Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảm động cảnh em gái gác thanh xuân chăm chị tật nguyền mơ bát cháo có thịt

Bố mẹ qua đời, chỉ còn chị gái tật nguyền không người chăm sóc, bà Hợi gác lại thanh xuân của mình ở vậy chăm chị. Nhìn cảnh chị em sống trong túp lều nuốt từng thìa cháo trắng mà lòng tôi quặn lại...

Làm thuê ở lò mổ 1 giờ đêm đến 10 giờ sáng, xong việc bà Hợi (62 tuổi) vội vã đạp xe về nhà để còn chăm sóc chị gái 67 tuổi, đôi chân không còn đi lại được, đôi mắt cũng không nhìn thấy gì.

Tôi về vùng đất An Toàn Khu (ATK), vang danh Thủ đô kháng chiến qua các thời kì, đó là huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, giữa những ngày miền Bắc đang nắng nóng cực điểm.

Sau một quãng đường dài quanh co theo mương nước, chúng tôi dừng chân trước một túp lều, ở thôn Khấu Bảo, xã Bảo Cường của vùng Thủ đô kháng chiến. 4 bức tường của túp lều được trát bằng đất, mái lợp lá cọ đã quá mục nát, ngỡ như chỉ cần trận mưa nặng hạt là có thể sập cả mái nhà. Ấy thế mà túp lều đó là chỗ chui ra, chui vào của chị em bà Lý Thị Thanh và bà Lý Thị Hợi từ nhiều năm nay.

Bà Lý Thị Thanh, (67 tuổi) bị bệnh từ nhỏ, do không được chữa trị cẩn thận khiến đôi mắt của bà không còn nhìn thấy gì, đôi chân cũng không còn đi lại được 

Chúng tôi cố khom người lách qua khe cửa để vào trong túp lều ấy, những gì đang diễn ra thực sự khiến chúng tôi vô cùng xót xa. Vừa ân cần bón từng thìa cháo nguội cho người chị tật nguyền, bà Hợi vừa khóc, vừa dỗ dành: “Chị ơi, chị cố ăn đi, chị mà không ăn, rồi nằm ra đấy thì em biết phải làm thế nào?”.

Nghe người em gái dỗ dành, bà Thanh cố gắng nuốt từng thìa cháo đầy khó nhọc cùng với những giọt nước mắt cứ trào ra từ đôi mắt mờ đục.

 Thương chị tật nguyền, bà Hợi, ở vậy chăm sóc chị. Bao năm qua, 2 chị em bà lay lắt sống trong cảnh thiếu thốn đủ đường và bệnh tật bủa vây

Nhìn qua “mâm cơm” của 2 chị em bà Hợi được bày trên một cái sàng rách, trên đó là 2 bát cháo trắng đặc quánh nấu sẵn từ hôm trước, một bát nước trắng làm canh và một đĩa muối trắng. Thật khó mà tin rằng, đó lại là bữa ăn của một người đang ốm nặng.

Dường như hiểu được cảm xúc của chúng tôi, bà Hợi với tay lấy cái áo cũ lau mồ hôi cho người chị, bà phân trần: “2 chị em tôi đều rụng gần hết răng rồi, nên chỉ ăn cháo thôi. Mấy hôm nay trời nóng quá nên chị Thanh yếu hơn không chịu ăn uống, tôi sợ lắm.... Muốn mua ít thịt ninh nhừ bồi dưỡng cho chị, nhưng vét cả nhà cũng không mua nổi mấy lạng thịt, nên đành chịu…”.

 

 Ngôi nhà cũ kỹ và không có bất kỳ tài sản có giá trị gì của 2 chị em bà Hợi

Bà Hợi kể tiếp, bà Thanh bị bệnh từ nhỏ, sau lần chết hụt năm lên 10 tuổi sức bà Thanh càng yếu hơn. Khi bố mẹ lần lượt qua đời, thương người chị không có ai chăm sóc, bà Hợi quyết không lấy chồng để chị em sớm, tối, no, đói còn có nhau.

Cha mẹ để lại cho 2 chị em 3 sào ruộng, trước còn sức khỏe bà Hợi còn cấy, hái được. Mấy năm gần đây sức yếu dần, lại thêm bệnh thoái hóa cột sống hành hạ nên bà Hợi không còn canh tác được nữa. Tiền chi tiêu của 2 chị em, chủ yếu dựa vào khoản trợ cấp cho người khuyết tật của bà Thanh với số tiền 540 ngàn đồng/ tháng

 Mỗi khi mưa xuống thì trong nhà như ngoài sân, nên mọi người quyên góp được 13 triệu giúp chị em bà Hợi dựng mái tôn che tạm. Nhưng khi giông đến, hàng xóm vẫn lo nơm nớp bởi căn nhà đã quá mục nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Để có thêm chút tiền, phòng khi trái nắng trở trời, bà Hợi nén đau đi làm thuê ở một lò mổ cách nhà 2 cây số. Tuần 2 buổi, bà Hợi làm ở lò mổ từ 1 giờ đêm đến 10 giờ sáng, được chủ lò trả 140 ngàn đồng/tuần. Hôm nào chủ lò rộng lòng cho bà chút thịt vụn, thì hôm ấy 2 chị em bà Hợi lại có được bữa ăn ngon.

Mắc nhiều căn bệnh, lại không được chữa trị đến nơi, đến chốn, nên giờ đây đôi mắt của bà Thanh gần như không còn nhìn thấy gì, đôi chân cũng không tự đứng lên được nữa. Mấy hôm, thời tiết quá nóng bức khiến sức bà Thanh yếu hơn.

Phải ở nhà trông chừng chị nên khoản tiền từ làm thuê ở lò mổ không có, bà Hợi muốn mua chút thịt bồi bổ cho chị cũng không thể. Dù rất muốn một lần đưa bà Thanh đi bệnh viện, nhưng không có tiền bà Hợi đành phải để chị ở nhà.

 

 Bữa ăn đến thắt lòng của 2 người phụ nữ tội nghiệp…

Trao đổi với ông Trịnh Văn Phi, Trưởng thôn Khấu Bảo, ông Phi cho biết, hoàn cảnh 2 chị em bà Hợi là khó khăn điển hình, nhiều năm nay là hộ nghèo ở địa phương. Ngôi nhà của 2 chị em bà đã quá cũ nát, cơn mưa to đêm vừa rồi cũng vì nhà dột quá, mà bà Thanh bị nhiễm lạnh tưởng chết. Bà con mới xúm vào quyên góp được 13 triệu, giúp bà ấy lợp tạm cái mái tôn, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi.

Cứ mỗi khi có mưa giông là chúng tôi lại nơm nớp lo, nhỡ mà nó bất ngờ sâp xuống, bà Thanh ốm nặng như thế thì chạy làm sao nổi…Qua đây, là đại diện chính quyền địa phương, tôi mong mỏi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho chị em bà ấy…”

 Bà Hợi ao ước: “… Chỉ mong sao những ngày cuối đời bát cháo của chị tôi có thịt. Ước sao, những hôm mưa gió tôi không còn phải lo cõng chị Thanh chạy ra khỏi nhà nữa…”

Đã đến lúc phải chia tay 2 người phụ nữ bất hạnh, chiều muộn chỉ còn vài vệt nắng vàng vọt cuối ngày vương trên các ngọn cây, nhưng trong gian nhà ngột ngạt, ẩm thấp của 2 chị em bà Hợi thì vẫn còn hầm hập nóng.

Mồ hôi vã ra như tắm, hướng ánh mắt cầu cứu về phía chúng tôi, bà Hợi khẩn khoản: “Số phận chị em tôi nó đã như vậy rồi. Tôi chẳng mơ ước gì hơn, chỉ mong sao những ngày cuối đời bát cháo của chị tôi có thịt. Ước sao, những hôm mưa gió tôi không còn phải lo cõng chị Thanh chạy ra khỏi nhà nữa…”.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Lý Thị Hợi.

Địa chỉ: Thôn Khấu Bảo, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

ĐT 0327399767 (SĐT của ông Hùng là hàng xóm)