Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ đoạn vòi tiền trắng trợn của nữ trưởng đoàn thanh tra

Nữ trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng không hề úp mở mà “lật bài ngửa” với doanh nghiệp rằng muốn bỏ qua vi phạm thì phải nộp tiền.

Như PLO đã đưa tin, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bốn bị can trong vụ thành viên đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vòi tiền xảy ra tại địa phương này.
Bốn người bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng), Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 3), Đặng Hải Anh (chuyên viên phòng Thanh tra xây dựng 2) và Nguyễn Thị Thùy Linh (thành viên đoàn thanh tra).

 Bị can Nguyễn Thị Kinh Anh. Ảnh: http://vinhtuong.vinhphuc.gov.vn

Muốn bỏ qua lỗi thì nộp tiền

Theo cơ quan công tố, nhóm bị can đã chiếm đoạt số tiền hơn hai tỉ đồng từ các doanh nghiệp. Trong đó, cá nhân Nguyễn Thị Kim Anh chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định đối tượng thanh tra thực tế là các dự án do UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư từ 7 tỉ đồng trở lên. Tuy vậy, Kim Anh cùng các đồng phạm đã tiến hành kiểm tra hơn 160 dự án, trong đó nhiều dự án cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư, có mức đầu tư dưới 7 tỉ đồng.

Quá trình lập biên bản kiểm tra, xác minh các dự án của UBND cấp xã, Kim Anh nói với Hải Anh rằng “khi xác định vi phạm, nếu đơn vị nào có quà biếu đề nghị xem xét giảm nhẹ thì cứ nhận và xem xét giảm nhẹ cho họ, người nhận trực tiếp được chia 1/3”.

Sau khi nhận được dự thảo biên bản làm việc, các nhà thầu đã tìm gặp đoàn thanh tra để bổ sung hồ sơ. Vậy nhưng, Kim Anh và Hải Anh đưa ra các lý do để gây khó khăn cho doanh nghiệp, dọa nếu không thừa nhận vi phạm sẽ yêu cầu nhà thầu xuống trụ sở Thanh tra Bộ Xây dựng để giải trình.

Do đó, một số nhà thầu, chủ đầu tư tới gặp, mong muốn đoàn thanh tra “tạo điều kiện”. Hai bị can này "lật bài ngửa" yêu cầu doanh nghiệp nếu muốn giảm nhẹ hoặc bỏ lỗi vi phạm ra khỏi dự thảo thì phải đưa tiền.

Khi trao đổi về số tiền phải nộp, Kim Anh và Hải Anh đều viết ra giấy hoặc đánh số trên máy tính đưa cho họ xem rồi xóa, rất ít khi nói bằng lời để tránh việc bị ghi âm.

 Trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường. Ảnh: http://vinhtuong.vinhphuc.gov.vn

“Nộp đi cho xong việc”

Đáng chú ý, nội dung cáo trạng cho thấy các bị can thuộc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã vô cùng trắng trợn trong việc yêu cầu bị hại phải đưa tiền cho mình.

Điển hình, tại xã Tân Tiến, kế toán được chủ tịch UBND xã này giao nhiệm vụ đến giải trình với đoàn thanh tra. Tuy nhiên, khi kế toán bày tỏ không đồng tình với các lỗi mà đoàn thanh tra chỉ ra, Kim Anh thẳng thừng yêu cầu muốn được giảm nhẹ thì nhà thầu phải nộp tiền 5% giá trị hợp đồng tư vấn, 1,5% giá trị hợp đồng thi công.

Bức xúc, chủ tịch UBND xã Tân Tiến phải thốt lên rằng hành vi này không thể chấp nhận được, “khác gì đe dọa nhà thầu phải nộp tiền”, do đó ông này đã làm đơn trình báo cơ quan công an.

Hay như trường hợp ông Trương Quang Bảy, giám đốc công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Sơn Tùng, doanh nghiệp bị đoàn thanh tra kiểm tra tại 14 dự án do mình làm nhà thầu.

Khi ông Bảy đến gặp Kim Anh và đặt vấn đề muốn được giải trình, bị can này từ chối và nói “Giờ này còn giải trình gì nữa, đơn vị nào cũng thế thôi, nộp đi cho xong việc”. Tiếp đó, Kim Anh viết vào tờ giấy số 106, hàm ý là công ty phải nộp 106 triệu đồng.

Sau một hồi mặc cả, nữ bị can đồng ý nhận 95 triệu đồng của doanh nghiệp trên.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc công ty TNHH xây dựng Bảy Tùng. Ông này đến gặp Hải Anh để giải trình thì được bị can yêu cầu nộp 60 triệu đồng. Do doanh nghiệp than khó, Hải Anh đồng ý giảm giá xuống còn 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi đưa tiền, ông Tùng chỉ đưa 40 triệu đồng nên Hải Anh không đồng ý. Ông Tùng khai phải xuống xe ô tô lấy thêm 10 triệu nộp cho đủ. Ngược lại, Hải Anh lại khai ông Tùng đưa tiền một lần, khi kiểm đếm thì chỉ có 41 triệu đồng chứ không đủ 50 triệu đồng.

Cần một bản án thật nghiêm khắc

VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá hành vi phạm tội của các bị can là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của các cá nhân, đơn vị, tổ chức.

Hành vi này còn gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với ngành thanh tra, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đặc biệt các bị can lại là người đang thực hiện công vụ trong phòng chống tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Riêng Nguyễn Thị Kim Anh, vì động cơ vụ lợi, bị can đã bất chấp pháp luật, là người chủ mưu, chỉ đạo, tổ chức thanh tra tràn lan, không đúng đối tượng, đề ra yêu cầu các đơn vị thu hồi số tiền trái quy định pháp luật, trực tiếp tuy hiếp, cưỡng ép các đơn vị bị thanh tra phải nộp tiền để bỏ qua vi phạm hoặc không bị yêu cầu thu tiền, quy định mức tiền phải nộp và tỷ lệ ăn chia...

Do vậy, cơ quan tố tụng cần phải xử lý đối với bị can bằng một bản án thật nghiêm khắc để giáo dục, cải tạo người phạm tội, răn đe phòng ngừa chung với các hành vi tham nhũng.

Tác giả: T.PHAN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP. HCM