Nghi vấn “rò rỉ” thông tin nhạy cảm từ chiếc điện thoại quay lén nữ sinh trong nhà vệ sinh nữ
- 13:54 22-06-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hình phạt nặng cho một phút tò mò
Từ giữa tháng 6/2020, một số trang Facebook đăng tải bài viết về chuyện học sinh nữ trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) bị nam sinh quay lén.
Các thông tin còn tiết lộ việc “tồn tại 1 hội nhóm đang quấy rối tình dục các nữ sinh”, “chia sẻ, trao đổi các clip quay lén nữ sinh đi vệ sinh, thay quần áo”,…
Những bài viết “kêu cứu” này còn cho rằng, ban giám hiệu giải quyết vụ việc không thỏa đáng vì danh tiếng nhà trường.
Mặc dù kêu gọi ủng hộ cho nữ sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhưng các bài viết đều được trao đổi ẩn danh qua trang confession (admin page nhận thông tin nhưng không biết người gửi) của các đơn vị khác như trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Mạc Đĩnh Chi tại TP.HCM.
Thông tin “kêu cứu” cho các nữ sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai lan truyền trên mạng xã hội. |
Để tìm hiểu chi tiết sự việc, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Theo đó, phía nhà trường xác nhận về trường hợp kỷ luật 1 nam sinh có hành vi quay lén bạn nữ đi vệ sinh vào tháng 5/2020.
Cụ thể về việc này, bà Lệ cho hay, tại trường có các khu vệ sinh dành riêng cho nam và nữ với khoảng cách riêng biệt. Duy nhất khu vệ sinh ở cầu thang tầng 1 được chia ra 2 phòng cho nam và nữ. Giữa vách ngăn của 2 phòng vệ sinh có khoảng trống để thoáng khí.
Sáng 12/5, thấy nhà vệ sinh vắng người, nam sinh Phạm Thế H. đã đặt điện thoại lên lỗ hổng trên tường thông sang phòng vệ sinh nữ để quay lén. Hành vi này bị nữ sinh B.L.M.A phát hiện. Vì hoảng sợ nên trong lúc bỏ chạy, nam sinh đánh rơi điện thoại xuống nước.
Ngay khi sự việc xảy ra vào ngày 12/5, nhà trường tiến hành xử lý từng bước theo quy trình rõ ràng. Trước khi báo cáo lên ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đã mời phụ huynh 2 học sinh với bản tường trình của nữ sinh và bản kiểm điểm của nam sinh. Trong bản tường trình, H. cho biết nguyên nhân của “hành vi xấu” là do tò mò.
Ngày 22/5, hội đồng kỷ luật nhà trường nhất trí với hình thức khiển trách, xếp loại hạnh kiếm yếu đối với nam sinh. Song, hội đồng sẽ xem xét lại vào cuối năm học để đánh giá quá trình cải thiện đạo đức của học sinh Phạm Anh H. và có quyết định phù hợp.
|
Dấu hỏi về chiếc điện thoại tang vật?
Thông tin về sự việc nhanh chóng lan truyền với nhiều tình tiết thêm thắt, tạo ra những tin đồn không chính xác. Trước những bài viết trên mạng xã hội, ban giám hiệu đã tổ chức họp, báo cáo Ban Tuyên giáo Quận ủy, phòng Chính trị tư tưởng. Trong đó, nhà trường khẳng định, chiếc điện thoại trong vụ việc sau khi rơi xuống nước đã hư hỏng nên các hình ảnh, clip (nếu có) đều không bị phát tán, không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời câu hỏi của PV về việc, cơ quan nào xác nhận rằng dữ liệu điện thoại không bị rò rỉ, bà Nguyệt Lệ chia sẻ: “Chúng ta làm việc với nhau cần phải có niềm tin. Chiếc điện thoại đã bị niêm phong, cất giữ tại văn phòng nhà trường sau khi đã thử sửa chữa nhiều lần để phục hồi dữ liệu nhưng không thể”.
