Những đại gia Việt bỏ cuộc sống giàu sang để lên núi ở ẩn và đi tu
- 16:49 21-07-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Vua cà phê" Trung Nguyên lên núi ở ẩn - tự xưng là "Qua"
Nhắc tới các đại gia lên núi ở ẩn không thể không nhắc tới “Vua cà phê” Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông xuất hiện gần đây với cách ăn mặc như một tu sĩ, tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em".
Hồi cuối năm 2013, ông chủ cà phê Trung Nguyên đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm gần chục người tại núi M’drăk, Đăk Lăk.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ăn mặc như một tu sĩ, tự xưng là "Qua" |
Chia sẻ với báo chí vào thời điểm ấy, ông Vũ cho biết, ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.
Có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập thương hiệu và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới mang tên Trung Nguyên Legend chiều tối 16/6/2018, ông chủ Trung Nguyên ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, hai tay chắp lưng. Ông tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em".
Ông khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
"Những người không hiểu những gì Qua dạy thì phải tận lực, nếu không sẽ trở thành những con người buôn bán, từ đó không thể buôn bán vượt trên những tập đoàn khác và không thể đi xa được", ông Vũ nói.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen – Pháp danh Hoằng Lược
Ngày 9/7 vừa qua tại Tổ đình Viên Minh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã thực hiện nghi lễ quy y Tam bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen có Pháp danh là Hoằng Lược |
Mới đây, thông tin từ website của Tập đoàn Hoa Sen cho biết tại Tổ đình Viên Minh, ông Lê Phước Vũ đã đảnh lễ tác bạch xin Đức Pháp chủ chứng minh, làm phép xuất gia (tức nghi thức xuất gia tượng trưng) cho ông và cho phép ông 8 năm sau, sau khi giải quyết ổn thỏa công việc của tập đoàn Hoa Sen ông mới chính thức xuất gia được.
Đại đức Thích Như Kiên cũng cho biết, trước đây ông Lê Phước Vũ thọ trì tam quy ngũ giới với pháp danh Hoằng Lược.
Theo chia sẻ của ông Vũ trên tạp chí Văn hóa Phật giáo, gia đình ông có truyền thống theo đạo Phật, bà nội của ông Vũ là người xuất gia từ năm 1972 theo phái khất sĩ. Tiếp theo ba ông cũng theo đạo Phật.
Thuở nhỏ, vị doanh nhân này sống theo tín ngưỡng gia đình. Lúc đó đạo Phật đối với ông Vũ mang tính tín ngưỡng nhiều hơn là sự tỏ ngộ tâm linh và một sự thấu hiểu, quán triệt tinh thần về tâm linh.
8 năm nữa ông Vũ sẽ xuất gia |
Năm 30 tuổi, ông Vũ quay lại với đạo Phật sau nhiều sự kiện trong đời sống. Từ đây, ông Vũ bắt đầu đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi tự vấn như Gốc rễ của thế giới đó là gì? Sự tương tác giữa con người và tâm linh là gì? Và nó tương tác qua cái gì? Sau tất cả, bản chất của thế giới tâm linh đó là gì?
"Tập đoàn Hoa Sen luôn có những cách đi riêng của mình không giống như những doanh nghiệp khác để phát triển bền vững, nhưng trên hết phải lấy đạo đức làm nền tảng. Tiêu chí của chúng tôi là trung thực-cộng đồng-phát triển. Riêng cá nhân tôi, tôi hạnh phúc vì có được những giá trị sống tốt, lại vừa làm được rất nhiều việc để giúp mọi người. Đạo Phật có câu, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn", Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ.
Năm 2018 ông Vũ quyết định lên núi sống thanh tịnh. Tại đại hội cổ đông Tập đoàn Hoa Sen ngày 14/1/2019, ông Lê Phước Vũ cho biết đang sống trên núi, nơi có cảnh sắc thần tiên. Mỗi tháng ông chỉ ghé qua Tập đoàn Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books, Pháp danh Thiện Đức
Ông Nguyễn Mạnh Hùng không chỉ là một doanh nhân mà còn là một Phật tử. Ông chia sẻ: “Tôi cũng thích những cái gì đó khác người và tính cũng hay ngang. Ví như, tự nhiên làm doanh nhân tôi lại quyết định xuất gia làm nhà sư sống đích thực với các nhà sư. Lần đầu vào năm 2010 với sư thầy Tenjanya bên Myanma, lần thứ hai lại tại đất Phật Ấn Độ và Nepal. Hay chuyện tôi quyết định nhất bộ nhất bái quanh Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật thành đạo) và Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật sinh ra). Hay chuyện đeo bình bát, chân đi đất khất thực (thực chất là ăn xin)".
Chủ tịch Thái Hà Books, ông Nguyễn Mạnh Hùng nghiên cứu về Phật giáo khi còn là sinh viên |
Ông đã tu tập khi mới ngoài 30 tuổi. Ông nghiên cứu về Phật giáo khi còn là sinh viên và đạo Phật giúp ông sống thiện, sống tốt, sống có ích, biết cho đi, không những tránh tà dâm mà còn nhắc nhở mọi người sống đức hạnh, không bia rượu mà luôn nhắc mình sống tỉnh thức, không si mê.
Nói về nghiệp quả, Tiến sĩ Hùng giải thích đơn giản rằng: Chúng ta có thân này là do nghiệp. Nghiệp được hiểu đơn giản nhất, đời thường nhất là thói quen. Nếu ta thường xuyên sống bình an, nhẹ nhàng, thanh tịnh, vô ngã vị tha thì chúng ta tạo nghiệp thiện, được sinh về các cảnh giới thiện lành, được làm chư thiên và làm người hạnh phúc.
Vì vậy sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. "Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử", ông khẳng định.
Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Thúy - Pháp danh Từ Tâm
Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Thúy, giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng, 25 tuổi lấy chồng là người Thái và chính chồng chị đã truyền cho chị sự sùng đạo của người Thái.
5 năm theo phái Thiền Tông, được hòa thượng Thích Thanh Từ đặt cho pháp danh Từ Tâm, chị nói, cuộc sống của chị dường như nhẹ nhàng và thanh thản hơn và nhờ đó công việc cũng suôn sẻ hơn, bao nhiêu nỗi truân chuyên cuộc đời dường như được hóa giải bởi triết lý sống của Đạo Phật.
“Công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng dễ dàng, mà thường lắm chông gai, phản trắc, tôi xem đó là thách thức hơn là khó khăn, và đầu óc luôn phải minh mẫn để xử lý. Nếu như trước đây thường bị hành hạ bởi những cơn đau đầu, trầm uất trong kinh doanh, có lúc uất hận mà thành ra tâm bệnh, thì giờ đây tôi có thể kiềm chế cảm xúc, bình tâm đối phó, lấy nhu thắng cương, kẻ gieo tai ương hà khắc sẽ gặp bão. Đó là luật Nhân - Quả của Đạo Phật” - chị tâm sự.
Hàng tuần, chị đều đến thiền viện tập tu, thiền, nghe Phật pháp, tụng kinh, tham gia các hoạt động từ thiện của nhà chùa. Sau một ngày làm việc vất vả, chị lại sám hối, tự kiểm điểm lại mình, những gì mình đã làm được và những gì mình còn khuyết thiếu để bổ sung. Chị không ngừng học hỏi từ công việc, từ cuộc sống, từ những người xung quanh...v..v.. bằng tâm, trí của Phật để có thể hoàn thiện mình.
Tác giả: Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn