Cùng quẫn cảnh vợ chồng nghèo nuôi hai con bại não
- 07:42 08-07-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trời càng về trưa, những cơn gió Lào thổi thốc vào ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Lê Đình Thu (SN 1964) ở thôn Mỹ Thượng, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), khiến không khí càng thêm oi bức hơn. Không chịu nổi sự ngột ngạt, ông Thu phải bế 2 người con trai từ trong buồng ra ngoài hiên cạnh giếng nước, mong giảm bớt ngột ngạt.
Sức nóng và sự bí bách như càng tăng lên bởi áp lực tâm lý của những người sinh sống tại đây. Gia đình ông Thu có 4 thành viên nhưng có đến 3 người không còn khả năng lao động. Đó là ông Thu bị tàn tật do vết thương chiến tranh để lại và 2 con trai bị bại não.
Gia đình ông Thu có hai người con trai đều bị bại não |
Trên chiếc giường nhỏ kê trong góc nhà, 2 con của ông nằm co quắp, cơ thể gầy guộc rúm ró chỉ còn da bọc xương, thi thoảng lại gồng mình co giật từng hồi. Cả hai anh em đều ở tuổi trưởng thành nhưng trong suốt chừng ấy năm sống trên dời, chưa phút giây nào họ có thể sống tự lập, thậm chí càng lớn sức khỏe càng suy yếu, cơ thể "biến dạng" tới nỗi có lẽ đủ khiến những người không quen cảm thấy có chút khiếp sợ.
Người con trai lớn của ông tên Lê Đình Tuấn Anh (SN 1989) bị bại não liệt toàn thân. Sức khỏe của Tuấn Anh hiện rất yếu, cơ thể suy nhược. Có những lúc đang yên ổn, bỗng nhiên anh lăn đùng ra ngất xỉu, sùi bọt mép và co giật dữ dội.
Người con trai thứ 2 là em Lê Hữu Phước (SN 2001) cũng mắc căn bệnh giống anh trai mình. Từ lúc chào đời cho đến trưởng thành, cả hai anh em đều phải sống trong nỗi đau khổ bệnh tật, bị dày vò cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các con bệnh tất khiến gia đình ông Thu lâm vào cảnh khó khăn kiệt quệ |
Ông Thu tâm sự, năm 1981, ông nhập ngũ tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1988, ông xuất ngũ trở về quê hương. Mặc dù trong thời gian tham gia chiến đấu tại chiến trường, ông bị nhiều vết thương của bom đạn, nhưng vì thất lạc giấy tờ nên hiện tại, ông Thu không được hưởng chế độ trợ cấp nào của Nhà nước.
Khi xuất ngũ về quê, ông cưới bà Hồ Thị Trâm, một người phụ nữ đảm đang, hiền lành chịu khó. Ngỡ tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với người đàn ông vất vả gần nửa đời người, nhưng không ngờ bất hạnh vẫn chưa buông tha.
Nhìn hai con mang bệnh tật ngày một suy yếu, vợ chồng ông Thu trong lòng quặn thắt theo từng cơn đau của các con. Chỉ cần nghe ở đâu có thầy giỏi, ông bà đều cất công tìm đến, có lúc lặn lội vào tận trong miền Nam tìm thầy điều trị, nhưng tiền mất mà bệnh vẫn đâu hoàn đấy.
“Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để tìm hy vọng cho các con nhưng đi khắp các bệnh viện, tiền của tiêu tan mà bệnh con vẫn không tiến triển. Gìờ hai vợ chồng đều ốm yếu cả rồi không làm ra được tiền chỉ mong đủ sống qua ngày. Tôi chỉ sợ rằng một ngày bệnh tình của các cháu nặng thêm phải đi viện, mà đi viện thì phải có tiền chú ạ...”, nói đến đây ông Thu nghẹn lại, nước mắt chực rơi.
Được biết, hoàn cảnh gia đình ông Thu thuộc vào diện hộ nghèo ở địa phương nhiều năm nay. Nguồn thu nhập chính là khoản tiền 540 ngàn đồng trợ cấp hàng tháng của hai con trai. Từ ngày các con sinh ra mang bệnh tật, bà Trâm phải ở nhà chăm sóc, ông Thu lại mất khả năng lao động, bởi thế gia đình không cấy được ruộng hay làm nghề gì kiếm ra thu nhập.
Bại não, suy kiệt thể chất khiến cơ thể các con của ông gầy guộc |
Hàng tháng các con của ông Thu được được cấp phát miễn phí một số loại thuốc điều trị, còn những lần đi viện hoặc dùng thuốc ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, vợ chồng ông Thu phải đi vay mượn khắp nơi để lo cho các con.
Ông Hồ Sỹ Xoan, bí thư chi bộ thôn Mỹ Thượng cho biết: “Hoàn cảnh gia đình ông Thu thuộc vào diện rất khó khăn đặc biệt nhất ở địa phương, là hộ nghèo đã nhiều năm nay. Chính quyền địa phương luôn tại điều kiện để hỗ trợ mọi mặt cũng như giúp đỡ gia đình, tuy nhiên sự giúp đỡ của địa phương cũng chỉ có hạn. Mong rằng qua các phương tiện truyền thông, gia đình anh Thu sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng”.
Tác giả: Phạm Bắc
Nguồn tin: Báo VietNamNet