Những nhà máy nước sạch... khát nước
- 09:32 08-07-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà máy nước Hưng Thông được đầu tư gần 26 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành. |
Tại nhiều địa phương ở Nghệ An, tuy có nhà mày nước sạch được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng không thể hoạt động.
Đơn cử như tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên có Nhà máy nước sạch Hưng Thông với công suất 1.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng hơn 1.300 hộ dân. Dự án này nằm trong tổng thể Dự án đầu tư xây dựng quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư.
Năm 2018, nhà máy hoàn thành nhưng chưa một lần đi vào hoạt động. Không có nước sạch, hàng trăm hộ dân xã Hưng Thông phải sử dụng nước giếng, nước tự nhiên cho sinh hoạt và ăn uống mà chất lượng thì không được đảm bảo.
“Nhà máy xây xong để đó, dân chúng tôi đã có nước sạch dùng mô, mà nếu có nước chưa chắc dân chúng tôi đã sử dụng bởi nguồn nước thô lấy từ kênh Nông Nông, kênh này rất bẩn, ô nhiễm”, bà Cương người dân xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông cho biết.
Còn tại Nhà máy nước Kim Sơn, huyện Quế Phong, vào năm 2009, được đầu tư xây dựng với tổng số vốn hơn 40 tỷ đồng, công trình do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Theo thiết kế nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ có công suất cung cấp nước sạch 1000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 1000 hộ dân thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận.
Cuối năm 2017, dự án hoàn thành và triển khai đấu nối đường ống đến tận các hộ dân đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà máy nước thị trấn Kim Sơn chưa thực hiện được việc đấu thầu quản lý, vận hành nên dẫn đến tình trạng hoạt động không thường xuyên.
Hơn 2 năm nay, Nhà máy nước Hưng Thông luôn cửa đóng then cài. |
Theo ông Ngô Đức Quý, Khối trưởng khối Trung Sơn, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong cho biết: Nhà máy nước Thị trấn Kim Sơn từ khi xây dựng đến khi khai thác thì mới chỉ thấy đấu nối đến đồng hồ thôi. Còn thực tế nước thì hầu như chưa có.
Nguyên nhân dẫn đến các nhà máy không hoạt động được có nhiều lý do, nếu như Nhà máy nước Quỳnh Thọ theo lý giải của chính quyền địa phương do thiếu vốn, thì ở Nhà máy nước sạch Hưng Thông lại chưa có đơn vị đủ năng lực để vận hành. Còn tại Nhà máy nước Kim Sơn lại do thiếu kinh phí trả tiền điện, tiền hóa chất, tiền nước chưa thu được của nhân dân nên thiếu kinh phí vận hành.
Dưới đây là một số hình ảnh từ các Nhà máy nước sạch “khát” nước sạch do PV Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận:
Các hạng mục như trạm bơm cấp I, II, bể chứa nước sạch, nhà điều hành... Nhà máy nước Hưng Thông được dùng để chăn thả dê. |
Hệ thống điện nhà máy bị hư hỏng, bị đứt lìa. |
Hồ chứa nước thô luôn trong tình trạng cạn khô, thiếu nước. |
Ngay cả bể lắng trơ trọi giữ trời nắng, không một giọt nước. |
Hệ thống tường rao bao quanh nhà máy nước Hưng Thông đã nứt nẻ, xuống cấp. |
Còn tại Nhà máy xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu “trơ gan cũng tuế nguyệt” hơn 7 năm nay vì thiếu vốn. |
Trong khi đó, hồ chứa nước thô đã xuống cấp trầm trọng, dù dự án này đã đội vốn gần 10 tỷ đồng. |
Trong khi Nhà máy nước Kim Sơn, huyện Quế Phong công suất vận hành chỉ 2h/ngày, chỉ phục vụ một lượng rất nhỏ người dân quanh vùng. |
Tác giả: ĐIỀN BẮC
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết