Đại biểu Quốc hội ‘chấm điểm’ ông Vương Đình Huệ trên cương vị Phó Thủ tướng
- 09:38 11-06-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việt Nam từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế
Nhìn lại chặng đường điều hành và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 của Chính phủ, chúng ta nhận thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế đang chậm lại thì những thành tựu kinh tế của Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2016-2020 là những điểm sáng vô cùng khích lệ.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã có một quyết tâm rất lớn, thể hiện một lời hứa trước nhân dân rất mạnh mẽ là Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Phạm Quang Vinh. |
Vì vậy, sau những nỗ lực, Việt Nam đã có một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với thế giới. Việt Nam đã từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế, đặc biệt, chúng ta đã liên tục đạt được sự tăng trưởng trong thời gian qua.
"Việt Nam đã tạo ra nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo "mạch máu" của hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho người dân và làm chỗ dựa cho kinh doanh phát triển", ông Vũ Trọng Kim nói.
"Thử thách của đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy nền kinh tế vĩ mô của chúng ta rất ổn định, nhất là hệ thống ngân hàng của chúng ta rất vững vàng, giúp cho nền kinh tế phát triển tốt sau dịch bệnh. Điều này thể hiện sự chủ động trong điều hành, quản trị nhà nước đối với kinh tế -xã hội", ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là tích cực, khi tốc độ tăng dư nợ công chỉ khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 so với mức tăng 18% của giai đoạn 2011 - 2015. Vì thế, tỷ lệ nợ công trong 4 năm qua đều giảm qua từng năm và giảm sâu so với mức trần 65% GDP mà Quốc hội phê duyệt. Cuối năm 2019 nợ công chỉ còn khoảng 55% GDP. Song song với đó, cơ cấu vay nợ chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỷ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước. Năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61%, hay năm 2016 là 60,1% dư nợ chính phủ thì đến nay đã đảo chiều, tỷ trọng vay trong nước cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ.
Chính phủ tăng thu ngân sách, xử lý điểm nghẽn nợ xấu
ĐBQH Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, ông đánh giá rất cao vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ ở nhiệm kỳ qua, bởi những kết quả tích cực đã chứng minh rằng các quyết sách Phó Thủ tướng tham mưu cho Thủ tướng cùng tập thể Chính phủ đưa ra là đúng quy luật khách quan và được phát huy. Đó là các quyết sách của người vốn được đào tạo bài bản về tài chính, có cơ sở lý luận thực tiễn.
Về chính sách tài khóa, ĐBQH Trần Quang Chiểu nhận định, thời điểm này không những ổn định mà ngày càng vững chắc. Thu ngân sách nhà nước tăng qua các năm, với tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tốc độ tăng trưởng CPI và tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó, thu nội địa chiếm trên 80% tổng thu ngân sách Nhà nước.
“Lần đầu tiên, thu nội địa không chỉ đủ chi thường xuyên mà còn một phần để đầu tư. Những nhiệm kỳ trước, thu nội địa chưa bao giờ đủ chi thường xuyên mà còn phải đi vay để chi. Chi thường xuyên đến thời điểm này cũng đã giảm. Tỷ trọng thu-chi cho đầu tư phát triển mỗi năm đều tăng khoảng 8-10%. Theo đó, bội chị ngân sách của Việt Nam giảm rất nhanh. Từ những năm đầu nhiệm kỳ là 5%, đến hết năm 2019 chỉ còn 3,34%”, ĐBQH Trần Quang Chiểu cho hay.
Đại biểu Trần Quang Chiểu Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, ông đánh giá rất cao vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ ở nhiệm kỳ qua. Ảnh: Phạm Quang Vinh. |
Theo ĐBQH đoàn Nam Định, với kết quả trên, nợ công của Việt Nam cũng đã giảm về mức an toàn, thay vì mức trong giới hạn cho phép trước đây.
Cụ thể, trước đây, tốc độ nợ công của Việt Nam là 18-19/năm (từ năm 2010 đến 2015), tỷ lệ nợ công có những năm sát ngưỡng 65% GDP. Dù vậy, từ năm 2016 đến nay tốc độ tăng nợ công giảm dần và rất thấp, tỷ lệ nợ công từ 2016 đến nay chỉ chiếm khoảng 55% GDP trong khi đó Quốc hội cho phép đến 65%.
Không những thế, các dự án vay trong nhiệm kỳ vừa rồi đều có hiệu quả chứ không có tình trạng kém hiệu quả như trước đây. Cùng với đó, cơ cấu nợ được cải thiện đáng kể, kỳ hạn vay kéo dài, lãi suất cũng giảm xuống.
“Những kết quả bước đầu trong việc kiểm soát nợ công, bội chi này đã góp phần quan trọng đáng kể trong việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn được quyền lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn lãi suất chứ không phải vay bằng mọi giá như trước đây”, ĐBQH Trần Quang Chiểu nói.
Theo vị đại biểu đoàn Nam Định, nợ xấu từng được xem là điểm nghẽn, cục máu đông trong nền kinh tế, làm giảm việc cung ứng vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, sửa đổi hệ thống tín dụng để đảm bảo được sự bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, Chính phủ đã xử lý được điểm nghẽn nợ xấu này. Nợ xấu từ trên 10% toàn hệ thống và thậm chí còn cao hơn nhưng đến nay còn 2,02%; xử lý số tiền trên 227 nghìn tỷ đồng, đạt trên 43% tổng số nợ xấu cần xử lý.
“Tôi đánh giá cao việc này bởi nếu chúng ta không xử lý được nợ xấu thì sẽ ách tắc trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn. Xử lý được nợ xấu nghĩa là chúng ta đã giải phóng được vốn tín dụng. Đây mới là ý nghĩa quan trọng”, ĐBQH Trần Quang Chiểu nhấn mạnh.
Một điểm nữa được ĐBQH Trần Quang Chiểu đánh giá cao là Chính phủ đã điều hành cung ứng đủ và gắn chặt hiệu quả vốn tín dụng từ đó góp phần tích cực trong ổn đinh kinh tế vĩ mô. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như tín dụng nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay khối tư nhân… Đến nay tín dụng chỉ tăng xung quanh 15% mỗi năm. Trong đó, tín dụng cho “tam nông” chiếm 25%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 18%. Có thể nói tín dụng trong giai đoạn hiện nay là chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Và chúng ta đã mở rộng được thị trường vốn. Trước năm 2016 thì tỷ lệ vốn thị trường chứng khoán tham gia nền kinh tế chỉ xung quanh 3-4% nhưng bây giờ đã chiếm 18% - 20% vốn thị trường chứng khoán cung ứng cho nền kinh tế.
“Đây là thành công rất lớn trong thị trường vốn của chúng ta, trong đó có vai trò và sự đóng góp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ”, ĐBQH đoàn Nam Định nhấn mạnh.
“Thủ tướng rất năng động, các Phó Thủ tướng rất quyết liệt”
Để có được "bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng" như hôm nay, ĐBQH Vũ Trọng Kim nhận định đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và năng động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng, trong đó phải kể đến sự đóng góp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với vai trò là một nhà kinh tế chiến lược.
Trong thời gian giữ cương vị trí Phó Thủ tướng, ông Vương Đình Huệ đã có nhiều giải pháp, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo ra tăng trưởng liên tục, lạm phát thấp, ổn định, đem lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong, ngoài nước trong quá trình phát triển.
Hay ở vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, ông Vương Đình Huệ cũng đã rất sát sao, tâm huyết cùng các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng luôn đề nghị các tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình liên tục, phát triển bền vững, không chạy theo thành tích, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu... Mục tiêu nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ...
Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian ở cương vị Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này, ông Vương Đình Huệ đã thực hiện nhiều chuyến thăm các nước châu Mỹ, châu Phi... Các chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ song phương và tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy xuất khẩu.
"Chúng ta cần có nhiều nhà chiến lược kinh tế như ông Vương Đình Huệ. Đồng thời, chúng ta cũng cần có những người có khả năng xử lý tình huống nhanh và hiệu quả đối với những bước ngoặt của phát triển kinh tế. Thời gian qua, ông Vương Đình Huệ đã đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Vũ Trọng Kim nhận định.
Đại biểu Quốc hội đánh giá trên cương vị Phó Thủ tướng ông Vương Đình Huệ đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tham mưu giúp Thủ tướng về lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Ảnh: Phạm Quang Vinh. |
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay, qua quá trình giám sát cá nhân, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tham mưu giúp Thủ tướng về lĩnh vực kinh tế vĩ mô.
“Có nhiều lần, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội để lý giải nhiều vấn đề rất quan trọng. Với sự hiểu biết rất sâu sắc, tôi cho rằng Phó Thủ tướng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian qua”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Bến Tre, trong quá trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham mưu, chỉ đạo trong lĩnh vực của mình, ông nhìn nhận thấy có rất nhiều nét “tươi mới”, có tính khoa học trong vấn đề đánh giá, xây dựng chính sách về kinh tế vĩ mô của nước ta trong thời gian vừa qua. Từ đó đã góp phần cho Chính phủ hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu đặt ra.
Còn ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhận xét: “Quá trình điều hành công việc thể hiện Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là người có kiến thức rất quy củ, bài bản”.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, với những đóng góp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhiệm kỳ này của Chính phủ gần như không có những “tắc nghẽn” quá lớn về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
“Tôi từng chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rất nhiều. Nhìn chung, những vấn đề Phó Thủ tướng trả lời đều rất mạch lạc, diễn giải hợp lý khi thể hiện trên diễn đàn của Quốc hội", đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đánh giá.
Lãnh đạo Hà Nội vượt qua đại dịch Covid-19
Chiều 10/6, Quốc hội nghe tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng của ông Vương Đình Huệ. Quy trình miễn nhiệm được hoàn tất vào sáng 11/6.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê ở Nghệ An. Ông Huệ đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trước khi giữ cương vị Phó Thủ tướng từ tháng 4/2016.
Tới tháng 2/2020, Bộ Chính trị có quyết định điều động ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thôi tham gia Ban Cán sự đảng Chính phủ để tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIV.
Tính đến thời điểm được phân công nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ có 4 năm giữ cương vị Phó Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được Thủ tướng phân công phụ trách khối kinh tế tổng hợp, bao gồm: Kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là các mảng về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; hội nhập kinh tế quốc tế; chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; xóa đói giảm nghèo; kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Vào tháng 2/2020, ngay khi bắt tay vào công việc ở cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đã phải đối mặt với nhiệm vụ, thử thách hết sức khó khăn, đó là ngăn chặn đại dịch Covid-19 tại Thủ đô - nơi được cho là tâm dịch. Bằng sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo Thủ đô và sự đồng lòng nhất trí của các tầng lớp nhân dân, TP Hà Nội đã chiến thắng dịch bệnh sau một thời gian dài đấu tranh không ngừng nghỉ.
Cùng với chống dịch, lãnh đạo TP Hà Nội cũng ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ quan tâm làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về kinh tế, xã hội…
Vừa ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa "gỡ khó" cho sản xuất, kinh doanh là hai nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Song với những kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại đã cho thấy Hà Nội đã phần nào thể hiện một Hà Nội nội lực, bản lĩnh và đoàn kết.
Tác giả: Khánh An - Phạm Quang Vinh
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết