Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trước vụ việc tại OCB, một nữ đại gia thủy sản từng bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng và cái kết bất ngờ

Tại phiên phúc thẩm, bà Chu Thị Bình cho biết bản thân không có lỗi đồng thời yêu cầu Eximbank công khai xin lỗi tại tòa. Trong khi đó Eximbank không đồng ý trả lãi suất vì cho rằng bà Bình phải chịu một phần trách nhiệm dân sự trong vụ việc. Vậy nhưng, kết quả hoàn toàn bất ngờ...

Như Người Đưa Tin Pháp Luật đã đưa, vừa qua, bà Huỳnh Tuyết Hằng (SN 1972, ngụ quận 1, TP.HCM) gửi đơn tố cáo ngân hàng TMCP Phương Đông và cầu cứu cơ quan báo chí, về việc tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng của mình “không cánh mà bay”, còn phía ngân hàng OCB “phủi” trách nhiệm.

Theo đơn tố cáo, vì nhận lãi hàng tháng đúng kỳ hạn nên bà Hằng tin tưởng OCB. Bà Hằng cho biết gửi lần lượt 3 hợp đồng do OCB phát hành, bao gồm: Ngày 8/6/2016 số tiền: 7 trăm triệu đồng; ngày 21/06/2016 số tiền: 4 tỷ đồng; và ngày 21/06/2016 số tiền: 9 trăm triệu đồng. Tất cả đều do ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông ký.

 Ngân hàng OCB “phủi” trách nhiệm liên quan tới khoản tiền gửi của bà Hằng

Tuy nhiên, bất ngờ từ tháng 1/2019 OCB không gửi tiền lãi cho bà Hằng. Tưởng rằng có trục trặc, nhưng mãi đến tháng 8/2019 vẫn không nhận được tiền, bà đến OCB để hỏi.

Ngay sau đó, ngân hàng OCB trả lời là 2 sổ tiết kiệm của bà trong thời gian qua là sổ giả và đổ hết trách nhiệm cho người có tên Vũ Phương Thảo (nhân viên OCB tại thời điểm bà Hằng gửi tiền). Bà Hằng yêu cầu làm việc nhưng OCB cho rằng, không phải trách nhiệm của mình nên không giải quyết.

Cũng theo thông tin từ nạn nhân, mặc dù OCB chối bỏ hết trách nhiệm với khách hàng, nhưng hiện tại ngân hàng này vẫn thu phí tham gia tiết kiệm TM gói vàng hàng tháng của bà Hằng.

Nhìn lại thì thấy đây không phải vụ việc duy nhất khách hàng vào ngân hàng gửi tiền nhưng tiền gửi “không cánh mà bay”. Trước đó tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM) cũng xảy ra sự việc tương tự.

Nạn nhân không phải ai xa lạ mà là cái tên vô cùng nổi danh trên thương trường- bà Chu Thị Bình - Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Đại gia thủy sản miền Tây bị chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2012-2017, Lê Nguyễn Hưng giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê, lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong, để rút tiền của Eximbank chi nhánh TP.HCM qua các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.

 Bà Chu Thị Bình - Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Đồng thời, Hưng tạo sự tin tưởng cho các nhân viên Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền, chi tiền mặt... tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của Eximbank chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỷ đồng.

Các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh đã tin tưởng Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định trên, tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank.

Trong đó, Thủy tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt 240 tỷ đồng, các bị cáo còn lại phải chịu trách nhiệm với khoản thiệt hại 3-15 tỷ.

Kết quả bất ngờ

Sau bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên ngày 23/11/2018, Eximbank kháng cáo để tòa phúc thẩm xem xét đầy đủ và khách quan về vụ việc, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp. 

Bà Chu Thị Bình kháng cáo yêu cầu Eximbank tất toán 103 tỷ đồng (tiền lãi 3 sổ tiết kiệm) theo quyết định từ cấp sơ thẩm; 16 tỷ đồng tiền phạt chậm trả lãi và đề nghị xem xét trách nhiệm tổng giám đốc, quản lý Eximbank TP.HCM.

Ngay khi biết tin Eximbank kháng cáo, bà Chu Thị Bình cũng rút toàn bộ 245 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng này vì thấy phía ngân hàng bất nhất, không hợp tác.

Ngày 19/4/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm. Tại đây, bà Chu Thị Bình cho biết bản thân không có lỗi trong việc ông Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Đồng thời, bà còn yêu cầu Eximbank công khai xin lỗi tại tòa và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khách hàng cũng như phán quyết từ tòa án.

Còn phía Eximbank không đồng ý trả lãi suất vì cho rằng bà Bình phải chịu một phần trách nhiệm dân sự trong vụ việc.

Sau khi xem xét, HĐXX kết luận ngân hàng áp dụng cách tính lãi không kỳ hạn đối với 3 sổ tiết kiệm đứng tên bà Chu Thị Bình là trái quy định Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tòa phúc thẩm tuyên bố chấp nhận một phần kháng cáo của bà Chu Thị Bình, buộc Eximbank TP.HCM trả bà Bình hơn 115,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

 Bà Chu Thị Bình đã nhận đủ toàn bộ tiền gốc và lãi là 360,4 tỷ đồng.

Tháng 5/2019 Eximbank đã thanh toán đủ số tiền gửi tiết kiệm 245 tỷ đồng, 115,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh cộng lãi phạt cho khách hàng Chu Thị Bình theo phán quyết của toà phúc thẩm.

Trong đó số tiền 245 tỷ đồng được trả vào tháng 8/2018. Sau phán quyết của toà phúc thẩm có hiệu lực ngày 19/4, ngân hàng này tiếp tục trả cho bà Chu Thị Bình 115,4 tỷ đồng tiền lãi. Như vậy, bà Chu Thị Bình đã nhận đủ toàn bộ tiền gốc và lãi là 360,4 tỷ đồng.

Tác giả: Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn