Sông Lam Nghệ An: Dành cả 20 năm V.League để… nuôi “trụ cột” cho đội khác
- 09:09 22-06-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bền bỉ trụ hạng ở V.League
Thấm thoát kể từ khi cựa mình lên bóng đá được xem là chuyên nghiệp, V.League đã bước sang tuổi đời thứ 20. Trong 2 thập kỷ ấy, biến cố với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam xảy ra như cơm bữa. Giai đoạn cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, người hâm mộ phát chóng mặt vì V.League. CLB đổi chủ xoành xoạch. Các ông bầu thi nhau thể hiện mình như một quả bóng được thổi phồng lên rồi bất ngờ nổ tung lúc nào không hay. Thế mới có chuyện một loạt đội bóng đang giàu có bỗng dưng giải thể.
Và cũng chẳng cần nhắc đến mớ bong bóng ảo ấy, ngay cả một CLB có tuổi đời lên đến 40-50 tuổi như Thể Công cũng chẳng thể tránh vòng xoáy thương trường nghiệt ngã. Năm 2009, một biểu tượng của bóng đá Việt Nam sụp đổ. Khi ấy, người ta chẳng tin rằng sẽ chẳng có một CLB giàu truyền thống nào có thể trụ vững trước thứ bóng đá khắc nghiệt, nửa chuyên nghiệp, nửa nghiệp dư như V.League.
Nhưng đến nay, Sông Lam Nghệ An (SLNA) đang tồn tại ở V.League. Sau chức vô địch đầu tiên ngay khi giải đấu chuyển mình với tên gọi V.League vào mùa 2000-2001, SLNA mất đi vị thế vào tay HAGL, Đồng Tâm Long An, SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương rồi Hà Nội T&T. Chức vô địch năm 2011 - lần thứ 3 lên ngôi ở V.League cũng chỉ là một điểm sáng le lói. Bởi ngay sau đó, SLNA lại chỉ là cái bóng của B.Bình Dương và nay là Hà Nội FC.
Kể cả khi không phải là đội bóng thành công nhất V.League thì SLNA vẫn là đội bóng bền bỉ trụ lại lâu nhất với giải đấu này. 20 năm, một nửa tuổi đời của đội bóng xứ Nghệ gắn chặt với V.League. Có một sự thực là suốt 20 năm ấy, trải qua nhiều biến cố, khó khăn, thậm chí là khủng hoảng, kể cả từ lãnh đạo, tài chính cho đến cả vấn đề nội bộ, SLNA vẫn duy trì một quy luật bất thành văn. Đó là không bao giờ được phép mất đi 4 chữ Sông Lam Nghệ An trong cái tên của đội bóng.
Một điều khác, SLNA chưa bao giờ kết thúc dưới vị trí thứ 10 ở mỗi một mùa giải. Họ có thể thi đấu không hay, có thể không đạt phong độ ấn tượng nhưng SLNA đã và đang trụ lại, để trở thành đội bóng có tuổi đời lâu nhất tại V.League. Tính cách kiên cường, chịu khó, không đầu hàng trước số phận của người Nghệ An hiện một cách rất rõ ràng thông qua chính hình ảnh thu nhỏ mang tên Sông Lam Nghệ An, biểu tượng bóng đá của xứ Nghệ.
Đội bóng đá Sông Lam Nghệ An đã trụ lại V.League tới 20 năm. |
Cung cấp “ngôi sao” cho các đội bóng khác
SLNA không phải là một đội bóng giàu có. Phải thừa nhận là như vậy. Ngân sách mỗi mùa khoảng 2-30 tỷ đồng là không đủ để SLNA có thể đánh đu chiêu mộ “ngôi sao” với những đại gia kiểu Hà Nội FC, B.Bình Dương, hay gần đây là TP Hồ Chí Minh - những đội bóng sở hữu “sân sau” và ông chủ có tiềm lực tài chính hùng hậu.
Vốn dĩ đã thua thiệt khi đi chợ, SLNA còn chứng kiến cảnh “mất trụ cột” qua mỗi mùa giải. Như đã nói, họ không đủ giàu để sẵn sàng chi 9-10 tỷ đồng tiền lót tay cho các cầu thủ vốn được mình đào tạo lên đến tầm cỡ ngôi sao. Ngược lại, bản thân các cầu thủ dù cũng rất muốn cống hiến cho đội bóng quê hương nhưng họ cũng cần tiền để lo cho mưu cầu bản thân. Thành thử, như một quy luật bất thành văn, cứ đến khi mùa giải khép lại, một trụ cột của SLNA lại xách va li lên đường tìm một vùng kinh tế mới.
Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Quang Tình, Nguyễn Trọng Hoàng, Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn rồi thì gần đây là Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Quế Ngọc Hải, Trần Nguyên Mạnh, Hồ Khắc Ngọc cứ lần lượt tạm biệt xứ Nghệ để tỏa ra khắp các chân trời V.League. Có dạo trong cuộc họp BCH của LĐBĐ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh của SLNA còn nói đùa rằng: “Chẳng biết chừng, năm sau lại đến lượt Văn Đức sang Viettel cũng nên”.
Câu nói ấy một phần xuất phát từ việc Viettel liên tục “đẽo” trụ cột của SLNA, từ Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc trong 2 năm gần đây. Một phần khác, người ta cũng thấy được sự bất lực của SLNA trong việc gìn giữ những trụ cột. Cần nói thêm rằng, cuối mùa này, SLNA cũng sẽ hết hợp đồng với Phan Văn Đức.
HLV Ngô Quang Trường sau chiến thắng trước Hà Nội FC nói ra một niềm tự hào nhưng cũng đầy cay đắng. Rằng SLNA đã thắng được dàn sao của Hà Nội FC bằng những cầu thủ vô danh. Quả thực, ngoài Phan Văn Đức, chẳng nhiều người biết những cầu thủ SLNA đang thi đấu trên sân là ai. Họa chăng có Đình Đồng từng đá đội tuyển Việt Nam hay Bá Sang, Văn Lắm, Tuấn Tài chơi cho đội tuyển trẻ quốc gia dạo trước. Vậy khi cuối mùa này, Văn Đức hết hợp đồng với SLNA và ra đi, ai sẽ lại là trụ cột khác lên thay cho ngôi sao khoác áo số 20 của đội bóng xứ Nghệ, để rồi vài năm nữa lại lên bục… tế đàn cho những ông lớn ở V.League.
Có một sự mâu thuẫn cứ tồn tại trong 20 năm tại V.League của SLNA, đó là ngay cả khi họ cứ mất trụ cột ở mỗi mùa thì SLNA luôn kết thúc trong top 10 của giải đấu. Với tình hình hiện tại, vị trí thứ 1 sau 5 vòng đấu cùng 11 điểm, đội bóng của HLV Ngô Quang Trường nhiều khả năng sẽ kết thúc được trong top 8 của giai đoạn 1, qua đó chính thức trụ hạng theo thể thức đặc biệt áp dụng cho V.League 2020. Và thế là, một mùa giải nữa, SLNA hạ cánh an toàn, dù lực lượng của họ bị đánh giá có thể rớt hạng trước khi V.League khởi tranh.
Văn Hoàng, thần tượng mới của SLNA Khi Văn Đức có thể chia tay SLNA sau khi mùa giải này khép lại thì người hâm mộ đội bóng xứ Nghệ bắt đầu dần có “thần tượng” mới tại đội bóng. Đó là thủ môn Nguyễn Văn Hoàng, người con của Nghệ An từng được đào tạo tại “lò” của Hà Nội. 5 trận liên tiếp đầu mùa không thủng lưới, Văn Hoàng đang là điểm tựa để SLNA có thể lần đầu tiên sau 9 năm đứng ở vị trí số 1 V.League. Quan trọng hơn, tình yêu dành cho bóng đá Nghệ An của Văn Hoàng là vô cùng cháy bỏng. 7 năm trước, anh lục tung các diễn đàn người Nghệ An chỉ để tìm được đoàn cổ động viên theo chân SLNA thi đấu. Cũng giai đoạn ấy, anh thần tượng và mến mộ cuồng nhiệt người đàn anh Nguyên Mạnh. Thậm chí, Văn Hoàng còn sướng rơn lên khi được sử dụng đúng chiếc giường mà Nguyên Mạnh để lại trước khi gia nhập Viettel. Đẹp trai, khiêm tốn, tài năng, khát khao và tình yêu Nghệ An mạnh mẽ, Văn Hoàng có thể chính là ngôi sao mới tiếp theo của SLNA, nếu như Văn Đức nói lời tạm biệt. |
Tác giả: Nhật Hạ
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân