXP huyện, Huyện hội phối hợp cùng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương để được giải quyết theo pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho gia đình sớm đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Đó là việc làm thiết thực theo đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn đền ơn đáp nghĩa” trong tháng 7, Tháng đền ơn đáp nghĩa, tri ân các người con đã ngã xuống vì tương lại tươi sáng của dân tộc.

Tác giả: Hữu Mai - Nghiêm Thị Hằng

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn