Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nông dân làm giàu từ gom lá thông phòng cháy rừng

Trong lúc nhiều nơi thảm thực bì lá thông khô đang là mối nguy gây cháy rừng thì tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An), người dân đua nhau đi thu gom về... làm giàu.

 Người dân gom lá thông từ thảm thực bì chống cháy rừng. Ảnh: Trần Tuyên

Từ sáng sớm, bà con nông dân tại các xã phía Tây huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã có mặt trên các đồi thông xung quanh khu dân cư, tranh thủ tiết trời còn dịu mát thu gom lá thông khô để chuẩn bị cho vụ hành tăm sắp tới.

 Lá thông khô được gom về chất cao như núi cạnh bờ ruộng. Ảnh: Trần Tuyên

Chị Nguyễn Thị Cúc (xóm 1 - Nghi Kiều) chia sẻ: "Gia đình tôi sắp tới sẽ gieo trồng 3 sào hành tăm. Để chuẩn bị cho việc xuống giống, chúng tôi phải đi thu gom lá thông khô từ lúc 4 giờ sáng đến tận 10 giờ sáng. Phải mất 2,3 ngày mới có đủ lá thông".

Đến gần trưa, khi mặt trời đã lên cao cũng là lúc những xe lá thông nối đuôi nhau về làng.

Tại vườn các hộ gia đình và đồng trồng hành các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Mỹ... bà con đều sử dụng lá thông khô như một loại phân hữu cơ sạch, góp phần tăng năng suất cây trồng.

 Người dân dùng lá thông khô để trồng hành, “nhất cử lưỡng tiện“. Ảnh: Trần Tuyên

Lá thông sau khi thu gom được bà con phủ đều trên các luống hành tăm khi đã gieo củ. Việc làm này có tác dụng giữ ẩm cho đất, vừa ngăn nước mưa rửa trôi đất, gây thối mầm, vừa che mát cho hạt giống nảy mầm nhanh hơn.

Ông Lê Thanh Trúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Lâm cho biết: "Xã Nghi Lâm là địa phương có lợi thế đất cát pha rất hợp để trồng hành tăm. Hiện nay toàn xã có khoảng 72 ha trồng hành tăm. Với hiệu quả kinh tế đạt từ 12 - 15 triệu đồng/sào".

Theo ông Trúc, để tạo nên thương hiệu hành tăm cho Nghi Lâm, bà con cần đẩy mạnh mô hình trồng hành theo quy trình VietGAP, áp dụng sản xuất theo quy trình sạch.

“Việc thu gom thực bì, vật liệu dễ cháy tại các rừng thông để bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần tăng năng suất cây trồng, cải thiện đời sống của người dân”- ông Trúc nói.