Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier vừa triệu tập danh sách sơ bộ 29 cầu thủ U.19 Việt Nam để chuẩn bị cho Giải U.19 châu Á 2020. Nếu như Hà Nội FC gây chú ý khi đóng góp tới 11 gương mặt thì ở chiều hướng ngược lại Sông Lam Nghệ An lại không có bất cứ cầu thủ nào.

Lâu nay, người hâm mộ Sông Lam Nghệ An luôn tự hào rằng: Bóng đá xứ Nghệ không bao giờ thiếu nhân tài. Từng có thời điểm, cầu thủ Nghệ An thống trị ở các giải trẻ và “phủ sóng” ở hầu khắp các đội tuyển bóng đá quốc gia. Đóng góp của các cầu thủ Nghệ An cho bóng đá Việt Nam là không thể phủ nhận; trong đó có thể kể tới Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Huy Hoàng, Dương Hồng Sơn hay Lê Công Vinh...

Nói đến bóng đá trẻ Việt Nam là nhắc đến “lò” đào tạo truyền thống Sông Lam Nghệ An. Hiếm có địa phương nào trên cả nước mà có hệ thống với 25 lớp bóng đá nghiệp dư tại các huyện trong tỉnh như Nghệ An. Gần như mỗi xã, mỗi xóm làng đều có ít nhất 1 sân bóng đá. Với người dân nơi đây, bóng đá không đơn thuần là giải trí mà nó còn là niềm tự hào mang giá trị truyền thống.

Từng có một thời mà cả bóng đá Thủ đô là Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB đều được coi là “sân sau” của bóng đá xứ Nghệ. Có hơn 2/3 đội hình xuất phát của Hòa Phát Hà Nội ngày ấy là cầu thủ xứ Nghệ (kể cả thời điểm HLV Nguyễn Thành Vinh không dẫn dắt). Lúc đó, những nhân tài bóng đá quê gốc Nghệ An của đội bóng này gồm: Viết Nam, Ngọc Tú, Hải Nam, Đức Lam, Công Mạnh, Văn Lưu, Văn Vinh… Trong khi đó, Hà Nội ACB thực hiện cuộc "Sông Lam hóa" nhẹ nhàng hơn nhưng cũng có Hải Nam, Đức Thịnh, Quốc Hiền, Lâm Tấn, Đức Thắng. Rồi Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) những ngày đầu gây dựng cũng dựa vào cả quân lẫn tướng xứ Nghệ. Từ HLV Hữu Thắng đến cầu thủ Hồng Sơn, Cao Xuân Thắng, Hồng Tiến, Công Vinh… đã giúp Hà Nội T&T trở thành một đội bóng có “số má” trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

 Danh sách 29 cầu thủ U.19 Việt Nam hiện nay không có cầu thủ nào của Sông Lam Nghệ An. Ảnh: VFF.

Nói thế để thấy, “lò” đào tạo Sông Lam Nghệ An có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ngay tại V-League 2020, nhiều cầu thủ xứ Nghệ vẫn đang tung hoành và có đóng góp quan trọng ở nhiều đội bóng. Có thể kể tới Quế Ngọc Hải, Hồ Khắc Ngọc, Trần Nguyên Mạnh ở Viettel FC; Trần Phi Sơn ở TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động là bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An vài năm trở lại đây không còn duy trì được sức mạnh như trước. Lần gần nhất U.19 Sông Lam Nghệ An vô địch quốc gia là vào năm 2006. Trong 13 năm qua, U.19 Sông Lam Nghệ An chỉ có thêm 3 lần vào chung kết quốc gia nhưng không thể đoạt chức vô địch. U.17 Sông Lam Nghệ An từng thống trị tuyệt đối giải quốc gia giai đoạn 2004-2009 nhưng trong 7 năm gần nhất họ không thể một lần giành thành tích cao nhất... Và mới nhất, câu chuyện không có cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An nào được triệu tập lên đội tuyển U.19 Việt Nam chắc chắn khiến người hâm mộ xứ Nghệ không khỏi chạnh lòng. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng cầu thủ xứ Nghệ không phù hợp với chiến thuật của HLV Philippe Troussier? Có phải bóng đá trẻ Nghệ An không có nhân tài sáng giá ở lứa U.19 này? Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa thì chúng ta có thể khẳng định một điều rằng bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An đang thụt lùi. Thậm chí cách đây 5 năm, Chủ tịch câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh đã thừa nhận: “Bóng đá trẻ Nghệ An đang chảy máu vì tiền”.

Có nhiều nguyên nhân khiến bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An không còn giữ được vị thế như trước. Đầu tiên cần phải nói tới vấn đề tài chính. Kể từ chức vô địch V-League 2011, ngoài tiền hỗ trợ của tỉnh, đội bóng xứ Nghệ chỉ có thể dựa vào một nguồn kinh phí duy nhất đó là Ngân hàng Bắc Á. Việc đội 1 đang phải “ăn đong ăn đếm” suốt những năm qua thì chuyện đội trẻ gặp khó khăn về kinh phí cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, “lò” Sông Lam Nghệ An giờ không còn là sự lựa chọn duy nhất của các tài năng trẻ xứ Nghệ. Sự ra đời của những Hoàng Anh Gia Lai Arsenal-JMG, Trung tâm thể thao Viettel, PVF với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia huấn luyện tốt hơn là điểm đến lý tưởng cho các tài năng bóng đá. Cũng vì lẽ đó, nhiều năm trở lại đây các “lò” đào tạo này đã vào cuộc tìm kiếm những viên ngọc thô xứ Nghệ, cạnh tranh với chính Sông Lam Nghệ An.

“Chảy máu” tài năng là câu chuyện đã được nói đi nói lại nhiều ở Sông Lam Nghệ An những năm qua. Trong bối cảnh nhiều “lò” đào tạo bóng đá áp dụng phương pháp huấn luyện chuyên nghiệp, có thiết bị hỗ trợ tập luyện chuẩn châu Âu, có phòng tập thể lực, phòng hồi phục đạt chuẩn.... thì Sông Lam Nghệ An vẫn đào tạo cầu thủ theo phương pháp cũ là một bước thụt lùi. Những người trong cuộc của bóng đá xứ Nghệ đều hiểu điều đó nhưng để giải quyết vấn đề này không phải là chuyện một sớm một chiều. Điều quan trọng vẫn là tiền đâu?

Tác giả: HOA LƯ

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân