Dù khó khăn do Covid-19, Vinamilk vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2020
- 13:12 30-06-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk vừa qua đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vào sáng ngày 26/6 tại TP HCM. Đây là đầu đầu tiên công ty tổ chức sự kiện này theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.
Biên lợi nhuận và khả năng đối phó với thách thức là những vấn đề nhận sự quan tâm nhất của cổ đông tham gia đại hội. Ban chủ tọa liên tục nhận loạt câu hỏi chất vất từ cổ đông trong nước lẫn khối ngoại về các kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian khó khăn vừa qua và chiến lược trong năm 2020.
Đại hội cổ đông thường niên năm Vinamilk 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào sáng 26/6 tại TP HCM |
Đối phó thách thức đa chiều
Theo kết quả biểu quyết tại đại hội cổ đông, năm 2020, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 59.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.690 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 5,7% và 1% so với năm 2019. Trong bối cảnh tất cả doanh nghiệp ngành sữa đều gần như "mất" 4 tháng đầu năm do dịch, kế hoạch này được cho là khá thách thức đối với công ty đầu ngành. Tuy nhiên với những gì đã thể hiện trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, HĐQT tự tin chiến lược "kiềng ba chân" sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.
Cụ thể, ba trụ cột phát triển chính của Vinamilk bao gồm ổn định sản xuất kinh doanh, vững vàng thị trường nội địa và mở rộng thị trường quốc tế. Chiến lược này đã giúp công ty chống chọi tốt qua cơn bão Covid-19 trên cả sân nhà lẫn thị trường xuất khẩu, thậm chí còn tiếp tục thâm nhập được những thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay trong dịch.
Tuy nhiên bước vào giai đoạn "bình thường mới", hàng loạt thách thức khác đặt ra. Tại đại hội, cổ đông liên tiếp chất vấn về phản ứng của Vinamilk đối với việc Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ châu Âu trong 3-5 năm tới, khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Cùng với đó là câu chuyện giá nguyên liệu tăng, giá thu mua sữa nguyên liệu từ bà con nông dân đang cao hơn trung bình thị trường 30%, khả năng tăng chi phí đầu tư để mở rộng nhiều lĩnh vực mới và M&A.
Với bài toán cạnh tranh, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk nhìn nhận lộ trình giảm thuế nhập khẩu sữa ngoại là áp lực nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp này có biện pháp cụ thể để đảm bảo đứng trước bất cứ đối thủ nào dù trong nước hay nước ngoài, có đối sách giữ vững và phát triển thị phần.
"Đi từ con số 0 đến bây giờ vừa có trang trại, làm chủ nguồn nguyên liệu và hệ thống nhà máy công nghệ hiện đại, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và tăng thị phần với mục tiêu đã tuyên bố là trong 5 năm, mỗi năm thêm 1% thị phần. Đến hôm nay, mọi kế hoạch vẫn đang đúng tiến độ", bà Mai Kiều Liên khẳng định.
Hệ thống trang trại chuẩn quốc tế và nhà máy công nghệ hiện đại góp phần giúp Vinamilk thực hiện mục tiêu tăng thị phần |
Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa trong nước, Vinamilk sở hữu nhiều lợi thế không chỉ về giá so với sản phẩm ngoại nhập. Đơn cử với những sản phẩm mới, doanh nghiệp này chỉ mất tối đa một tháng, thông thường là 10 ngày sau khi kiểm định chất lượng, để ra mắt thị trường. Trong khi đó sản phẩm ngoại nhập chịu nhiều phí tổn về vận chuyển, nguyên liệu, nhân công, thời gian vận chuyển, nhập khẩu vào Việt Nam mất thời gian dài. Hệ thống phân phối rộng lớn của Vinamilk cũng là một lợi thế giúp doanh nghiệp này đảm bảo cơ sở cạnh tranh với mọi thương hiệu sữa ngoại.
"Giá cả, chất lượng và thương hiệu là những lợi thế của Vinamilk. Nguy cơ, thách thức là có, chúng tôi không coi thường, nhưng tất cả đều có đối sách cụ thể. Dứt khoát không để mất thị phần", bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh.
Nổi bật, câu chuyện lấn sân sang lĩnh vực cà phê của Vinamilk nhận nhiều băn khoăn của cổ đông, đặc biệt khi thời gian qua hàng loạt cửa hàng đóng cửa do dịch, lĩnh vực này được cho là đã bão hòa. Trả lời lo lắng của cổ đông, Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định, doanh nghiệp không có tham vọng mở chuỗi theo kiểu thuê mặt hàng hàng chục nghìn USD mà sẽ dựa vào hệ thống 430 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt. Bổ sung hai dòng sản phẩm cà phê thương hiệu Hi-Café giúp Vinamilk tiếp tục mở rộng chiến lược phát triển mảng nước giải khát, đồng thời gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng đến cửa hàng chuyên doanh của doanh nghiệp này.
Bà Mai Kiều Liên cũng bác bỏ khả năng giá cổ phiếu bị ảnh hưởng do doanh nghiệp này đầu tư dàn trải. Người điều hành công ty sữa lớn nhất Việt Nam khẳng định biến động thị trường chứng khoán nói chung và giá cổ phiếu Vinamilk nói riêng phụ thuộc nhiều yếu tố, tuy nhiên, đang trên đà hồi phục.
"Việc của công ty vẫn là tiếp tục tập trung vào chiến lược đã được hoạch định nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định doanh thu, lợi nhuận và thị phần tăng đều đặn 1% mỗi năm", Tổng giám đốc nói.
Cả năm nay, Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng dương, thông qua giới thiệu các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, mở rộng hệ thống phân phối và duy trì dịch vụ tốt. Mục tiêu này dù thách thức nhưng được cho là có cơ sở để xác lập niềm tin vào nửa cuối năm. Bởi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới chịu nhiều tác động từ Covid-19, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận những kết quả ấn tượng.
Trong những năm trở lại đây, chiến lược xây dựng nền tảng vững vàng tại thị trường trong nước, tạo bước đà để vươn ra thế giới của Vinamilk phát huy hiệu quả rõ rệt. Sự vững chắc ở nội địa đã giúp doanh nghiệp này không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 đầu năm 2020, mà còn ghi nhận kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ 2019, đạt 14.153 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ cả hai mảng: kinh doanh nội địa tăng trưởng 7,9%, ghi nhận doanh thu thuần 12.092 tỷ đồng và xuất khẩu trực tiếp đạt 1.081 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với 2019.
Đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định trong năm 2020
Đại hội diễn ra hôm 26/6 cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức đợt cuối (đợt ba) của năm tài chính 2019 là 1.500 đồng một cổ phiếu. Như vậy, tổng cổ tức trên mỗi cổ phiếu của năm tài chính 2019 là 4.500 đồng, tương ứng tỷ lệ cổ tức chi trả xấp xỉ bằng 74% lợi nhuân sau thuế, thể hiện cam kết của công ty này trong việc duy trì chính sách cổ tức cao bằng tiền mặt. Vinamilk cũng phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5:1.
Trong giai đoạn mới, Vinamilk triển khai chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh, dự kiến sản xuất đường, phát triển các sản phẩm đường thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng...
Doanh nghiệp này cũng sẽ tham gia lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, mở hệ thống, chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và thức ăn kèm với thương hiệu Hi-Café. Ở lĩnh vực bán lẻ, phát triển dịch vụ đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet và bán lẻ hàng hóa mới trong các cửa hàng chuyên doanh và một số lĩnh vực khác. Dự kiến trong thời gian tới, Vinamilk sẽ trực tiếp bán các nguyên vật liệu cho các công ty con để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty này.
Trong điều kiện giãn cách xã hội và các hoạt động giao thương quốc tế bị gián đoạn vì Covid-19, Vinamilk vẫn ghi nhận nhiều thông tin tích cực về hoạt động xuất khẩu, nổi bật như ký hợp đồng xuất khẩu 20 triệu USD sữa sang Trung Đông vào tháng 2, hoàn tất việc xuất khẩu lô sữa đặc đầu tiên sang Trung Quốc trong tháng 4, xuất khẩu sữa đậu nành hạt và trà sữa sang Hàn Quốc với hợp đồng trị giá 1,2 triệu đô hồi tháng 6... Cũng trong tháng 6, Vinamilk trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sữa vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của các đơn vị thành viên, chi nhánh ở nước ngoài trong điều kiện dịch bệnh diễn ra trên toàn thế giới.
Vinamilk đang sở hữu hệ thống trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất châu Á với 12 trang trại trên cả nước. Đầu năm 2020, doanh nghiệp này và Mộc Châu Milk "về chung một nhà", góp phần nâng tổng đàn bò do Vinamilk quản lý lên đến hơn 150.000 con, sản lượng sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày trên một triệu lít, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển mọi sản phẩm.
Năm 2019, doanh thu thuần của Vinamilk tăng 7% lên gần 56.320 tỷ đồng. Thị trường nội địa đóng góp hơn 84%, còn lại đến từ xuất khẩu. Biên lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm đạt 47,1%, tăng nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế nối đà tăng trưởng và lập mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 10.550 tỷ đồng.
Tác giả: PV
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn