Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giấy khen như huy chương, chỉ nên tặng vài cháu giỏi nhất lớp

“Giấy khen chỉ trở nên vô giá trị nếu được phát đại trà, vì thế không nên bỏ mà nên hạn chế, chỉ tặng thưởng cho vài ba học sinh xuất sắc nhất lớp”.

Đó là ý kiến của độc giả tên Hiếu khi bình luận dưới bài viết “Giấy khen cho học sinh là phần thưởng lỗi thời, nên bỏ”. Trong gần 100 ý kiến trao đổi về vấn đề này, nhiều người cho rằng ngành Giáo dục không nên bỏ việc tặng giấy khen cho học sinh vào cuối năm học. Hiệu quả động viên, khích lệ của giấy khen giảm mạnh là do nó bị lạm dụng, được phát cho đa số học sinh trong lớp, chứ không phải không có tác dụng gì.

Độc giả Châu Anh cho biết, hình thức khích lệ học sinh bằng giấy khen cũng được áp dụng ở các nước phát triển chứ không chỉ ở Việt Nam. Con chị đang học ở Canada và cũng nhận được nhiều giấy khen.

“Bệnh thành tích không chỉ của nhà trường đâu mà còn của cả bố mẹ. Con đi học mà cuối năm không có giấy khen là bố mẹ cũng áp lực lắm. Tổ trưởng khu phố từng hỏi tôi ‘con chỉ đạt học sinh trung bình thôi à’ vì tôi không nộp giấy khen cuối năm để khen thưởng theo yêu cầu của tổ dân phố.

Tuy nhiên xóa bỏ hoàn toàn giấy khen thì cũng không nên. Giấy khen vẫn cần thiết nhưng chỉ cho những trường hợp đặc biệt thôi. Đừng nói là trên thế giới có mỗi Việt Nam mình có giấy khen. Con tôi đang học cấp 3 ở Canada, năm nào cháu cũng nhận được rất nhiều giấy khen của các môn học khác nhau.

Với điểm bình quân trên 9.0, các cháu sẽ nhận được huy chương bạc và mời đến dự bữa sáng tại trường cùng với thầy hiệu trưởng. Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để các cháu tiếp tục phấn đấu”, Châu Anh viết.

 

Lê Ngân: Giấy khen là động lực không nhỏ về tinh thần cho các em. Các em cố gắng phấn đấu 1 năm học thì xứng đáng được nhận, còn các em chưa đạt thì lấy đó làm tấm gương để phấn đấu cho năm sau. Đã bao nhiêu thế hệ đều như thế. Không hiểu các ông học tư tưởng tiến bộ của xã hội nào, nước nào mà nêu ý kiến bỏ giấy khen?

Lê Tần: Việc học bây giờ không có giấy khen còn khó hơn ấy.

Phạm Liên: Thời buổi bây giờ rất nhiều học sinh lơ là với việc học. Có những em rất chăm chỉ học hành. Giấy khen là một chút tinh thần động viên các em đấy để cố gắng trong học tập. Tại sao lại phải đau khổ khi lại không nhận được giấy khen? Tại vì có chịu học đâu mà đòi giấy khen. Nếu mà có em nào không nhận được giấy khen thì phải biết nhìn những bạn có giấy khen mà cố gắng chăm chỉ theo, nên tôi không tán thành bỏ.

Nguyễn Lý: Xã hội phát triển như bây giờ, các em phải học nhiều thì nhiều em được giấy khen, số ít không học thì phải chịu. Tôi không tán thành bỏ giấy khen.

Lasen: Quan điểm bỏ giấy khen quá sai lầm bởi học sinh bây giờ được sự quan tâm của cả cộng đồng, cha mẹ và nhà trường nên mới có kết quả tốt như vậy. Khi các cháu đạt thành tích tốt thì nhất thiết phải có cái gì đó giống như giấy khen để lưu lại sau này, bởi giấy khen không đắt tiền hay tốn kém gì và các cháu xứng đáng được nhận. 