Phong bì niêm phong chiếc điện thoại trong vụ việc được nhà trường cất giữ. |
Bà Nguyệt Lệ cũng trình bày: “Sau sự việc, nhà trường đã xây bít lỗ thông giữa 2 nhà vệ sinh và khu vực này chỉ còn sử dụng làm nhà vệ sinh nữ. Tâm lý các học sinh trong cuộc đã ổn định. Nữ sinh nạn nhân đã bao dung, tha thứ cho bạn kia. Còn nam sinh vi phạm đang được mọi người giúp đỡ, từ giáo viên, bạn bè nhất là gia đình. Điều đáng tiếc là nam sinh vốn rất ngoan, chưa hề vi phạm nội quy. Sự việc xảy ra khiến nhiều giáo viên hụt hẫng, bất ngờ. Nguyên nhân có thể là do tâm lý lứa tuổi, một phút bốc đồng tuổi trẻ”.
Vị Phó Hiệu Trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng nhận định, do thông tin lan truyền vượt khỏi phạm vi nhà trường nên cần cơ quan an ninh, thậm chí là cơ quan điều tra phối hợp làm rõ, xử lý.
“Chúng tôi đã báo cáo giải trình với cấp trên, Hiệu trưởng đang họp với Quận ủy về vấn đề phát sinh. Còn nhận thức của học sinh khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ định hướng lại cho các em. Tất cả phải cùng vào cuộc, đặc biệt là vai trò của trợ lý thanh niên. Mình sẽ nắm bắt thông tin, đặc biệt là các em admin page Facebook là đầu mối để định hướng dư luận. Chúng tôi còn đang làm mạnh ở kênh giáo viên chủ nhiệm. Họ sẽ định hướng lại cho học sinh bằng các group lớp khi các em đang bị lệch lạc theo trào lưu”, bà Nguyệt Lệ nói.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) được thành lập vào năm 1913, là một trong những đơn vị lâu đời nhất của nền giáo dục Việt Nam. |
Đại diện ban giám hiệu còn nhấn mạnh, nhà trường luôn cố gắng làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh cho học sinh, khuyến cáo về ý thức khi sử dụng mạng xã hội thông qua các đoàn thanh niên, chi đoàn giáo viên và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Nhưng sự việc ngoài ý muốn vẫn xảy ra.
Sau khi học sinh kết thúc kỳ thi học kỳ II (ngày 19/6), nhà trường sẽ tổ chức buổi nói chuyện về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho tất cả học sinh. Đồng thời, trong cuộc họp sắp tới, nhà trường sẽ tăng cường trao đổi với ban đại diện cha mẹ học sinh để nắm bắt thêm và có biện pháp lâu dài.
Cần bảo vệ nạn nhân trước thông tin khơi lại tổn thương Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, viện Việt Nam Bách nghệ thực hành nhận xét, khi trực tiếp gặp phải “tai nạn” ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, danh dự,…của mình, nữ sinh trong vụ việc sẽ bị sang chấn về tâm lý. Tiếp đến, sự việc bị khơi lại, nạn nhân không có công cụ để tự bảo vệ, hoàn toàn phụ thuộc vào bên thứ 3 và rơi vào nhóm yếu thế với mức độ lo lắng tăng cao. “Trường hợp này khác với người trưởng thành có khả năng tự giải quyết vấn đề. Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc để dập tắt kịp thời những thông tin lan truyền, tránh cho sự việc bị đẩy đi quá xa. Nếu không, vì phát triển chưa toàn diện về nhận thức cũng như tâm lý, nạn nhân có thể có những hành vi thiếu kiểm soát. Quan trọng nhất, những người này phải nghĩ mình là nạn nhân, mình không có lỗi gì trong sự việc này”, ông Hòa An phân tích. H.N |
Tác giả: Hà Nhân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn