Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hơn 300.000 thí sinh không tham gia xét tuyển ĐH,CĐ: Có đáng lo ngại ?

Năm nay có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, chiếm 71,45%, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019. Vậy con số này có đáng lo ngại?

 Thí sinh tỉnh Hòa Bình dự tư vấn tuyển sinh vào đại học năm 2020

Tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học năm 2020 tăng thêm khoảng 10%

Theo thống kê của bộ GD&ĐT, trong số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (trong đó có 51.712 thí sinh tự do, chiếm 5,74%) nhưng chỉ có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ - chiếm 71,45%, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.

Tổng số lượng nguyện vọng xét tuyển ĐH,CĐ là 2.490.171; trong đó, nguyện vọng 1 là 640.637, nguyện vọng 2 là 519.449, nguyện vọng 3 là 408.519, nguyện vọng 4 là 293.587, nguyện vọng 5 là 212.560 và nguyện vọng còn lại là 415.419.

Trước đó, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở top trên có mức độ cạnh tranh cao thì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%. Vì vậy nếu có kết quả thi tốt thì cơ hội vào đại học của các thí sinh rất rộng mở.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2019, số thí sinh đăng kí dự thi (ĐKDT) 887.104; Số thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp THPT 223.976.

Số thí sinh ĐKXT vào Đại học, CĐSP, TCSP (tỷ lệ 73,62% số ĐKDT) là 653.128.

Toàn hệ thống giáo dục đại học năm 2019 có 529.754 chỉ tiêu, tỷ lệ nhập học là 411.603 đạt 77,70%. Tuy nhiên, chỉ có 49,86% số trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 70%; 66,20% số trường đạt trên 50% chỉ tiêu.

 

Số thí sinh vào đại học ngày càng ít đi, liệu đây có phải con số đáng lo ngại?

Sau khi thi tốt nghiệp THPT mới phân luồng sẽ không còn ý nghĩa

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ giảm (năm 2019, tỷ lệ này là 74,01%; năm 2018 là 74,37%) là xu hướng tích cực, thể hiện việc phân luồng chúng ta làm ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, số liệu cho thấy, việc phân luồng cần được tăng cường hơn nữa. Bên cạnh đó, các trường đại học cần quen với việc thí sinh "ảo", vì đó là tất yếu trong quá trình tự chủ và quyền chọn thuộc về người học.

Trao đổi với PV Dân trí, hiệu trưởng của một trường Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội cho rằng, việc phân luồng phải từ ngay sau khi học sinh tốt nghiệp THCS, một hướng đi học nghề, một hướng học tiếp lên THPT,..  mới đúng nghĩa phân luồng và mới đúng chủ trương phân luồng của Nhà nước.

Còn sau khi thi tốt nghiệp THPT mới phân luồng thì không còn ý nghĩa, lãng phí thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực. Vì vậy, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 24, ngày 28/05/2020, cho phép đào tạo cao đẳng học sinh tốt nghiệp THCS, chỉ cần 3-4 năm học, học sinh đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, còn nếu, sau khi tốt nghiệp THPT mới quay lại học cao đẳng, thì phải mất 5-6 năm học mới có bằng tốt nghiệp cao đẳng, rõ ràng là chênh nhau đến 2 năm học.

Còn về tỷ lệ ảo trong đăng ký dự thi, vị cán bộ tuyển sinh này cho rằng, không tránh khỏi vì chính sách thi và tuyển sinh dẫn đến ảo.

Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia tuyển sinh khác cho biết, bao nhiêu học sinh đăng ký không quan trọng bằng bao nhiêu thí sinh nhập học đại học. Nếu số học sinh đăng ký xét tuyển giảm mà số nhập học tăng hoặc giữ nguyên thì mới có nền giáo dục đại học chất lượng.

Vị chuyên gia này cho rằng, mấy năm qua, con số học sinh THPT vào ĐH là hơn 400.000, bằng khoảng 40% số học sinh dự thi tốt nghiệp. Số này bằng khoảng 20% dân số ở độ tuổi 18. Trong khi số sinh viên đại học độ tuổi học đại học ở Việt Nam đang thấp so với các nước trong khu vực. Chính  vì vậy sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng CN.4.0

 Dự báo số lượng thí sinh vào đại học ngày càng giảm trong các năm tới

Tỷ lệ học sinh vào đại học tiếp tục giảm mạnh

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí khi phân tích về giáo dục đại học Việt Nam trong 10 năm tới, GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, số lượng học sinh thay đổi bất thường trong 10 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ sinh ở Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn 10 năm qua 1992-2001 là lý do chính khiến số lượng học sinh học hết phổ thông trung học nhập học vào các trường đại học giai đoạn 18 năm sau (2010-2017) thay đổi bất thường và giảm liên tục.

Cụ thể, nếu năm 1992, tỷ lệ là 3,26, năm 1992, tỷ lệ là 3,09…  năm 2000, tỷ lệ giảm còn 2,01, năm 2001 xuống thấp nhất là 1,95.  Từ năm 2001 đến năm 2011, tỷ lệ sinh dao động liên tục từ 1,89 đến 1,95. Tình hình tương tự sẽ xảy ra trong 10 năm tới (2020-2029).

Đối với số lượng sinh viên ĐH, CĐ năm 2010 là 2162.1 nghìn người đến năm 2014 số lượng tăng lên  2363.9, năm 2015 là  2118.5, đặc biệt đến năm 2016 giảm xuống còn 1767.9, thậm chí đến năm 2017, tỷ lệ sinh viên chỉ còn 1695.9 nghìn người (năm 2018, 2019 chưa thống kê).

Bên cạnh đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học (không tính cao đẳng) tăng 1,7 lần trong vòng 11 năm nhưng tổng số giảng viên, viên chức chỉ tăng 1,5 lần.

Theo GS Danh, tính đến năm 2017 -2018, cả nước có 235 trường đại học với 84,071 viên chức, giảng viên; số lượng sinh viên chính qui là 437,156. 

Từ các số liệu trên, GS Danh cho biết, với tình hình tỷ lệ sinh thấp, lượng người nhập học vào các đại học Việt Nam 5 năm tới (2020-2024) sẽ tiếp tục giảm mạnh bởi ngoài việc tỷ lệ sinh các năm tương ứng của 18 năm về trước thấp còn có nhiều lý do khác như: việc giới trẻ chậm lập gia đình, chậm có con và không muốn có nhiều con, do giới trẻ di cư ra nước ngoài tìm việc làm, do gia đình khá giả hơn và trẻ con được cha mẹ gửi đi học nước ngoài chứ không chọn học trong nước...

Những khuynh hướng này khó thay đổi ngay cả khi chúng ta dỡ bỏ trần “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con”.

GS Danh cho rằng, người học giảm nhanh, số trường học lại không giảm, nhiều trường học sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng không tuyển sinh đủ để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang bị đã đầu tư.

Trong khi đó, với số lượng đại học tăng 1,7 lần nhưng giảng viên-viên chức chỉ tăng 1,5 lần cho thấy nhân lực của hệ thống đã và đang bị dàn mỏng và điều này sẽ ngày càng trầm trọng hơn bởi tình trạng xuất ngành như về hưu, chuyển công tác, đi nước ngoài...trong thập niên tới.

 “Những vấn đề trên đặt ra một yêu cầu, phải sáp nhập sớm các đại học nhỏ, đại học đơn ngành vào để thành đại học lớn và đa ngành nhằm tối ưu hóa nguồn lực xã hội đã đầu tư và nhất là xóa được tình trạng manh mún, phân tán và yếu kém nhân lực có trình độ quốc tế như hiện nay ở nhiều đại học. Tăng cường tính hợp tác liên ngành để tăng trưởng chất lượng giáo dục và khoa học, công nghệ”. GS Danh chia sẻ.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí