Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đại úy công an cho bị can thuê điện thoại bị khởi tố

Ngoài ông Lê Minh Sơn bị truy tố tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản thì phạm nhân giúp sức cũng bị xử lý cùng tội danh trên với vai trò đồng phạm.

Ngày 25-6, nguồn tin của PLO cho biết VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Lê Minh Sơn (35 tuổi, nguyên đại úy, cán bộ Trại tạm giam Công an Bình Thuận) về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

Cùng bị truy tố với tội danh trên còn có bị can Võ Ngọc Thiện (26 tuổi), phạm nhận tự giác tại Trại tạm giam Công an Bình Thuận.

 Đại úy Lê Minh Sơn nghe đọc lệnh khởi tố . Ảnh công an cung cấp

Theo cáo trạng, Thiện là phạm nhân đang chấp hành bản án 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích tại Trại tạm giam Công an Bình Thuận. Hàng ngày, Thiện được giao vệ sinh khu vực giam, đưa cơm nước cho các phạm nhân trong buồng và canh giữ khu B.

Lợi dụng công việc trên, khoảng giữa tháng 4-2019, một số bị can đang tạm giam nhờ Thiện đưa điện thoại vào trong buồng để liên lạc với người thân bên ngoài và sẽ trả tiền với giá cao. Thiện đồng ý và ra giá mỗi lần các bị can sử dụng điện thoại phải trả số tiền từ 5-7 triệu đồng.

Thiện tìm gặp đại úy Sơn (được phân công tuần tra, canh gác trong và ngoài khu vực giam giữ) để trao đổi và Sơn đồng ý.
Khoảng 10 ngày sau, Sơn đưa điện thoại cho Thiện như đã thỏa thuận. Sơn cùng Thiện đưa số tài khoản ngân hàng để người thân các bị can chuyển tiền sau mỗi cuộc gọi. Riêng Thiện cũng gọi cho bạn ở bên ngoài đứng tên mở giúp một tài khoản ngân hàng.

Khoảng 17 giờ hàng ngày, Thiện đi đến phía sau các buồng giam gõ 3 lần vào tường để ra ám hiệu. Khi nhận được ám hiệu, các bị can trong buồng giam sẽ thả dây qua lỗ thông gió để Thiện cột điện thoại đưa vào sử dụng kèm theo thông tin số tài khoản của người thân Sơn và Thiện.

Đến 6 giờ sáng hôm sau, Thiện đến các buồng giam ra ám hiệu để lấy lại điện thoại từ các bị can và giao cho Sơn để sạc pin.

Với cách “kinh doanh” này , từ ngày 27-4 đến 29-6-2019, Thiện và Sơn đã 18 lần chuyển điện thoại vào trong buồng giam cho các bị can và được người thân các bị can chuyển tiền vào tài khoản của Sơn và Thiện.

Sau một thời gian thì chiếc điện thoại bị hỏng, Thiện báo cho Sơn mua lại điện thoại khác để tiếp tục “kinh doanh”. Trong quá trình “kinh doanh”, vào ngày 28-5-2019, Thiện đưa điện thoại cho bị can Phạm Xuân Vinh bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang giam ở buồng giam số 2, dãy D sử dụng.

Vinh điện thoại cho gia đình hỏi thăm sau đó nhờ chuyển 6 triệu đồng vào tài khoản của vợ đại úy Sơn. Sau đó thấy bị tính phí cao quá, Vinh giấu luôn chiếc điện thoại này để sử dụng và báo cho Thiện biết là khi quản giáo kiểm tra sợ bị phát hiện đã ném xuống bồn cầu. Sau đó đại úy Sơn tiếp tục mua chiếc điện thoại thứ 3 giao cho Thiện tiếp tục “kinh doanh”.

Từ ngày 22-5 đến ngày 29-6-2019, phạm nhân Thiện đã đưa điện thoại 11 lần cho bị can Nguyễn Viết Huy, tức Huy “nấm độc” (bị tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy) và Nguyễn Văn Nưng ( phạm tội giết người) ở chung buồng giam số 5, dãy B.

Lợi dụng có điện thoại, Huy “nấm độc” đã gọi điện thoại ra ngoài cho đàn em nhiều lần, lên kế hoạch vượt ngục hoàn hảo và táo bạo như trong phim hành động.

6 lưỡi cưa sắt được đàn em Huy nhét vào các cây nem, chả lụa được đưa vào buồng giam và Huy, Nưng đã thay nhau cưa đứt các song sắt ở lỗ thông gió. Đến rạng sáng 30-6-2019, hai bị can này đã thoát ra ngoài trại giam và được đàn em thuê xe taxi chở vào TPHCM lẩn trốn.

 Huy (ảnh trên) và Nưng bị truy nã sau khi bỏ trốn (Ảnh CA)

Ngay sau khi xảy ra vụ vượt ngục chấn động gây xôn xao dư luận, Trại tạm giam Công an Bình Thuận đã cho tổng kiểm tra đột xuất toàn bộ các buồng giam. Sau đó đã phát hiện bị can Phạm Xuân Vinh ở buồng giam số 2, dãy D đang giấu 1 điện thoại di động.

Từ lời khai của Vinh, toàn bộ sự việc “kinh doanh” của đại úy Lê Minh Sơn và phạm nhân Võ Ngọc Thiện được Công an Bình Thuận phát hiện và chuyển Cơ quan điều tra VKSND Tối cao giải quyết theo thẩm quyền.
Tổng số tiền người thân bị can chuyển cho người thân Lê Minh Sơn là 91 triệu đồng, trong đó Thiện được nhận thù lao 10 triệu đồng. Ngoài ra Thiện cũng được người nhà bị can chuyển riêng cho 17 triệu đồng.

Đối với vợ của đại úy Sơn và bạn của Thiện khi mở tài khoản nhận tiền, cả 2 đều không biết sử dụng các tài khoản này cho việc phạm tội nên CQĐT VKSND tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với vụ án thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị giam giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn thì quá trình điều tra đến nay không đủ căn cứ xác định lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trại tạm giam Công an Bình Thuận không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác để hai can phạm bỏ trốn khỏi nơi giam.

Do đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án này. Đến nay, toàn bộ các cá nhân liên quan đến ca trực vào ngày xảy ra vụ trốn trại tạm giam đã bị kỷ luật về mặt đảng và chính quyền.

Cụ thể đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối 9 cán bộ, chiến sĩ và khiển trách 6 cán bộ, chiến sĩ khác.

 Đại úy Lê Minh Sơn bị bắt tạm giam ngày 2-8-2019 đến nay

Về trách nhiệm dân sự, toàn bộ thân nhân các can phạm đều xin nhận lại số tiền đã chuyển gồm 81 triệu đồng chuyển cho vợ Lê Minh Sơn và 27 triệu đồng chuyển cho bạn của Võ Công Thiện.

VKSND tối cao cũng phân công VKSND TP Phan Thiết (Bình Thuận) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Liên quan đến vụ trốn trại tạm giam của Huy và Nưng, ngày 23-6, TAND TP Phan Thiết đã tuyên phạt Nguyễn Viết Huy năm năm sáu tháng tù, cộng với 20 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải thi hành là 25 năm sáu tháng tù.

Nguyễn Văn Nưng bị phạt bốn năm sáu tháng tù, cộng với 12 năm tù về tội giết người, tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 16 năm sáu tháng tù.

Nguyễn Minh Hoàng (đồng phạm cung cấp cưa sắt) bị phạt ba năm sáu tháng tù, cộng với ba năm sáu tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là bảy năm tù.

Theo VKSND tối cao, đưa điện thoại di động vào buồng giam cho can phạm là việc cấm sử dụng theo quy định của Luật giam, giữ 2014. Vụ án có đồng phạm nhưng là đồng phạm giản đơn trong đó Lê Minh Sơn giữ vai trò chính, trực tiếp thực hiện, thu lợi bất chính nhiều hơn Võ Ngọc Thiện và Thiện là người khởi xướng, thực hành tích cực.

Tác giả: Phú Nhuận

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM