Sa thải người lao động trái luật, Coca-Cola VN nói do “kinh tế khó khăn”
- 14:32 14-07-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Quy trình thần tốc
Sáng 14/7, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên án vụ tranh chấp lao động giữa bà Phan Thị Thanh Xuân (SN 1986) với công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola VN).
Theo đơn khởi kiện, bà Xuân cho biết, bản thân đã làm việc tại công ty Coca-Cola VN từ cuối năm 2008 với chức danh chuyên môn ban đầu là nhân viên nhân sự.
Sau lần lượt các hợp đồng xác định thời hạn, công ty giao kết hợp đồng không xác định thời hạn với bà Xuân từ tháng 5/2011 với chức danh Thư ký bộ phận sản xuất.
Trong quá trình làm việc, bà Xuân tự đánh giá luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều cống hiến, nỗ lực cho sự phát triển của công ty và chưa một lần bị xử lý vì vi phạm kỷ luật lao động. Ngoài ra, bà Xuân còn là ủy viên BCH Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Đến 14/4/2019, công ty quyết định bổ nhiệm bà Xuân làm Thư ký bộ phận Chuỗi cung ứng.
Phía nguyên đơn, bà Phan Thị Thanh Xuân và luật sư Nguyễn Nhật Tuấn. |
Bất ngờ vào chiều 8/7/2019, đại diện phòng Nhân sự yêu cầu bà Xuân ký vào văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động do công ty đã soạn thảo, đóng dấu sẵn.
Trước thái độ ngạc nhiên của người lao động, phía công ty giải thích là do “tái cơ cấu” nên cho bà Xuân... nghỉ việc.
Vì chưa chuẩn bị tâm lý và quá bất ngờ nên bà Xuân từ chối ký tên. Sự việc trở nên căng thẳng khi phòng Nhân sự buộc bà Xuân phải bàn giao máy tính làm việc, thẻ nhân viên ngay thời điểm đó.
Ngày hôm sau, bà Xuân bị bảo vệ ngăn cản khi vào công ty làm việc. Công ty đã chuyển khoản thanh toán lương tháng 6/2019 cho bà Xuân cũng như chốt sổ BHXH, chuyển trả qua đường bưu điện.
Không đồng ý với cách thức giải quyết này, bà Xuân gửi đơn đến phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Thủ Đức xin hòa giải. Kết quả hòa giải tranh chấp hợp đồng lao động vào ngày 9/8/2019 không thành công.
Sau đó, bà Xuân khởi kiện công ty, đòi hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, nhận trở lại làm việc và bồi thường tiền lương, BHXH từ tháng 7/2019 đến nay.
Hỗ trợ chứ không bồi thường
Tại phiên xét xử, đại diện công ty Coca-Cola VN “đề nghị không công khai bản án lên cổng thông tin điện tử vì quyền lợi, bí mật doanh nghiệp”.
Nút thắt trong vụ việc là vai trò ủy viên BCH Công đoàn của bà Phan Thị Thanh Xuân. Vì đến hiện tại, bà Xuân vẫn chưa bị miễn nhiệm chức danh này.
Trong khi đại diện doanh nghiệp cho rằng: “Khi người lao động thôi việc hoặc chuyển công tác thì đương nhiên bị miễn nhiệm. Vì thế, hiện tại, bà Xuân không còn là ủy viên BCH Công đoàn”.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà và luật sư Trương Trọng Nghĩa bảo vệ cho bị đơn, công ty Coca-Cola VN. |
Phía công ty liên tục khẳng định, các phòng ban chuyên môn đã tổ chức cuộc họp cùng đại diện BCH Công đoàn về phương án chấm dứt hợp đồng lao động đối với 7 nhân viên do mục đích thay đổi cơ cấu.
Biên bản cuộc họp ngày 3/6/2019 do ông Nguyễn Văn Hồng Phúc, Chủ tịch BCH Công đoàn vào thời điểm đó đã đại diện tổ chức này ký tên, đóng dấu. “Công ty cũng gửi báo cáo đến sở LĐ-TB&XH TP.HCM trong ngày đó nên quá trình xử lý đều đúng quy định”, đại diện công ty Coca-Cola VN nói.
Phần tranh luận, để bảo vệ cho bà Xuân, luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá hành vi chấm dứt hợp đồng lao động theo cách trái pháp luật của phía công ty đã khiến thân chủ của ông gặp cú sốc tinh thần.
Ngoài ra, quyết định này được ký bởi bà Trần Thị Ái Khanh, Trưởng bộ phận nghiệp vụ Nhân sự chứ không phải là ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam là không đúng quy định.
Phía bị đơn, luật sư Nguyễn Hồng Hà và luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn Luật sư TP.HCM dẫn chứng 1 văn bản của bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn 1 doanh nghiệp tại TP.HCM. Theo đó, công ty không cần thông báo cho người lao động trước 45 ngày cho thôi việc khi thực hiện thay đổi cơ cấu kinh doanh.
Phản bác lại, luật sư của nguyên đơn viện dẫn luật Công đoàn và quy chế Công đoàn VN để khẳng định, công ty không được quyền cho cán bộ công đoàn nghỉ việc hay chuyển công tác nếu không có thỏa thuận bằng văn bản với BCH Công đoàn, tức là đầy đủ các thành viên chứ không phải riêng Chủ tịch.
Ngoài ra, văn bản của bộ LĐ-TB&XH được đề cập cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không đủ mức độ xác thực và càng không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp khác.
“Một doanh nghiệp lớn, có đóng góp nhiều cho kinh tế xã hội như Coca-Cola VN phải đi đầu trong tuân thủ pháp luật lao động”, luật sư Tuấn nhận định.
Nói thêm trước khi HĐXX nghị án, phía công ty Coca-Cola VN mong muốn hỗ trợ cho bà Xuân số tiền 120 triệu đồng. “Thật lòng công ty đã cân nhắc rất kỹ trước khi đề xuất. Đây là thiện chí hỗ trợ thêm cho người lao động chứ không phải bồi thường”, đại diện công ty cho hay.
Khi được chủ tọa đề nghị tăng thêm, phía công ty từ chối vì “khó khăn kinh tế, cũng không biết lấy tiền ở đâu ra”.
Ý kiến của Chủ tịch không đại diện cho tập thể
Trình bày ý kiến về vụ việc, đại diện VKSND quận Thủ Đức phát biểu, bà Xuân là ủy viên BCH Công đoàn nhiệm kỳ 2018 – 2023 nên theo luật Công đoàn, khi cho nghỉ việc, công ty phải có văn bản thỏa thuận với BCH Công đoàn.
“Nhưng thực tế, phía công ty không cung cấp được văn bản này mà cho rằng đã thống nhất với Chủ tịch Công đoàn. Trong khi đó, theo quy chế hoạt động của BCH Công đoàn công ty Coca-Cola VN, mọi hoạt động phải tiến hành công khai, dân chủ.
Các chủ trương của BCH Công đoàn được quyết định theo đa số. Hội nghị BCH phải có ít nhất 2/3 thành viên thông qua mới có giá trị. Các nghị quyết của ban thường vụ phải có ít nhất 1/2 thành viên tán thành. Do đó, ý kiến cá ông Phúc không được coi là quan điểm của BCH Công đoàn trong việc bảo vệ người lao động”, đại diện VKSND quận Thủ Đức nêu quan điểm.
HĐXX hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, yêu cầu Coca-Cola VN bồi thường cho người lao động hàng trăm triệu đồng. |
Đồng ý với lập luận này, HĐXX tuyên chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Thanh Xuân, yêu cầu hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vì trái quy định pháp luật.
Nhưng vì công ty đã cơ cấu kinh doanh, bộ phận làm việc của bà Xuân không còn tồn tại nên HĐXX bác bỏ yêu cầu công ty phải nhận bà Xuân trở lại làm việc.
Thay vào đó, phía công ty phải trả trợ cấp thất nghiệp cho bà Xuân đối với 12 năm làm việc là 12 tháng lương theo hợp đồng.
Tổng số tiền phía công ty phải bồi thường cho bà Xuân là 306,5 triệu đồng, cộng thêm mức án phí hơn 9 triệu đồng.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật sau phiên tòa, bà Xuân cho biết sẽ kháng cáo để được trở lại làm việc.
Tác giả: H.N
Nguồn tin: nguoiduatin.vn