Còn bạn nào vì chưa học tốt nên không nhận được thì phải cố gắng. Điều đó là dĩ nhiên, không thể vì sự tổn thương của ai đó học dốt mà quên đi việc động viên các cháu đã nỗ lực trong suốt năm học. Ai cũng muốn được khen ngợi, tại sao lại nói giấy khen lỗi thời? Một tờ giấy khen thôi mà còn không có thì rút cục chúng ta dùng hình thức gì để khen các cháu?

 Bức ảnh cả lớp chỉ có 1 học sinh không được nhận giấy khen gây bão mạng những ngày gần đây.

Mặc dù khẳng định giấy khen vẫn có giá trị, nhiều bạn đọc cho rằng để phát huy tối đa giá trị đó, cần hạn chế phát tràn lan cho học sinh, vì phải ít, phải hiếm mới quý.

Hoàng Long: Giấy khen cần thiết chứ. Nhưng phải ít, phải hiếm thì mới quý, số bạn được phải ít hơn số bạn không được thì mới tạo nên sự khao khát cho học sinh, cháu nào có cũng cảm thấy thực sự hãnh diện. Chỉ cần 60% học sinh được giấy khen là giá trị của nó đã giảm mạnh rồi chứ đừng nói lớp 50 cháu thì 45 cháu có.

Nguyễn Thái Hoát: Giấy khen cho các cháu cũng như tấm giấy huân huy chương. Chỉ có điều không nên đại trà mà thôi. Ai thật xứng đáng thì cần biểu dương, chứ không nên vì sợ các cháu buồn mà ai cũng được, làm vậy các cháu thiếu cố gắng và thi đua lẫn nhau.

N.B.Tre: Ngày xưa mình học, phần thưởng và giấy khen chỉ được phát cho học sinh nhất, nhì, ba. Mình học giỏi nhất lớp cũng chỉ là học sinh tiên tiến.

Tieu Vy: Theo mình vẫn nên giữ giấy khen để tạo động lực cho các con. Bố mẹ cũng biết con mình học đến đâu và đang ở mức độ nào. Đánh giá học sinh giỏi và tiên tiến ở cấp 2 và cấp 3 thì mình thấy phản ánh đúng học lực của học sinh ở các danh hiệu. Còn cấp 1 đánh giá theo Thông tư 22 không phản ánh đúng. Con trai mình học lớp 4, lớp có 53 bạn thì đến 50 bạn được giấy khen (25 bạn xuất sắc như kiểu khen học sinh giỏi, 25 bạn khác khen vượt trội).

Mình thấy giấy khen vượt trội hay khen từng mặt rất vô lý. Chỉ cần 1 môn 9 điểm là được giấy khen rồi. Các bạn 5 môn đạt 9-10 và các bạn chỉ có 1 môn đạt 9-10 cũng được khen như nhau... Mình nghĩ nên thay đổi lại cách khen thưởng đối với học sinh cấp 1 thôi. Khen thưởng theo hình thức đang áp dụng thì quá nhiều giấy khen, nhàm thật.

Nông dân: Theo mình không nên bỏ giấy khen, mà nên hạn chế số lượng khen thưởng trong một lớp. Khen tối đa khoảng 5 học sinh lấy từ cao xuống thấp. Khen nhiều quá thì mất giá trị của giấy khen, không khen ai thì không tạo ra động lực phấn đấu.

Dung: Có thể không bỏ giấy khen nhưng chỉ khen thưởng cho học sinh giỏi xuất sắc nhất nhì lớp thôi, như thời mình ngày xưa thì học nhất nhì và 3 là được giấy khen. Bây giờ lạm dụng giấy khen quá mức luôn, học một môn khá cũng giấy khen. Đừng lên khen theo từng môn như vậy.

Quachvanthanh61: Cũng cần có giấy khen nhưng nên xếp hạng vị thứ của học sinh, chỉ khen 3 em đứng đầu thôi.

Vũ Dũng: Không bỏ nhưng chỉ dành khen cho các cháu xứng đáng. Nói thật là bệnh thành tích vẫn còn nặng lắm.

Tác giả: MINH NHẬT

Nguồn tin: Báo VTC News