Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thi thể nằm la liệt sau khi “sóng thần” bùn ập xuống mỏ ngọc Myanmar

Hình ảnh tại hiện trường cho thấy thi thể nằm la liệt sau vụ lở đất ám ảnh tại một mỏ ngọc ở Myanmar. Bùn đổ xuống như “sóng thần” và “nuốt chửng” các nạn nhân phía dưới, làm ít nhất 126 người chết.

Ngày 2/7, một trận lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại mỏ ngọc bích tại Hpakant, Kachin, Myanmar, khiến ít nhất 126 người chết và nhiều người khác mất tích. Đống bùn thải ở mỏ khai thác lộ thiên đã đổ ập xuống hồ nước phía dưới như một trận "sóng thần", gây ra cảnh tượng ám ảnh với các nhân chứng. Trong ảnh: Một phụ nữ khóc lóc thảm thiết bên cạnh các thi thể nạn nhân qua đời vì lở đất tại mỏ ngọc.  

Các nạn nhân - những thợ mỏ - vào thời điểm gặp nạn đang tìm ngọc bích thì “sóng thần” bùn xuất hiện. Hiện tượng này xảy ra sau khi Hpakant hứng chịu mưa lớn dài ngày. Trong ảnh: Nhân viên cứu hộ khiêng xác nạn nhân từ dưới đống bùn lên bờ.  

Giới chức địa phương cho biết còn nhiều thi thể khác vẫn đang kẹt dưới bùn lầy. Con số thương vong gần như chắc chắn sẽ tăng lên.  

Theo Reuters, các vụ lở đất gây chết người không phải là hiếm gặp ở khu mỏ tại Hpakant nhưng đây là vụ tai nạn chết chóc nhất trong hơn 5 năm qua. Trong ảnh: Thi thể nạn nhân nằm xếp hàng la liệt cạnh nhau.  

Maung Khaing, một thợ mỏ 38 tuổi, người tận mắt chứng kiến vụ tai nạn, nói rằng khi anh đã mở máy ảnh ra để chụp thì mọi người hét lớn: “Chạy đi! Chạy đi”. Trong ảnh: Hiện trường tang thương của vụ lở đất.  

“Trong một phút, toàn bộ những người ở dưới chân đồi biến mất. Tôi thấy trái tim mình hẫng hụt. Tôi vẫn nổi còn da gà. Có những người kẹt dưới bùn và gào lớn cầu xin sự giúp đỡ. Nhưng không ai có thể giúp được họ”, Maung nói với Reuters. 

Than Hlaing, một thành viên của một tổ chức xã hội dân sự Myanmar, nói rằng những người thiệt mạng trong vụ lở đất là những thợ mỏ tự do. Họ đi nhặt lại những miếng ngọc còn sót lại tại các mỏ lộ thiên mà những công ty lớn trước đó chưa khai thác hết.  

Quy mô ngành ngọc bích ở Myanmar vào khoảng 750 triệu USD trong giai đoạn 2016-2017, theo số liệu của chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết quy mô thực tế của ngành này có thể lớn hơn nhiều. Thị trường xuất khẩu chính của ngọc bích Myanmar là Trung Quốc. 

Cô Than cho biết một quan chức địa phương trước đó đã cảnh báo các thợ mỏ không nên đi nhặt ngọc vào hôm 2/7 vì thời tiết xấu. 

“Các gia đình nạn nhân sẽ không được bồi thường vì họ là thợ mỏ tự do. Tôi không thấy cách nào để họ thoát khỏi vòng lặp này. Mọi người dấn thân vào rủi ro, đến các mỏ nhặt ngọc, vì họ không còn lựa chọn nào khác”, Than nói. 

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí