Nghệ An: Dân lấn chiếm hành lang cầu, huyện dùng ngân sách giải tỏa
- 11:31 26-06-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lực lượng liên ngành cưỡng chế xử lý vi phạm hành lang ATGT QL48D |
Ngày 26/06, UBND huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) phối hợp với lực lượng TTGT, Hạt quản lý đường bộ, thuộc Sở GTVT Nghệ An và Công ty CP 496 đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm hành lang ATGT tuyến QL 48D đoạn qua xã Châu Thành.
Ông Cao Thắng - Hạt trưởng hạt QLĐB Châu Phong cho biết: Chúng tôi phát hiện trường hợp vi phạm đầu tiên từ tháng 9/2019, sau đó đến đầu năm 2020 tiếp tục phát hiện thêm 3 hộ vi phạm. Tổng diện tích vi phạm hành lang ATGT cầu đường bộ với diện tích khoảng 1.150m2. Ngay khi phát hiện, đơn vị quản lý phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản xác nhận vi phạm sau đó báo cáo tuần kiểm, thanh tra để tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính chuyển UBND huyện Quỳ Hợp ra quyết định xử phạt.
Theo ghi nhận của PV, các hộ dân không chỉ đổ đất chiếm hành lang ATGT đường bộ mà còn phá dỡ hộ lan bằng bê tông, đổ đá, bê tông làm kè ở 2 đầu cầu Tiến Thành 1 (Km125+653 QL48D), làm thay đổi dòng chảy của khe suối, gây nguy cơ hư hỏng cầu vào mùa mưa. Trong sáng 26/6, lực lượng liên ngành đã huy động 2 máy xúc, nhiều xe vận chuyển để đào múc đất đá lấn chiếm hành lang. Do khối lượng đất đá rất lớn nên dự kiến phải thực hiện gần 1 tuần mới xong.
Trực tiếp chỉ đạo công tác cưỡng chế xử lý vi phạm, ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Thời gian qua, thực hiện Nghị Quyết 56 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, huyện và các lực lượng chức năng của huyện tháng nào cũng tổ chức các đợt ra quân xử lý vi phạm hành lang ATGT của 3 tuyến quốc lộ và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ qua địa bàn. Đến nay các trường hợp vi phạm đều cơ bản được xử lý. Tuy nhiên, cái khó trong công tác xử lý chính là chống tái lấn chiếm. Nhiều trường hợp xử lý đi, xử lý lại nhiều lần nhưng không thể dứt điểm.
“Riêng 4 trường hợp vi phạm ở xã Châu Thành, đều là đồng bào dân tộc Thái, nhận thức về hành lang ATGT đường bộ còn hạn chế. Đất đều là các hộ khai hoang, sản xuất từ lâu. Do không hiểu biết về pháp luật nên mới vi phạm. Khi được tuyên truyền giải thích họ đều chấp hành và nộp phạt đầy đủ, tuy nhiên, các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo nên họ không có khả năng tự khắc phục hậu quả. Để đề phòng tái lấn chiếm, huyện phải tổ chức cưỡng chế. Kinh phí do ngân sách huyện và đơn vị quản lý đường bộ hỗ trợ một phần”, ông Tường cho hay.
Chị Vi Thị Liên (60 tuổi, trú xóm Trung Thành, Châu Thành - một trong 4 hộ vi phạm) cho biết: Nhà tôi cách đây khoảng 500m, còn đất này nhà mình khai hoang từ xưa. Trước vẫn để làm ruộng, nhưng cũng hay bị ngập vì sát con suối. Giờ gia đình kè lên đổ đất định cho con trai ra dựng nhà ở nhưng các bác bảo vi phạm thì mình đành chịu. Mình có biết đó là hành lang cầu đâu, thấy người ta làm nhà được thì mình làm theo chứ không cố tình vi phạm.
Một số hình ảnh cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế:
Hai đầu cầu Tiến Thành 1 bị các hộ dân đổ đất lấn chiếm. |
Lực lượng chức năng huy động máy xúc múc bỏ phần đất, kè xâm phạm hành lang. |
|
Các hộ dân sau khi được tuyên truyền giải thích đều thừa nhận hành vi vi phạm, tuy nhiên vì là người dân tộc Thái, lại là các hộ nghèo nên các hộ có đơn xin được chính quyền hỗ trợ việc khắc phục hậu quả.
Để chống tái lấn chiếm và bảo vệ cầu khi mùa mưa lũ đang tới gần, huyện Quỳ Hợp và đơn vị quản lý địa phương đã phải dùng ngân sách để giải tỏa vi phạm. |
Do khối lượng đất đá quá lớn nên dự kiến phải mất 1 tuần lực lượng chức năng mới khôi phục lại được hành lang ATGT cầu, đường bộ. |
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: atgt.vn